| Hotline: 0983.970.780

Mận tam hoa ở 'Sapa xứ Nghệ'

Thứ Ba 14/06/2022 , 08:25 (GMT+7)

NGHỆ AN Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) được ví như 'Sapa xứ Nghệ'. Ở đây có hơn 23ha cây mận tam hoa được đưa từ Lào Cai về trồng, cho chất lượng rất tuyệt vời.

Giống mận tam hoa là cây trồng đặc sản ở tỉnh Lào Cai, đã được Sở NN-PTNT Nghệ An cùng bà con người Mông ở huyện vùng cao Kỳ Sơn di thực về trồng đầu tiên ở xã Mường Lống từ trước năm 1995. Mường Lống là vùng đất đồi núi cao 1.500m so với mặt biển, nơi đây được ví là “Sapa xứ Nghệ”. Vì vậy cây mận tam hoa đưa về trồng ở vùng đất này rất phù hợp với khí hậu và đất đai ở đây.

Đến nay, mận tam hoa không chỉ có ở xã Mường Lống, mà còn được mở rộng ra các xã xung quanh Mường Lống gồm Tây Sơn, Nậm Cắn, Huổi Tụ... Toàn huyện Kỳ Sơn hiện đã có 46 ha cây mận tam hoa, trong đó riêng xã Mường Lống có 23 ha.

Mận tam hoa ở Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, một phần do điều kiện rất xa xôi. Ảnh: Trí Tuệ.

Mận tam hoa ở Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) còn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, một phần do điều kiện rất xa xôi. Ảnh: Trí Tuệ.

Mùa thu hoạch quả mậu tam hoa năm nay ở Kỳ Sơn nói chung, xã Mường Lống nói riêng năng suất không cao bằng mọi năm do thời kỳ mận ra hoa gặp mưa to, mưa kéo dài nhiều ngày nên số hoa đậu quả giảm sút nghiêm trọng, năng suất dự kiến chỉ đạt được bình quân 4,5 – 5 tấn quả/ha, sản lượng khoảng 180 – 200 tấn/quả.

Theo ông Lầu Bá Chò, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lống, chất lượng quả mận tam hoa ở đây rất tốt, người nào khi ăn cũng đều khen ngon, ngọt, giòn hơn so với quả mận ở chính quê hương Lào Cai. Đặc biệt, quả mận đảm bảo hoàn toàn sạch, do không bón phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu.

Cũng theo ông Lầu Bá Chò, huyện và xã đều xác định mận tam hoa là một trong những cây trồng vừa là cây chủ lực của địa phương, vừa là cây đặc sản của miền tây xứ Nghệ. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là sản phẩm chưa nhiều mà tiêu thụ đã thấy khó khăn. Đặc biệt, 2 năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên việc tiêu thụ rất khó khăn, nhiều vườn mận của các hộ dân quả chín rụng đầy vườn vì không có thương lái đến mua.

Mùa mận năm nay đã vào thu hoạch, dù dịch bệnh Covid-19 không còn căng thẳng nhưng vẫn có rất ít thương lái vào tận bản làng để mua mận như trước đây.

Mận Mường Lống cho quả to, chất lượng giòn, ngọt thanh. Ảnh: ST.

Mận Mường Lống cho quả to, chất lượng giòn, ngọt thanh. Ảnh: ST.

Trước tình hình đó, UBND huyện Kỳ Sơn và UBND các xã có trồng mận Tam hoa đã tìm mọi cách để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm nhanh, gọn như quảng bá trên mạng xã hội; thu hút khách du lịch đến tham quan, vừa thưởng thức đặc sản mận tam hoa của địa phương, vừa mua về làm quà và kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, cá nhân hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mận giúp bà con nông dân vùng cao giảm bớt khó khăn.

Tại xã Mường Lống, địa phương có diện tích trồng mận tam hoa lên đến 23 ha, sản lượng dự kiến vụ này đạt khoảng 100 – 115 tấn. Thường đầu mùa mọi năm trước đây giá bán từ 15.000 – 16.000 đ/kg loại quả to, đẹp. Nhưng năm nay giá bán chỉ ở mức trên dưới 10.000 đ/kg vẫn không tiêu thụ được và dự báo giá có thể tiếp tục hạ thấp.

Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn khẳng định: Cây mận tam hoa là một trong những cây trồng chủ lực hiện nay ở Kỳ Sơn. Những năm vừa qua, cây trồng này đã giúp nhiều người dân bản vùng cao Kỳ Sơn thoát nghèo, thậm chí ở xã Mường Lống có những gia đình khá giả hẳn lên nhờ cây mận Tam hoa.

Để cây mận tam hoa phát triển bền vững trên đất Kỳ Sơn, UBNN huyện sẽ tập trung chỉ đạo và giải quyết tốt các vấn đề quan trọng như tiếp tục mở rộng diện tích đi đôi với đầu tư thâm canh. Quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ thương hiệu Mận tam hoa Kỳ Sơn qua các kênh thương mại điện tử. Đồng thời xây dựng khu du lịch sinh thái ngay tại các xã trồng mận để thu hút du khách đến và tham quan, nghỉ dưỡng vào những ngày đầu mùa hè với khí hậu mát mẻ ở đây nhằm góp phần quảng bá sản phẩm mận tam hoa Kỳ Sơn trong thời gian tới.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.