Ngày 14/4, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc phối hợp cùng Sở NN-PTNT Phú Thọ tổ chức Hội nghị “Triển khai công tác phòng chống sinh vật gây hại chính trên lúa giai đoạn cuối vụ đông xuân 2022 - 2023 các tỉnh phía Bắc”.
Đạo ôn cổ bông xu hướng lan rộng
Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, tổng diện tích gieo trồng vụ lúa vụ đông xuân 2022 - 2023 hơn 709.500ha. Trong đó, trà xuân sớm hơn 41.100ha (đang ở giai đoạn phát triển đòng - trỗ). Trà chính vụ hơn 281.600ha (giai đoạn đứng cái – làm đòng). Trà xuân muộn hơn 386.700ha (giai đoạn đẻ nhánh rộ - cuối đẻ).
Đến thời điểm hiện tại, các đối tượng sinh vật hại chính như bệnh đạo ôn lá, bạc lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, chuột... có diện phân bố hẹp và mức độ hại thấp hơn so vụ đông xuân 2021 - 2022. Riêng đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 có mật độ và diện tích phân bố cao hơn so với vụ đông xuân 2021 - 2022.
Trong giai đoạn cuối vụ, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong tháng 4, nhiệt độ ở Bắc bộ phổ biến ở mức cao hơn 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm (TBNN). Cường độ nắng nóng có khả năng gay gắt hơn so với cùng kỳ năm 2022. Tổng lượng mưa từ tháng 4 - 6 ở mức xấp xỉ so với TBNN...
Về tình hình sinh vật gây hại chính trên lúa, bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại từ cuối tháng 4 và có xu hướng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhất là trên giống nhiễm, những diện tích lúa bị đạo ôn lá nặng, nhất là diện tích lúa trỗ - phơi màu trong điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại.
- Sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành lứa 2 vũ hóa từ trung tuần đến cuối tháng 4, sâu non gây hại từ cuối tháng 4 sang đầu tháng 5. Đây là lứa gây hại chính trong vụ đông xuân trên các trà lúa xuân chính vụ - muộn giai đoạn đòng - trước trỗ. Sâu non gây hại nặng tại các tỉnh đồng bằng ven biển và Trung du Bắc bộ. Các tỉnh vùng đồng bằng và trung du mật độ phổ biến 10 - 30 con/m2, cao 40 - 50 con/m2. Các tỉnh ven biển mật độ phổ biến 30 - 50 con/m2, nơi cao 50 - 100 con/m2, cục bộ 300 - 500 con/m2 và có vùng phân bố rộng hơn so với cùng lứa của vụ đông xuân 2021 - 2022.
Trưởng thành lứa 3 vũ hóa tập trung vào trung tuần tháng 5, sâu non hại chủ yếu trên lúa xuân muộn diện xanh tốt.
- Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 rộ tập trung từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 trên lúa xuân sớm - chính vụ giai đoạn trỗ - ngậm sữa và trên trà xuân muộn giai đoạn đòng - trước trỗ. Diện phân bố rộng, mật độ phổ biến 300 - 500 con/m2, cao 2.000 - 5.000 con/m2, ổ >10.000 con/m2, khả năng cháy ổ nhỏ từ đầu tháng 5, đặc biệt trên những giống nhiễm.
Lứa 3 phát sinh gây hại từ giữa đến cuối tháng 5 chủ yếu trên trà xuân muộn giai đoạn chắc xanh – đỏ đuôi, nhất là tại các tỉnh đồng bằng ven biển. Mật độ phổ biến 500 -1.000 con/m2, cao hàng vạn con/m2, khả năng cháy nhiều ổ vào giai đoạn giữa đến cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 nếu không tổ chức phòng trừ tốt.
- Sâu đục thân 2 chấm trưởng thành lứa 2 rộ từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5. Sâu non gây bông bạc chủ yếu trên lúa trỗ đầu đến trung tuần tháng 5, tỷ lệ hại phổ biến 1 - 3%, nơi cao 10 - 15% số bông.
- Bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, chuột… tiếp tục gây hại tăng từ nay đến cuối vụ. Lúa cỏ (lúa ma) có chiều hướng gia tăng...
Trên cơ sở đó, Cục BVTV yêu cầu các tỉnh phía Bắc, đối với bệnh đạo ôn cổ bông cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và thời gian trỗ của các trà lúa để chủ động chỉ đạo phun phòng bệnh. Đặc biệt quan tâm đến những diện tích lúa trỗ sớm trong tháng 4, nhất là trên những giống nhiễm.
