| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài 3] Ngư trường trong thành phố

Thứ Hai 07/10/2024 , 09:00 (GMT+7)

Với 8.900ha diện tích mặt nước, trải dài 80km từ cửa đập lên thượng nguồn, vùng hồ Hòa Bình cho phép phát triển ngư trường thủy sản nước ngọt lớn thứ tư cả nước.

Một góc vùng hồ sông Đà tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Một góc vùng hồ sông Đà tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc, Hòa Bình. Ảnh: Kiên Trung.

Những ngư dân trong thành phố

Buổi sớm tinh sương và trong lành, sau khi đã cất xong 3 vó đèn, lão nông người Mường Nguyễn Văn Hanh đưa tôi đi khám phá một vòng vùng lòng hồ, ngay chân đập thủy điện bằng chiếc thuyền nan.

Khu vực bản Vôi gia đình ông Hanh đang ở, giờ có tên tổ dân phố Vôi, thuộc phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình. Đó là tên địa giới hành chính mới, nhưng lão nông này vẫn trỏ tay đọc vanh vách tên từng khúc sông, từng ngọn núi, từng ghềnh thác xưa…, dẫu bây giờ nó đang nằm gọn gàng trong lòng hồ, dưới độ sâu hơn 100 mét.

Khu vực mặt hồ trước cửa nhà ông Hanh có 3 khu bè nổi, với khoảng 60 lồng nuôi cá. Ngược lên vài trăm mét theo hướng thượng nguồn, những khu lồng bè khác cũng đã có chủ, cắm kiên cố, chắc chắn sát bờ. Kế bên, một dãy nhà nổi lợp lá cọ vẫn chìm trong sương sớm. Đó là khu du lịch homestay có tên Meng Lake do một người dưới Hà Nội lên đầu tư.

“Đông khách lắm. Khách theo tour lòng hồ từ cảng Bích Hạ, Ba Cấp ngược lên đây, lưu trú qua đêm. Vì nhiều khách nên mỗi năm họ lại nối thêm một cái nhà nổi nữa, kết bằng hàng ngàn cây bương, cây luồng. Vợ chồng tôi vẫn được người ta gọi sang làm thuê, tôi chẻ lạt, buộc cột kèo; vợ tôi thì kéo bè nứa từ bờ vào, ngày công 3 - 4 trăm ngàn đồng”, ông Hanh rủ rỉ.

Ông Nguyễn Văn Hanh - một trong số hơn 1.700 hộ ven hồ thủy điện đang nuôi thủy sản lòng hồ. 

Ông Nguyễn Văn Hanh - một trong số hơn 1.700 hộ ven hồ thủy điện đang nuôi thủy sản lòng hồ. 

Một khu du lịch sinh thái đặt nổi tại vùng hồ khu vực bản Vôi. Ảnh: Kiên Trung.

Một khu du lịch sinh thái đặt nổi tại vùng hồ khu vực bản Vôi. Ảnh: Kiên Trung.

Gió sông Đà buổi sớm mát rượi, có cả vị lạnh ngọt vì hơi nước mặt hồ hòa lẫn trong gió. Hừng đông vẫn đỏ sậm. Theo thời gian, trời càng sáng thì sắc đỏ càng nhạt dần, cảm giác như một lọ phẩm đỏ trẻ con đánh rơi xuống hồ, bị sóng nước quấy tan, hòa loãng, cho đến khi những tia nắng ban mai vàng chanh bắt đầu ló rạng, thì cùng một lúc, mặt hồ chuyển sang màu sáng bạc…

Thuyền chậm rãi lướt đi chừng hơn 1km thì tới một khu lồng bãi dày san sát. Có mấy người đàn ông trung tuổi đang cặm cụi làm những công việc đặc thù trên lồng cá nhà mình. Ông Hanh nói chuyện bằng tiếng Mường, tôi không hiểu nội dung thì đã thấy người đàn ông trung tuổi tên Lạnh bắt chuyện.

Nhà ông Lạnh ở trên đầu dốc, thẳng chỗ bè cá nhìn lên. Gia đình ông mới thả chục bè nuôi cá lăng đen, một ít cá lăng đuôi đỏ - loài đặc hữu của sông Đà; một ít cá trắm cỏ đen, trắm cỏ trắng, một bè cá ngạnh giống 6 tháng tuổi…, vừa nuôi vừa nghe ngóng, vừa nuôi vừa đầu tư, lấy ngắn nuôi dài.

“Chúng tôi không có vốn để bỏ một lúc vài trăm triệu làm bè nuôi kiên cố, nên chủ yếu làm bè tre, bè luồng. Cá tép sông bẫy bắt được bán không hết thì làm thức ăn nuôi cá, hay lọc cá chiên, cá thược, cá ngạnh… con để hồ lên làm cá giống”, ông Lạnh thun thút kể chuyện trong lúc cầm chiếc gầu nhựa xúc cá từ trong chậu thau, ném vào bè cho đàn cá trắm đen ăn.

Bè trắm đen của ông Lạnh đã nuôi sang đến năm thứ 3, chuẩn bị được bán. Cá trắm đen thương phẩm, trọng lượng dưới 8kg đạt mức giá khoảng 300 ngàn đồng; từ hơn chục kg trở lên được giá 500 – 600 ngàn đồng/kg. Cho nên, 2 con trắm đen sông Đà có thể đổi được một chiếc xe máy, đó là chuyện hoàn toàn dễ hiểu.

