| Hotline: 0983.970.780

Giải bài toán rải vụ để có khoai lang xuất khẩu quanh năm

Thứ Sáu 14/04/2023 , 08:30 (GMT+7)

Muốn xuất khẩu khoai lang ổn định sang thị trường Trung Quốc, bài toán đặt ra là phải làm sao sản xuất rải vụ để duy trì ổn định nguồn hàng xuất khẩu quanh năm.

20230412_110448

Khoai lang đang trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.

Giá khoai lang tăng cao

Gia Lai hiện có tổng diện tích khoai lang khoảng gần 5.000ha, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, Chư Sê, Chư Pưh, Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Prông, Mang Yang.

Ghi nhận tại “thủ phủ” khoai lang Phú Thiện, thời điểm này đang bước vào cuối vụ thu hoạch, giá khoai lang đang tăng cao giúp người dân phấn khởi với một mùa vụ bội thu.

Ông Đỗ Văn Năm, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Phú Thiện (xã Chư A Thai, huyện phú Thiện) vui mừng cho biết, hiện giá khoai lang đang dao động khoảng 13.000 đồng/kg, năng suất năm nay cũng tương đối cao, đạt trên 30 tấn/ha. Trừ các khoản chi phí đầu tư, người dân thu lợi nhuận khoảng trên 250 triệu đồng/ha. So với các cây trồng khác, khoai lang có lợi nhuận cao hơn rất nhiều, mà thời gian từ khi trồng đến thu hoạch chỉ hơn 3 tháng.

Theo ông Năm nhận định, có thể thời gian vừa qua, thông tin về việc Trung Quốc đồng ý cho khoai lang của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch đã giúp cho giá khoai tăng cao. Với những hộ dân trồng khoai lang, chỉ cần giá bền vững ở mức 8.000 đồng/kg cũng đã cảm thấy phấn khởi.

z4261292820735_f207bd4330b699cb3ee1d820ce42796b

Cây khoai lang ngày càng cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Năm cho biết thêm, hiện trên địa bàn huyện Phú Thiện có khoảng 1.200ha trồng khoai lang. Theo đó, cây khoai lang được trồng 1 vụ trong năm, rồi luân canh trồng lúa và hoa màu để giảm sâu bệnh. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã đến Phú Thiện đặt vấn đề xây dựng mã số vùng trồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm, ổn định giá cả cho người dân. Tuy nhiên, khi xây dựng mã số vùng trồng, các doanh nghiệp cũng yêu cầu người dân thực hiện trồng rải vụ để đảm bảo nguồn hàng quanh năm phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

“Chúng tôi đang xây dựng mã số vùng trồng cho các thành viên với khoảng 200ha, trong đó xã Ia Sol 120ha, xã Chư A Thai 80ha. Theo đó, các doanh nghiệp đứng ra phối hợp với địa phương, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ người dân xây dựng mã số vùng trồng, còn HTX giới thiệu vùng trồng đảm bảo các yêu cầu đề ra”, ông Năm chia sẻ.

Cũng theo ông Năm, huyện Phú Thiện có lợi thế với vựa lúa nước lớn nhất tỉnh Gia Lai. Chính vì vậy, trải qua 1 vụ trồng lúa sẽ làm sạch hết các tuyến trùng gây bệnh, khi đó quay lại trồng khoai lang sẽ đảm bảo cây phát triển tốt. Chính điều này rất thuận lợi cho địa phương trong việc xây dựng mã số vùng trồng mà không phải thay đổi vị trí đất trồng đối với vùng trồng.

Phấn khởi trước thông tin khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, những ngày qua, HTX Nông nghiệp Thắng Lợi (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) đang tập trung tuyên truyền cho các thành viên đăng ký diện tích, thiết lập hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng.

Ông Tống Văn Hiền, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thắng Lợi cho biết, hiện HTX đang quản lý 240ha khoai lang của các thành viên trên địa bàn xã Ia Sol. Để hướng tới xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các thành viên HTX đã đăng ký xây dựng mã vùng trồng với gần 150ha. Hiện các doanh nghiệp đã tiến hành đo đạc diện tích, còn quy trình kỹ thuật canh tác sẽ được triển khai trong vụ tới.

“Đăng ký mã số vùng trồng khoai lang sẽ thuận lợi hơn cho người dân trong việc sản xuất bền vững loại cây trồng này. Trong đó, giá cả luôn là vấn đề khiến người dân đau đầu khi bị thương lái ép giá. Chính vì vậy, việc doanh nghiệp về hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng rồi bao tiêu sản phẩm, ổn định giá cả sẽ giúp người dân yên tâm sản xuất”, ông Hiền cho biết.

Giúp nông dân tường tận về mã vùng trồng, quy định xuất khẩu

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Gia Lai luôn đồng hành, sát cánh hỗ trợ, hướng dẫn nông dân, HTX, doanh nghiệp đẩy mạnh việc thiết lập, xây dựng mã vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản nói chung và khoai lang nói riêng phục vụ xuất khẩu.

20230412_110219

Gia Lai rất phù hợp để phát triển cây khoai lang và đã hình thành được các vùng sản xuất lớn. Ảnh: Tuấn Anh.

Đặc biệt, trước thông tin khoai lang được xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc, ngành nông nghiệp Gia Lai càng đẩy mạnh, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân liên quan.

Trong đó, ưu tiên tập trung phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các hoạt động như: Hướng dẫn quy trình thiết lập và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói về các quy định, tiêu chí liên quan đến thiết lập, xây dựng, kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói...

Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng phổ biến sâu rộng các quy định nhập khẩu của các thị trường, đặc biệt là quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm.

Ông Đỗ Văn Năm, Giám đốc HTX Nông sản an toàn Phú Thiện cho biết, để chuẩn bị cho việc cấp mã số vùng trồng, các thành viên trong HTX cũng rất quan tâm đến việc chọn giống. Theo đó, giống được lựa chọn loại tốt nhất cho năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, khoai lang được sản xuất theo hướng hữu cơ để đảm bảo cây khỏe, cho năng suất, chất lượng cao.

Ông Tống Văn Hiền, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thắng Lợi cho biết, thời gian qua, HTX và các hộ dân đã được tập huấn rất nhiều về quy trình xây dựng mã số vùng trồng. Trên thực tế, khi xây dựng mã số vùng trồng mà người dân thấy có lợi thì sẽ tham gia ngay. Giá khoai lang không cần tăng cao quá nhưng phải ổn định để người dân yên tâm sản xuất.

Cũng theo ông Hiền, mấy năm nay, cây khoai lang phát triển tương đối mạnh trên địa bàn huyện Phú Thiện, thu nhập trung bình hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chính vì vậy, phát triển bền vững cây khoai lang thông qua xây dựng mã số vùng trồng đang được nhiều hộ dân trong vùng đặc biệt quan tâm.

z4261292781897_b6a25578c26113745e883ed5c255278e

Xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp khoai lang phát triển bền vững. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết, để khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, thời gian qua, địa phương cũng đã đăng ký với Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai để triển khai xuống cho các xã xây dựng mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 300ha.

“Với việc đăng ký mã số vùng trồng, khoai lang sẽ thuận lợi hơn vì được xuất khẩu chính ngạch, khi đó giá cũng sẽ tăng cao”, ông Tuấn nói và cho biết, muốn vậy ngay từ bây giờ, người dân cần thay đổi phương thức canh tác, ứng dụng công nghệ, xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho cây khoai lang.

Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, hiện toàn tỉnh Gia Lai đã được cấp 146 mã số vùng trồng, trong đó cây khoai lang vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận đối với 18 mã số vùng trồng.

Theo ông Khải, mã số vùng trồng là tiền đề quan trọng cho xuất khẩu chính ngạch khoai lang, góp phần rút ngắn các khâu trung gian, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế, cũng như đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân. Qua đó, góp phần phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, liên kết chuỗi giá trị bền vững.

Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, qua kiểm tra, làm việc thực tế ở cơ sở cho thấy, hiện có nhiều nông dân, thậm chí có HTX còn ngại thực hiện, chưa mặn mà với việc xây dựng mã số vùng trồng, còn có tư tưởng “tự sản xuất, tự đi bán” dẫn đến phần lớn diện tích cây trồng phân tán, nhỏ lẻ, xen canh...

“Nhìn chung, chưa đảm bảo các tiêu chí, quy định của thị trường tiêu thụ nhiều nước, nhất là việc ghi nhật ký canh tác và áp dụng cùng một quy trình sản xuất, từ đó rất khó cho việc đẩy mạnh thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng”, ông Khải thông tin.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.