| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ xa vời của hơn 1.000 nhân khẩu ở 'thủ phủ vàng' xứ Nghệ

Thứ Ba 22/01/2019 , 14:05 (GMT+7)

Nhiều năm qua, hàng trăm học sinh ở xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương (Nghệ An) ngày ngày lội suối hoặc đi trên những cây cầu khỉ chênh vênh bên dòng Chà Hạ để đến trường. Mong mỏi một cây cầu của hơn 1.000 nhân khẩu nơi đây vẫn chỉ là một điều ước xa xôi.

I.

Được mệnh danh là “thủ phủ vàng” nhưng với người dân Yên Tĩnh, những cơn lũ quét đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng mà họ chẳng bao giờ quên được. Vượt quãng đường hơn 40km từ thị trấn Hòa Bình, chúng tôi về bản Cành Toong – một bản khó khăn bậc nhất của huyện Tương Dương.

08-45-23_1_2_1
Một góc bản Cành Toong

Chị Lương Thị Xoa, một nữ trưởng bản hiếm hoi ở xã vùng cao Yên Tĩnh ra đón chúng tôi vào nhà. Bà cho biết, Cành Toong có 98 hộ với 428 nhân khẩu đều nằm rải rác bên suối Chà Hạ. Dù bươn chải trên nương rẫy vẫn không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Bên này là 75 hộ, bên kia suối 23 hộ nhưng hầu hết nương rẫy đều nằm ở phía bên kia, khổ nhất là mỗi lần mưa lũ phải vượt qua suối trên chiếc cầu khỉ bấp bênh để lên rừng.

Dẫn chúng tôi ra bờ suối, chị Xoa phân trần: “Buổi này bà con lên rừng hái măng mới về, học sinh cũng vừa tan học nên đi qua cầu đông lắm. Các anh ra xem sẽ biết”. Quả thực, đứng quan sát thấy trên chiếc cầu khỉ nhỏ được ghép lại bằng 5 cây tre, từng đoàn người lũ lượt bước qua.

Đây là chiếc cầu được bà con Cành Toong góp vốn lại cùng nhau dựng lên. Hai đầu mố cầu là hai trụ bê tông nhỏ bằng hai gang tay người lớn, ở giữa là những chiếc cọc gỗ tạm bợ. Theo chân đoàn người bước qua, cây cầu rung lắc còn bên dưới là dòng Chà Hạ đục ngầu chảy xiết khiến chúng tôi lạnh người. Những đứa trẻ mầm non, tiểu học đến trường đều phải có người lớn bế sang, không dám để chúng mạo hiểm đi một mình.

Ngồi bên kia suối, ông Lữ Chuyên, một người lớn tuổi ngồi trầm ngâm nhìn dòng nước. Thấy khách đến, ông vồn vã: “Chắc các chú đến khảo sát làm cầu cho dân bản phải không?”. Câu hỏi của ông khiến chúng tôi ngớ người. Như hiểu ra mục đích của khách, ông bảo: “Từ nhỏ đến giờ, đôi chân tôi không biết bao lần vượt suối. Ngày nào ít nhất tôi cũng phải bảy, tám lượt qua lại dưới dòng Chà Hạ này. Chỉ tội đám con cháu không biết đến khi nào mới có một cây cầu chắc chắn".

08-45-23_21
Học sinh bản Cành Toong chênh vênh qua cầu khỉ

Không có tiền xây cầu kiên cố, dân bản chỉ biết chung sức dựng lên cây cầu bằng tre, nứa. Có những lần dựng lên chỉ được vài tháng đã bị lũ cuốn trôi, người dân chỉ biết đứng than trời. Nhấp bát nước chè dạo, ông Chuyên nói tiếp: “Mới sáng đây thôi, có người vừa bế măng rừng qua cầu bị rơi mất chiếc điện thoại”.
 

II.

Rời Cành Toong, chúng tôi vượt thêm 15km nữa vào bản Chà Lúm. Sau những đợt lũ, con đường nhựa bị đánh lở loét, bùn đất từ núi ập xuống như muốn thử thách những tay lái cừ khôi nhất.