“Nhưng mà cũng cực lắm. Phải kiên trì, nuôi lâu, không cho ăn nhiều thức ăn công nghiệp vì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng thịt. Chúng tôi vẫn cho cá ăn cỏ để nó mát ruột”, ông Lạnh giải thích. Lồng kế bên, ông Nguyễn Văn Viết khệ nệ ôm một ôm cỏ, có cả những ngọn tre, vầu… ném xuống bè cá. Chỉ nghe tiếng cá quẫy loạn trong bè, có những con háu ăn, dạn người phi thẳng lên mặt nước, khoe tấm thân tròn lẳn, đen trũi rồi nhanh chóng rơi bỏm xuống, làm những vốc nước bắn lên to như những vốc tay.

Nhà ông Lạnh đóng góp 10 lồng nuôi cá trong tổng số 1.150 lồng của khu vực thành phố Hòa Bình, trải dài từ chân đập thủy điện ngược lên thượng nguồn 7km. Đây cũng là điểm có mật độ lồng nuôi dày nhất.

“Thành phố nổi” trên lòng hồ thủy điện

Tại vị trí chân đập thuỷ điện - “cửa ngõ” của hồ Hoà Bình, hàng trăm lồng bè nuôi san sát, ken dày nhìn xa như trận Xích Bích. Nơi ấy nổi lên những biển hiệu, nhà nổi, nhà hàng, homestay du lịch kết hợp nuôi cá lồng trên sông như Tập đoàn Hải Đăng, Cường Thịnh, Mavin…

Khu lồng bè nuôi cá kết hợp du lịch nghỉ dưỡng trên sông.

Khu lồng bè nuôi cá kết hợp du lịch nghỉ dưỡng trên sông.

Hải Đăng là một trong những đơn vị đầu tư nhà lồng số lượng lớn trên vùng hồ thủy điện.

Hải Đăng là một trong những đơn vị đầu tư nhà lồng số lượng lớn trên vùng hồ thủy điện.

Toàn tỉnh Hoà Bình hiện đang có hơn 1.700 hộ thuộc 17 xã ven lòng hồ, 20 doanh nghiệp và các hợp tác xã đứng lên đầu tư nuôi cá lồng. Đứng đầu về số lượng lồng bè là huyện Đà Bắc với 2.240 lồng cá, bắt đầu từ xóm Nưa (xã Vầy Nưa); 3 huyện Cao Phong, Mai Châu, Tân Lạc mỗi huyện có trên dưới 500 lồng nuôi cá - một con số rất nhỏ. Tổng số lồng bè trên hồ Hòa Bình đang đạt gần 5.000 lồng, sử dụng 2.700/8.900ha, sản lượng đạt gần 10.000 tấn cá/năm. Lòng hồ đang trở thành nơi sinh kế, giúp 3.000 lao động nghề cá thường xuyên có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Bản Vôi có 170 hộ, hầu hết các hộ đều đã có lồng bè thả trên lòng hồ, trước khu vực nhà mình. Đối diện xóm Vôi, nhìn sang mặt hồ bên kia là xóm Trụ, thuộc phường Thái Bình. Xóm Trụ cũng sầm uất và san sát những khu bè nuôi cá. Sau lưng những bè cá, trên những triền núi nhô lên khỏi mặt nước, những nhà dân lẩn khuất trong tán cây xanh.

 
Gần 5.000 lồng bè nuôi cá đang khiến vùng lòng hồ sông Đà trở thành ngư trường thủy sản nước ngọt lớn thứ 4 cả nước. Ảnh: Kiên Trung.

Gần 5.000 lồng bè nuôi cá đang khiến vùng lòng hồ sông Đà trở thành ngư trường thủy sản nước ngọt lớn thứ 4 cả nước. Ảnh: Kiên Trung.

Có một khu với tông màu trắng, đỏ nổi bật trong sương sớm. Khi thuyền của ông Hanh tiến sát gần, tôi nhận ra đó là những ngôi nhà vườn, nhà biệt thự… đẹp đẽ, bề thế nhìn thẳng ra hồ. Chủ nhân của nó đều là những người có tiền từ thành phố lên mua đất ven hồ để thỏa mãn ước mơ sống sạch…

Cứ tới mỗi vị trí trong vùng hồ, ông Hanh lại tỉ mẩn giải thích: “Chỗ này là xóm Trụ, đối diện với xóm Vôi. Giữa hai xóm ngày trước là khúc sông Đà với ghềnh Rồng nổi tiếng, dài hơn 200m và là một trong những con thác hung dữ của sông Đà. Vòng xoáy nước của thác Rồng đã cuốn nhiều thuyền buôn, bè gỗ… của những thương hồ dưới xuôi ngược sông buôn hàng khô, tạp hóa. Ngược lên trên nữa là thác Mỏ, thác Bật Bông…, những con thác ngỗ ngược ngày trước giờ đã cam phận ngủ yên dưới đáy hồ…

Nắng sớm loang rộng mặt sông tự bao giờ. Dưới nắng, những mái nhà nổi, những lồng bè bỗng trở nên lấp lánh. Tiếng cá quẫy lao xao từ hàng trăm lồng bè nổi lên đớp thức ăn vừa được ném xuống. Nếu đứng thật gần, sẽ ngỡ như một trận mưa cá làm cả mặt gương khổng lồ bằng nước vỡ vụn thành triệu mảnh…

Xem thêm
Guinea muốn học hỏi kinh nghiệm của nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác Nam - Nam và Việt Nam - Nam Phi - Guinea, thể hiện là thành viên có trách nhiệm về an ninh lương thực, nhất là với châu Phi.

Chuyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vựa rau Minh Tân

Ông Đinh Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội thông tin, địa phương có 587 ha đất nông nghiệp trong đó có 160 ha rau.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Sóc Trăng có hơn 600 kênh thủy lợi là 'hồ thuận thiên' trữ nước ngọt

Huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có 613 kênh cấp I, II, III, khối lượng trữ nước trên 6,5 triệu m3. Hệ thống này là thế mạnh trữ nước ngọt trong điều kiện xâm nhập mặn.