| Hotline: 0983.970.780

Giai đoạn quyết định thành bại vụ đông xuân

Chủ Nhật 08/05/2022 , 17:11 (GMT+7)

Do lúa đông xuân phía Bắc năm nay sinh trưởng dài hơn mọi năm, nên việc chăm bón và phòng trừ sâu bệnh giai đoạn đầu tháng 5/2022 có ý nghĩa quyết định thắng lợi.

Đợt cao điểm đầu tháng 5

Theo Trung tâm Bảo vệ thực vật (BVTV) phía Bắc, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 trên lúa đông xuân tại các tỉnh ĐBSH sẽ nở rộ từ trong tuần đầu tháng 5/2022, mật độ sâu phổ biến 30 - 40 con/m2. Đây là lứa sâu gây hại chính trong vụ, phân bố không đồng đều giữa các trà lúa và gây hại trực tiếp tới bộ lá đòng của cây lúa, cần những biện pháp phòng trừ kịp thời. Ngoài sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn, sâu đục thân, rầy, khô vằn... đều có khả năng gây hại trên lúa. 

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương (giữa) và lãnh đạo Chi cục Trồng trọt - BVTV Hải Phòng kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông xuân trên địa bàn Thành phố Hải Phòng. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương (giữa) và lãnh đạo Chi cục Trồng trọt - BVTV Hải Phòng kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông xuân trên địa bàn Thành phố Hải Phòng. Ảnh: Bảo Thắng.

Từ cuối tháng 4/2022, Cục BVTV đã tổ chức nhiều chuyến kiểm tra thực tế tại đồng ruộng. Phó Cục trưởng Nguyễn Quý Dương đánh giá, các đối tượng sâu bệnh hại lúa vụ đông xuân năm nay phát sinh muộn hơn, quy mô gây hại thấp hơn so với cùng kỳ vụ trước.

Cụ thể, tại Hải Phòng, tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại ước khoảng 12.069 ha, bằng 43% diện tích gieo cấy, và bằng 95% cùng kỳ năm trước. Tại Thái Bình, bệnh đạo ôn lá phát sinh, phát triển nhẹ hơn cùng kỳ năm trước và trung bình nhiều năm, trong đó chủ yếu là nhiễm rải rác đến dưới 5%.

Tại Nam Định, mật độ sâu và trứng của sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 phổ biến 10 - 15 con/m2, thấp hơn cùng kỳ vụ trước. Dự báo, sâu non lứa 2 nở rộ từ ngày 3 - 8/5, trùng thời điểm với rầy lứa 2. Ngoài ra, bệnh khô vằn phát sinh cục bộ, phổ biến ở mức 3 - 5%.

Tại Ninh Bình, tổng diện tích nhiễm các đối tượng sinh vật hại trên địa bàn vụ đông xuân này khoảng 2.187 ha, bằng 52,7% so với năm 2021. Diện tích nhiễm nặng trên toàn tỉnh là 16,4 ha, bằng 5,2% so với vụ trước.

Bà Vũ Thị Lan Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Hải Phòng cho biết, Chi cục đã tham mưu cho Sở NN-PTNT và UBND Thành phố về phòng trừ đạo ôn cổ bông trên lúa trỗ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2022 trên một số giống bị nhiễm như nếp, TBR225, Đài thơm 8...

Ông Nguyễn Quý Dương (phải) và ông Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Ninh Bình kiểm tra lúa trước đợt cao điểm phòng trừ dịch hại. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Nguyễn Quý Dương (phải) và ông Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Ninh Bình kiểm tra lúa trước đợt cao điểm phòng trừ dịch hại. Ảnh: Bảo Thắng.

Xác định tuần đầu tháng 5 là cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa hai, Hải Phòng tập trung huy động bà con nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh từ ngày 3 - 8/5. Sau ngày 10/5, bà con sẽ theo dõi và xử lý các vấn đề phát sinh.

"Song song với công tác hướng dẫn, Chi cục đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân cấy và chăm sóc đúng thời vụ. Từ những năm 1990, Hải Phòng đã áp dụng nhiều biện pháp tiên tiến như Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), mô hình canh tác lúa tiên tiến (SRI). Các địa phương cũng tích cực cấy hiệu ứng hàng biên để nâng cao hiệu quả", bà Hương chia sẻ.

Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt - BVTV Hải Phòng tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan để tổ chức mô hình sản xuất lúa hữu cơ, đồng thời đề ra chiến lược sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn và cải tạo đất lúa, giữ được độ màu cho đất. 

Một trong những vấn đề của vụ đông xuân năm nay là năng suất, chất lượng chỉ ở mức khá so với năm ngoái. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục BVTV cho biết thêm, chi phí cho phun thuốc BVTV vụ đông xuân năm nay thấp hơn cùng kỳ do mức độ gây hại của các sâu bệnh hại ít hơn. Nông dân cũng đã được tập huấn, nâng cao nhận thức về những phương pháp canh tác tốt như "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng"... Do đó, hiệu quả kinh tế vụ đông xuân 2022 có thể được đảm bảo.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV khuyến cáo: Công tác phòng, chống dịch hại phải ứng biến linh hoạt với thời vụ. Ngoài kinh nghiệm sẵn có, địa phương cần đặc biệt lưu ý đến những thay đổi của thời tiết để đưa ra chỉ đạo sát thực tiễn.

"Nếu ra quân đồng bộ, quyết liệt, bà con nông dân sẽ kiểm soát được lứa sâu gây hại chính trong vụ đông xuân năm nay", ông Dương chia sẻ.