Trưởng bản Pay Văn Thông đứng bên này đưa tay chỉ về phía bên kia suối bảo, Chà Lúm có 137 hộ với 619 nhân khẩu. Ở bên này suối là 87 hộ. Trong khi đó, cả điểm trường tiểu học và mầm non ở bên kia suối. Mỗi lần mưa lũ học sinh đành phải nghỉ học rồi đợi nước rút lại học bù. Mỗi lần cây cầu tạm được dựng lên lại bị lũ cuốn trôi khiến dân bản chỉ biết lặng nhìn ngao ngán.

Mới hơn 10 giờ sáng, hàng chục phụ huynh đã chờ sẵn bên này suối để đón con mình trở về nhà. Khi tiếng trống trường báo hiệu giờ tan học, đám trò nhỏ ùa ra dòng Chà Hạ. Những đứa lớn vắt chiếc quần dài lên cổ và đưa sách vở giơ cao lên đầu rồi bắt đầu lội qua suối. Những đứa nhỏ hơn đành phải chờ bố mẹ lội qua bế sang.

08-45-23_3_2
Học sinh Chà Lúm vượt suối đến trường

Phía bên kia, thầy giáo Vi Văn Lướng đứng chờ cho từng học trò qua hết rồi mới trở lại trường. Theo thầy Lướng, hai điểm trường mầm non và tiểu học có tất cả 83 học sinh và mùa mưa lũ các em phải nghỉ học vì không thể vượt qua suối là chuyện bình thường. Một tay ôm hai con nhỏ, chị Kha Thị Hoa vừa nhọc nhằn lội qua dòng Chà Hạ vừa than thở: “Chẳng biết đến lúc nào Chà Lúm mới có một cây cầu cho con mình đỡ khổ”.

Là người sinh ra và lớn lên ở bản Chà Lúm, trưởng bản Pay Văn Thông cũng cho hay, việc cha mẹ cõng con qua suối đi học đã diễn ra từ hơn 20 năm nay rồi. Khi đến lớp hay cần việc gì đó, người lớn phải cõng trẻ em vượt suối. Trong khi đó suối Chà Hạ luôn tiềm ẩn nguy cơ lũ ống, lũ quét. “Trong một năm học, không dưới một lần, các thầy cô giáo phải thông báo cho học sinh nghỉ học dài ngày. Có khi thời gian nghỉ học chờ lũ rút đến hai tuần”, trưởng bản nói thêm.

Không có cầu không chỉ gây bất tiện cho học sinh tới lớp, các hộ dân ở phía bên kia suối gần như bị cô lập hoàn toàn khi có lũ lớn. “Trong đợt lũ do cơn bão số 4 năm ngoái (2016) các hộ dân phía bên kia suối bị cô lập một tuần liền. Nhiều nhà phải vòng vào bản Na Cáng cách 1,5km để đi mua gạo”, ông Pay Văn Thông nói. Vất vả là thế nhưng những người dân Chà Lúm đành ngồi bất lực nhìn cảnh ngày ngày con trẻ ướt hết quần áo trở về nhà sau một ngày đến trường.

Ông Vi Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh cho biết: Hiện việc xây cầu vượt suối ở bản Chà Lúm, Cành Toong chỉ mới nằm trong kế hoạch xây dựng trung hạn đến năm 2020 của huyện Tương Dương. Hiện tại như ở bản Cành Toong, các ban ngành đã khảo sát địa điểm để tiến hành xây dựng còn thời gian bao giờ còn phải phụ thuộc vào huyện.

Chiều buông, chúng tôi chia tay Yên Tĩnh khi bầu trời bắt đầu đen kịt lại như báo hiệu cơn mưa sắp đến. Trong các nhà, chiếc ti vi nhỏ báo Bắc Trung Bộ sắp có đợt không khí lạnh tràn về kèm theo mưa lớn. Nghe vậy, một nỗi lo lắng lại hiện về trên khuôn mặt của những người dân vốn đã chịu nhiều đau khổ vì lũ.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm