| Hotline: 0983.970.780

Giải cứu chè cổ thụ Suối Giàng: Nan giải chống mối

Thứ Sáu 10/11/2023 , 06:30 (GMT+7)

YÊN BÁI Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để cứu rừng chè cổ thụ Suối Giàng trước nạn mối xông.

Chè cổ thụ Suối Giàng. Ảnh: Thanh Tiến. 

Chè cổ thụ Suối Giàng. Ảnh: Thanh Tiến. 

Được coi là “Đệ nhất kỳ quan trà Việt Nam”, xã Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) có gần 500ha chè shan tuyết, trong đó có gần 300ha là chè cổ thụ. Năm 2016, quần thể 400 cây chè cổ thụ trên 100 năm tuổi tại các thôn Giàng A, Giàng B, Pang Cáng và Bản Mới được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Người dân Suối Giàng coi cây chè shan tuyết cổ thụ như báu vật trời cho. Tuy nhiên thời gian qua rừng chè quý này đang bị đàn mối tấn công, làm ảnh hưởng đến tình hình sinh trưởng, giảm năng suất, chất lượng và giá trị của chè Suối Giàng. Đặc biệt, số cây chè bị ảnh hưởng do mối ngày càng tăng, nhiều cây đã chết hoặc đang chết dần khiến người dân rất lo lắng.

Nhiều cây chè cổ thụ ở Suối Giàng đã bị chết khô vì mối tấn công. Ảnh: Thanh Tiến. 

Nhiều cây chè cổ thụ ở Suối Giàng đã bị chết khô vì mối tấn công. Ảnh: Thanh Tiến. 

Ông Phạm Nguyên Bình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Chấn cho biết: Huyện Văn Chấn có 4.600ha chè, là vùng chè lớn nhất tỉnh Yên Bái. Trong đó có hơn 3.000ha chè trung du, xấp xỉ 1.000ha chè shan tuyết cổ thụ. Xác định chè là cây trồng kinh tế chủ lực, những năm gần đây, để nâng cao sinh kế, đời sống đồng bào vùng cao, ngành nông nghiệp huyện đã nghiên cứu nhân giống và mở rộng diện tích thâm canh chè shan tuyết được khoảng 700ha.

“Tình trạng mối xông chè cổ thụ đã xuất hiện từ rất lâu nhưng tới giờ vẫn chưa có giải pháp phòng trừ hữu hiệu”, ông Phạm Nguyên Bình nói.

Thân chè cổ thụ biến thành tổ mối. Ảnh: Thanh Tiến. 

Thân chè cổ thụ biến thành tổ mối. Ảnh: Thanh Tiến. 

Năm 2019, trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã phối hợp với huyện Văn Chấn triển khai mô hình khảo nghiệm sử dụng chế phẩm sinh học và một số biện pháp kỹ thuật trong diệt mối, phòng mối cho cây chè tại một số hộ. Các nhà khoa học hướng dẫn người dân áp dụng chế phẩm sinh học từ gừng, tỏi, ớt, lá xoan và một số loài thực vật khác để diệt mối.

Qua thử nghiệm, phương pháp diệt mối này có hiệu quả khá cao trong khu vực khảo nghiệm. Tổ mối không còn mối hoạt động, đường mối đi trong lòng đất đã giảm đáng kể, cuốc phần đất xung quanh gốc cây chè không còn thấy mối xuất hiện nhiều như trước. Đặc biệt rễ cây đã mọc thêm nhiều, cây sinh trưởng phát triển tốt.

Một cây chè cổ thụ ở Suối Giàng đang bị mối tấn công. Ảnh: Thanh Tiến. 

Một cây chè cổ thụ ở Suối Giàng đang bị mối tấn công. Ảnh: Thanh Tiến. 

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Văn Chấn, khu vực thử nghiệm chỉ thực hiện được trên số lượng cây ít, quy mô nhỏ và khó nhân rộng. Bởi để thực hiện cách diệt mối này cần rất nhiều nước, trong khi diện tích chè Suối Giàng đa số nằm trên núi cao, không có nguồn nước và thiết bị phù hợp.

Mối thường tấn công chè cổ thụ ở Suối Giàng vào tháng 2, tháng 5 và tháng 11 hàng năm. Hiện nay, vẫn chưa có chế phẩm cũng như phương pháp diệt mối, phòng mối áp dụng đại trà cho hiệu quả tối ưu nhất. Chính quyền cũng chỉ khuyến cáo bà con tích cực vệ sinh rừng chè bằng các phương pháp thủ công như phát quang cỏ dại, rắc vôi quanh gốc chè để hạn chế mối tấn công.

Mối thường tấn công chè cổ thụ ở Suối Giàng vào các tháng 2, tháng 5 và tháng 11 hàng năm. Ảnh: Thanh Tiến. 

Mối thường tấn công chè cổ thụ ở Suối Giàng vào các tháng 2, tháng 5 và tháng 11 hàng năm. Ảnh: Thanh Tiến. 

Mối gây hại rừng chè cùng có nhiều loài nên việc tìm các biện pháp phòng trừ riêng cho từng loài mối gây hại cũng gặp nhiều khó khăn. Một số đoàn chuyên gia trong và ngoài nước cũng từng đến Suối Giàng khảo sát về sự phá hoại của loài mối, nhưng cho đến nay chưa có tổ chức hay cá nhân nào cam kết và có giải pháp hữu hiệu diệt mối cho rừng chè.

Ông Phạm Nguyên Bình cho biết thêm, trước đây, cũng đã từng có tình trạng người dân tự mua thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học diệt mối. Khi chính quyền phát hiện đã kịp thời tuyên truyền bà con không áp dụng phương pháp này. Bởi nếu người dân sử dụng thuốc diệt mối có nguồn gốc hóa học hay thuốc diệt mối dùng cho các công trình xây dựng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng vùng chè cổ thụ và có thể dẫn đến làm chết cây chè.

Chè cổ thụ là sinh kế rất quan trọng của người Mông ở Suối Giàng. Ảnh: Thanh Tiến. 

Chè cổ thụ là sinh kế rất quan trọng của người Mông ở Suối Giàng. Ảnh: Thanh Tiến. 

Ông Lường Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng cũng trăn trở: Vùng chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng đang hướng đến thực hiện sản xuất theo phương thức hữu cơ, quy trình sản xuất đòi hỏi không sử dụng các chất hóa học, chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên bà con chỉ được sử dụng giải pháp sinh học.

Tuy nhiên, việc sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong diệt trừ mối vẫn chỉ dừng lại ở các mô hình khảo nghiệm, chưa được áp dụng nhân rộng trong điều kiện thực tế. Vì vậy, người dân và chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay tìm giải pháp hữu hiệu diệt mối cứu chè.

Người dân và chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay tìm giải pháp hữu hiệu diệt mối cứu chè. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân và chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay tìm giải pháp hữu hiệu diệt mối cứu chè. Ảnh: Thanh Tiến.

Trước khi tìm được giải pháp hiệu quả, huyện Văn Chấn đang vận động người dân trồng dặm, không chăn thả gia súc vào đồi chè. Quanh gốc chè có thể rắc vôi bột và không làm sạch cỏ, để lại một số cây bụi làm thức ăn cho mối. Vận động người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về chăm sóc, đốn cành, hái và bón phân hữu cơ... đúng yêu cầu kỹ thuật, giúp cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.