| Hotline: 0983.970.780

Kỳ Sơn phát triển cây chè shan tuyết

Thứ Hai 22/11/2021 , 07:30 (GMT+7)

NGHỆ AN Cây chè shan tuyết được trồng lần đầu tiên vào năm 2003 ở 2 xã Mường Lống và Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho năng suất khá cao, chất lượng tốt.

Qua gần 20 năm, cây chè shan tuyết đã khẳng định được ưu thế phát triển tốt trên vùng đất núi cao từ 1.200 - 1.500m so với mặt biển thuộc vùng biên giới Việt - Lào. Nhờ đó, người Mông ở hai xã Mường Lống và Huổi Tụ đã giảm được đói nghèo từ cây chè shan tuyết. Năm nay, chè lại được mùa, bán được giá, không khí thu hái chè của bà con dân bản ở xã Mường Lống, Huổi Tụ thật tấp nập, rộn ràng trên các nương rẫy.

Người dân xã Huổi Tụ thu hoạch chè shan tuyết. Ảnh: Thành Cường.

Người dân xã Huổi Tụ thu hoạch chè shan tuyết. Ảnh: Thành Cường.

Năm 2003, cây chè shan tuyết được Tổng đội Thanh niên xung phong 8 (TNXP 8) ra tận Bắc Cạn, Hà Giang tìm kiếm cây giống mua về trồng ở hai xã Mường Lống và Huổi Tụ huyện Kỳ Sơn. Nơi đây, thiên nhiên đã ưu ái cho người Mông ở vùng núi cao này quanh năm mát mẻ với nhiều ngày mây mù phủ trắng, thậm chí có cả tuyết rơi vào những ngày mùa đông giá lạnh, nên cây chè ở đây cho năng suất khá cao, chất lượng tốt.

Gia đình ông Dềnh Dua Chò ở bản Huổi Khá, xã Huổi Tụ cho biết, gia đình ông có hơn 3ha chè Shan Tuyết, mỗi năm cho gia đình ông thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng và là cây trồng chính đảm bảo cuộc sống cho cả gia đình 4 người. Vì vậy, vợ chồng ông và cả hai người con suốt ngày lên nương chăm sóc chè, thu hái chè.

Vài năm trước đây, khi cây chè được mùa, mất giá, đơn vị thu mua là Tổng đội TNXP 8 chỉ mua với giá 6000 đ/kg chè búp tươi thì cả năm gia đình chỉ thu nhập được từ 50 - 60 triệu đồng. Hiện nay, sản phẩm chè búp tươi đã được mua với giá cao hơn rất nhiều so với trước đây, nên bà con dân bản rất phấn khởi mở rộng diện tích, đầu tư nhiều thời gian vào chăm sóc cây chè.

Cùng ở xã Huổi Tụ, gia đình anh Lỳ Bá Xềnh ở bản Trung Tâm có gần 2ha chè cho biết: Cây chè shan tuyết được gia đình anh trồng đầu tiên vào năm 2003 do Tổng đội TNXP 8 chỉ đạo và hướng dẫn kỹ thuật trồng. Từ đó đến nay, gia đình anh gắn bó với cây chè shan tuyết và chính cây chè shan tuyết đã mang lại cuộc sống khá giả cho gia đình anh ngày hôm nay.

Anh Xềnh cho biết thêm, cây chè shan tuyết bình quân mỗi năm cho thu hoạch 3 - 4 lứa, lứa thứ nhất thu hoạch vào cuối tháng 3 đến tháng 4, lứa thu hoạch này cho chất lượng chè tốt nhất. Lứa thứ 2 thu hoạch vào tháng 5, tháng 6, lứa thu hoạch này cho năng suất cao nhất trong năm. Lứa thu hoạch thứ 3 cho thu hoạch vào tháng 8 và lứa thu hoạch thứ 4 cho thu hoạch vào tháng 11.

Bình quân mỗi người, mỗi ngày thu hái được 40 - 50kg chè búp tươi. Năng suất chè hiện tại đạt bình quân nơi cao nhất đạt từ 4,5 - 5 tấn chè búp tươi/ha, nơi thấp nhất 3 - 4 tấn/ha. 

Gia đình ông Dềnh Dua Chò lên nương thu hoạch chè. Ảnh: Thành Cường.

Gia đình ông Dềnh Dua Chò lên nương thu hoạch chè. Ảnh: Thành Cường.

Thấy rõ lợi ích của cây chè shan tuyết trên vùng đất Huổi Tụ, Đảng bộ xã Huổi Tụ đã xác định cây chè Shan Tuyết là cây trồng chủ lực để xóa đói, giảm nghèo và xác định đây là sản phẩm OCOP của xã. Đảng bộ và chính quyền xã Huổi Tụ đang tuyên truyền, vận động đến từng người dân ở các thôn bản tiếp tục chăm sóc tốt các nương, vườn chè đã có, mở rộng diện tích trồng mới, thành lập HTX chè Huổi Tụ để cùng với Tổng đội TNXP 8 thu mua chè của dân, tạo động lực mới để phát triển mạnh phong trào trồng chè shan tuyết.

Ông Hạ Bá Lỳ, Phó Chủ tịch UBND xã Huổi Tụ cho biết thêm: Để cây chè phát triển, ngoài việc thành lập HTX chè Huổi Tụ, còn nhiều việc phải làm để cây chè shan tuyết đứng vững trên vùng đất này, đó là chỉ đạo bà con nông dân thực hiện tốt các biện pháp thâm canh, chăm sóc, thu hái, chế biến, trồng cây bóng mát, áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật mới về việc xây dựng mô hình trồng chè theo hướng VietGAP, tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để giúp người trồng chè ngày càng có thu nhập cao.

Trong đề án phát triển cây trồng chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP giai đoạn 2021 - 2025 ở huyện vùng cao Kỳ Sơn, đã xác định cây chè shan tuyết là một trong những cây trồng chủ lực của huyện.

Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Huyện Kỳ Sơn đã và đang kêu gọi một số doanh nghiệp có khả năng, có điều kiện cùng huyện thực hiện mở rộng quy mô trồng chè, để đưa thương hiệu chè shan tuyết Huổi Tụ, Mường Lồng, Na Ngoi lên tầm cao mới.

Theo định hướng của huyện, mỗi năm vùng chè của 3 xã nói trên sẽ cố gắng trồng mới từ 50 - 70 ha chè theo mô hình chè chất lượng cao, chăm sóc tốt các nương chè đã có, phấn đấu đạt năng suất chè bình quân từ 4 - 5 tấn/ha, sản lượng tối thiểu từ 1.000 tấn chè búp tươi trở lên mỗi năm, nhằm góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, hạn chế nạn phá rừng làm nương rẫy để trồng các loại cây hoa màu khác.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.