Đối với sâu cuốn lá nhỏ, hiện nay, nguồn sâu lứa 1 cao, diễn biến thời tiết rất phức tạp nên từng tỉnh phải tổ chức điều tra, bám sát diễn biến của sâu cuốn lá nhỏ để chọn thời điểm thích hợp tổ chức chỉ đạo phòng trừ cho phù hợp và đem lại hiệu quả.
Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, cần bám sát đồng ruộng, tổ chức phòng trừ tốt rầy lứa 2 để giảm áp lực rầy lứa 3.
Tiếp tục giám sát chặt chẽ virus lùn sọc đen trên rầy và trên lúa đông xuân để chủ động quản lý bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa ngay từ đầu vụ.
Cảnh giác với lùn sọc đen
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV đánh giá, từ đầu vụ đông xuân đến nay, thời tiết không thuận lợi cho hoạt động sản xuất lúa. Thời điểm đầu vụ xảy ra tình trạng khô, thiếu nước nên quá trình xuống giống gặp nhiều khó khăn. Đến hiện tại, thời tiết mưa ẩm kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát triển. Một số địa phương mật độ nhiễm đạo ôn lá, sâu cuốn lá… ở mức độ cao hơn so với TBNN. Có địa phương đã phải chỉ đạo phòng trừ tới 2 lần.
Từ nay tới cuối vụ, tình hình thời tiết tiếp tục không có lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây lúa nhưng lại rất thuận lợi cho sâu bệnh hại phát triển. Đặc biệt, trong thời gian từ 5 - 15/5 là thời điểm trỗ tập trung của trà chính vụ và trà muộn, theo dự báo, thời gian này cũng sẽ xảy từ 4 - 6 đợt rét muộn (rét Nàng Bân). Do đó, theo nhận định, đây sẽ là thời điểm nguy hiểm cho cây lúa ở các tỉnh phía Bắc. Bởi điều kiện thời tiết như vậy sẽ rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát triển. Nếu các địa phương không chỉ đạo phòng trừ kịp thời thì bệnh rất dễ lây lan trên diện rộng, đe dọa trực tiếp tới năng suất, sản lượng lúa.
Ông Dương cũng lưu ý, thời gian vừa qua, Cục BVTV đã phối hợp với một số địa phương phía Bắc tiến hành lấy mẫu giám sát lưu hành virus lùn sọc đen (LSĐ) hại lúa trên đồng ruộng. Kết quả cho thấy, tỉ lệ mẫu rầy lưng trắng (môi giới truyền bệnh) mang virus LSĐ xấp xỉ 6% số mẫu rầy mang virus. Đây là điều đáng báo động đối với lúa vụ đông xuân. Bởi lẽ, trong 2 năm trở lại đây, tỷ lệ rầy mang virus LSĐ rất thấp, nhất là trong vụ đông xuân. Do đó, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh LSĐ, đặc biệt ở giai đoạn cuối vụ.
Ông Dương cũng yêu cầu từ nay tới cuối vụ sẽ là giai đoạn quyết định thành công của vụ lúa đông xuân. Do đó, Chi cục trồng trọt và BVTV các tỉnh phía Bắc cần tăng cường cắt cử cán bộ kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến dịch hại, nhất là các điểm hàng năm thường xuyên xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ, đạo ôn với mật độ cao; kết hợp theo dõi diễn biến của thời tiết, sinh trưởng cây trồng. Từ đó, nhận định chính xác, đưa ra dự tính, dự báo kịp thời về khả năng phát sinh, diện phân bố, mức độ gây hại của các loại sâu bệnh hại, để chỉ đạo phòng trừ hiệu quả.
Bên cạnh đó, tham mưu kịp thời cho chính quyền các cấp để xây dựng phương án, chủ động công tác chỉ đạo phòng trừ dịch hại tại địa phương.
Cục BVTV đề nghị các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên tất cả các kênh thông tin đại chúng về diễn biến của tình hình sâu bệnh gây hại để người dân nắm rõ. Bên cạnh đó, hướng dẫn nông dân kỹ thuật phòng trừ dịch hại, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng".
Hiện tại, giá các loại vật tư có chiều hướng giảm, nhiều hộ dân bắt đầu tăng lượng bón, nhất là đạm. Do đó, các cơ quan chuyên môn phải tăng cường khuyến cáo người dân sử dụng hợp lý, vì nếu dùng quá nhiều rất có thể tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, đảm bảo ổn định thị trường kinh doanh thuốc BVTV, phục vụ tốt nhất cho công tác phòng trừ dịch hại.