Chú trọng hiệu quả sản xuất

Vụ đông xuân 2021 - 2022, các địa phương phía Bắc nói chung và các tỉnh vùng ĐBSH nói riêng gặp một số bất lợi như giá vật tư đầu vào tăng cao, nhất là giá phân bón, đã ảnh hưởng đến tâm lý nông dân cũng như giá thành sản xuất lúa. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết năm nay không thực sự thuận lợi. Đợt rét đậm, rét hại hồi tháng 2 ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng của lúa, khiến thời gian sinh trưởng kéo dài hơn các năm.

Tại các tỉnh vùng ĐBSH, vụ đông xuân năm nay lúa sạch sâu bệnh hơn mọi năm. Ảnh: Bá Thắng.

Tại các tỉnh vùng ĐBSH, vụ đông xuân năm nay lúa sạch sâu bệnh hơn mọi năm. Ảnh: Bá Thắng.

Bên cạnh đó, hiện nay, bà con vẫn còn gặp trở ngại về quy mô đồng ruộng nhỏ hẹp, chưa thể đẩy mạnh được sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, cũng như cơ giới hóa sản xuất, giúp giải quyết tận gốc bài toán kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình bày tỏ: "Chúng tôi đã định hướng cho bà con việc phân nhỏ các trà lúa. Trà nào trỗ trước ngày 5/5 thì tập trung phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông, còn trà lúa trỗ từ ngày 5 - 20/5 thì tập trung bón thúc phân kali, giúp tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Với trà trỗ sau 20/5, chúng tôi khuyến cáo bà con bón thêm phân NPK để lúa có đủ dinh dưỡng cho đòng và trỗ bông".

Theo bà Nga, khó khăn lớn nhất của vụ đông xuân 2021 - 2022 là lúa trỗ muộn hơn so với mọi năm từ 7 - 10 ngày, thậm chí có nơi đến 15 ngày do thời gian sinh trưởng kéo dài. Do đó, việc chăm bón và phòng trừ sâu bệnh giai đoạn đầu tháng 5/2022 có ý nghĩa quyết định tới năng suất cả vụ.

Bà Nga cho biết ngay từ đầu vụ đông xuân năm nay, với tinh thần chủ động phòng trừ sâu bệnh hại đi đôi với chăm sóc cũng như điều tiết nước, Thái Bình đã chủ động lấy nước đổ ải cho vụ đông xuân ngay từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đồng thời đảm bảo tiến độ gieo cấy toàn tỉnh trước ngày 25/2. Sau đợt rét hại hồi tháng 2, nông dân trong tỉnh đã ra đồng tỉa dặm, đảm bảo không để đất bỏ hoang.

Vụ đông xuân năm nay, nông dân giảm được đáng kể chi phí phun thuốc BVTV do lúa khá sạch bệnh. Ảnh: Bá Thắng.

Vụ đông xuân năm nay, nông dân giảm được đáng kể chi phí phun thuốc BVTV do lúa khá sạch bệnh. Ảnh: Bá Thắng.

So với các loại cây trồng khác, lúa không đem lại hiệu quả kinh tế cao bằng. Vì vậy nhằm giúp bà con đảm bảo hiệu quả sản xuất, Sở NN-PTNT Thái Bình đã khuyến cáo một số phương pháp gieo cấy giúp giảm phát thải nhà kính như giảm giống, giảm phân bón, giảm nước tưới và đặc biệt bỏ những bờ ngăn, tạo cánh đồng lớn, thuận lợi cho cơ giới hóa.

Cùng với việc thành lập những tổ công tác kết hợp giữa Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Trồng trọt -BVTV, tỉnh đã hỗ trợ người dân một phần chi phí thuê máy sấy, giúp giảm tổn thất sau thu hoạch. Một phương án nữa là cơ giới hóa việc phun thuốc BVTV bằng các thiết bị bay không người lái (drone).

"Cơ chế thuê, mua máy sấy đã được ban hành thành chính sách. Đồng thời những hộ có ruộng nhưng không có nhu cầu sản xuất có thể dồn điền đổi thửa cho các hộ có máy móc phương tiện, giúp hình thành quy mô sản xuất lớn hơn. Dù sản xuất nông nghiệp còn gặp khó khăn, nhưng nếu thực hiện bài bản, bà con vẫn có thể làm giàu trên chính thửa ruộng của mình", bà Nga nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho biết, dự kiến lúa ở Nam Định sẽ trỗ từ ngày 15 - 20/5. Qua khảo sát, năm nay mật độ và diện tích sâu bệnh thấp hơn mọi năm. Được sự hỗ trợ từ Bộ NN-PTNT và Cục BVTV, Nam Định đã phun trừ sâu bệnh cuốn lá đợt 2 và rầy từ ngày 3 - 8/5 theo đúng khuyến cáo.

"Nam Định xác định quy trình chăm sóc lúa xuân theo hướng tăng sử dụng phân bón hữu cơ. Đồng thời, các cơ quan tham mưu sẽ tích cực bám sát đồng ruộng, dự báo sát tình hình sâu bệnh", ông Tiến nói.

Hiện tỉnh chuyển dịch dần sang sản xuất lúa chất lượng. Tại một số huyện ven biển như Giao Thủy, tỉnh đã thử nghiệm trồng giống lúa ST25 và đạt thành công bước đầu, giúp tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Nam Định sẽ đẩy mạnh các mô hình liên kết, mô hình tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh tích tụ đất đai.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.