| Hotline: 0983.970.780

Sâu bệnh lúa đông xuân giảm hơn các năm, nhưng không được chủ quan

Thứ Bảy 30/04/2022 , 15:01 (GMT+7)

Mặc dù tình hình sâu bệnh trên lúa đông xuân các tỉnh phía Bắc thời gian qua nhẹ hơn các năm, tuy nhiên tuyệt đối không được lơ là từ nay tới cuối vụ.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương (phải) và Giám đốc Trung tâm BVTV phía Bắc, ông Trần Quyết Tâm kiểm tra tình hình dịch hại tại các tỉnh ĐBSH. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương (phải) và Giám đốc Trung tâm BVTV phía Bắc, ông Trần Quyết Tâm kiểm tra tình hình dịch hại tại các tỉnh ĐBSH. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngày 29/4, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và Trung tâm BVTV phía Bắc tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình dịch hại và công tác phòng, chống tại một số địa phương ở ĐBSH.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương đánh giá, sinh trưởng của cây lúa trên các trà vụ đông xuân năm nay có xu hướng chậm hơn so cùng kỳ năm ngoài khoảng 5 - 7 ngày. Cụ thể, trà lúa sớm trỗ từ ngày 1 - 10/5, trà chính trỗ từ 10 - 20/5, và trà muộn vào tuần cuối tháng 5/2022.

"Công tác phòng, chống dịch hại phải ứng biến linh hoạt với thời vụ. Bên cạnh kinh nghiệm sẵn có, địa phương cần đặc biệt lưu ý đến những thay đổi của thời tiết để đưa ra chỉ đạo sát thực tiễn", Phó Cục trưởng Nguyễn Quý Dương lưu ý.

Vụ đông xuân 2020 - 2021, lúa tại hầu hết các tỉnh phía Bắc được thời tiết ưu ái, sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Năng suất, sản lượng, chất lượng tại một số tỉnh dự kiến đạt mức khá so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một số tỉnh thuộc Bắc Trung bộ như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế còn nguy cơ bùng phát bệnh đạo ôn cổ bông cuối vụ.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương trao đổi với Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định, ông Nguyễn Sinh Tiến về tình hình sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương trao đổi với Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định, ông Nguyễn Sinh Tiến về tình hình sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Bảo Thắng.

Điểm thuận của vụ đông xuân 2021 - 2022 là các đối tượng dịch hại phát sinh muộn hơn, quy mô gây hại thấp hơn so với cùng kỳ vụ trước. 

Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho biết, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 sẽ nở rộ từ ngày 3 - 8/5, mật độ sâu phổ biến 20 - 30 con/m2. Đây được dự báo là lứa sâu gây hại chính trong vụ, phân bố không đồng đều giữa các trà lúa và gây hại trực tiếp tới bộ lá đòng của cây lúa.

Ngoài ra, rầy lứa 2 sẽ nở rộ trùng với thời điểm sâu cuốn lá nở rộ, dự kiến mật độ phổ biến 200 - 500 con/m2, và tập trung chủ yếu ở các huyện phía nam của tỉnh. Mức độ gây hại dự kiến thấp hơn vụ đông xuân 2020 - 2021.

Ông Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Ninh Bình cho biết, tổng diện tích nhiễm các đối tượng sinh vật hại trên địa bàn vụ đông xuân này khoảng 2.187 ha, bằng 52,7% so với năm 2021. Đặc biệt, diện tích nhiễm nặng trên toàn tỉnh là 16,4 ha, bằng 5,2% so với vụ trước.

Các đối tượng dịch hại từ đầu vụ đến nay như: Bệnh khô vằn, ốc bươu vàng, chuột, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng... chỉ tương đương hoặc thấp hơn vụ đông xuân 2020 - 2021.

Từ nay tới cuối vụ, các địa phương cần tiếp tục bám sát đồng ruộng, đề phòng nguy cơ gây hại của các đối tượng sâu bệnh, nhất là trên các giống nhiễm. Ảnh: Bảo Thắng.

Từ nay tới cuối vụ, các địa phương cần tiếp tục bám sát đồng ruộng, đề phòng nguy cơ gây hại của các đối tượng sâu bệnh, nhất là trên các giống nhiễm. Ảnh: Bảo Thắng.

Qua báo cáo trên, cộng thêm nhận định lúa tại các địa phương trỗ tập trung vào trung tuần tháng 5/2022, Phó Cục trưởng Nguyễn Quý Dương phân tích: "Lúa trỗ tập trung nhiều khả năng trùng thời điểm nắng lên. Với nền nhiệt cao, bệnh đạo ôn không quá đáng ngại".

Trước mắt, lãnh đạo Cục BVTV khuyến cáo địa phương bám sát đợt cao điểm phòng trừ dịch hại, dự kiến diễn ra từ ngày 3 - 8/5. Nếu ra quân đồng bộ, quyết liệt, bà con nông dân sẽ kiểm soát được lứa sâu gây hại chính vụ này.

Bên cạnh năng suất, chất lượng vụ đông xuân năm nay ở phía Bắc ở mức khá, nhưng ông Dương, chi phí cho phun thuốc BVTV vụ đông xuân năm nay cũng thấp hơn do mức độ gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại ít hơn năm ngoái. Nông dân cũng đã được tập huấn, nâng cao nhận thức về những phương pháp canh tác tốt như "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng"...

Sau đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Cục BVTV sẽ tiếp tục kiểm tra công tác phòng, trừ dịch hại tại các địa phương. 

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương đề nghị người dân và các địa phương lên sẵn nhiều kịch bản ứng phó với nguy cơ sâu bệnh hại lúa đông xuân từ nay đến cuối vụ.

Với bệnh đạo ôn cổ bông, cần chủ động chỉ đạo phun phòng bệnh; đặc biệt quan tâm đến những diện tích lúa trỗ cuối tháng 4, nhất là trên những giống nhiễm.

Với sâu cuốn lá nhỏ và sâu đục thân, các tỉnh, thành phố phải tổ chức điều tra, bám sát diễn biến để chọn thời gian thích hợp tổ chức phòng trừ phù hợp, hiệu quả. Tránh chủ quan, lơ là vì nguồn sâu bệnh đầu vụ thấp, thời gian phát sinh muộn hơn so cùng kỳ năm trước.

Với rầy nâu, rầy lưng trắng, bà con bám sát đồng ruộng, tổ chức phòng trừ tốt rầy lứa 2 để giảm áp lực rầy lứa 3. Tiếp tục giám sát chặt chẽ virus lùn sọc đen trên rầy và trên lúa đông xuân để chủ động quản lý bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa ngay từ đầu vụ.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.