Nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản, những hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm nuôi sống nhân loại. Tuy nhiên chất lượng nước, cùng với tài nguyên đất toàn cầu đang xấu đi ở mức báo động.
Báo cáo mới nhất của tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) về thực trạng tài nguyên đất và nước cho nông nghiệp và thực phẩm thế giới, cho thấy: Trên quy mô toàn cầu, khoảng 80% lượng nước thải ra môi trường không được xử lý đầy đủ, và 1/3 tổng số sông, châu thổ và các lưu vực sông ngòi ở châu Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á bị ô nhiễm nghiêm trọng với nhiều mầm bệnh, đe dọa sức khỏe của hàng triệu người.
Chất lượng nước cũng ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, bởi nó là một khía cạnh quan trọng để quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến tiêu thụ. Các bệnh do thực phẩm thường là kết quả của việc tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm từ nguồn nước kém chất lượng
Mặc dù việc được tiếp cận với nguồn nước sạch và thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của con người, nhưng hàng năm trên thế giới vẫn có hơn 420.000 người chết và khoảng 600 triệu người bị ốm bệnh sau khi ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm. Thực phẩm bị ô nhiễm cản trở sự phát triển kinh tế xã hội, làm quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thương mại.
Chính vì vậy, yêu cầu quản lý chất lượng nguồn nước để đảm bảo an toàn thực phẩm, làm giảm thiểu rủi ro phơi nhiễm với các mầm bệnh có hại trong nước đang là mối quan tâm hàng đầu.
Thông qua chương trình Một nước- Một sức khỏe, FAO đang mở rộng việc sử dụng các công nghệ tiên tiến giải trình gen (WGS) để nghiên cứu bộ gen của các mầm bệnh và theo dõi đường đi của chúng từ nước đến thực phẩm nhằm ngăn ngừa ô nhiễm thực phẩm ngay tại nguồn. Bằng cách đưa chất lượng nước vào các tiêu chí về an toàn thực phẩm và áp dụng giám sát bộ gen vào quá trình này, chương trình sẽ cho phép các quốc gia giải quyết chất lượng nước và thực phẩm như một vấn đề tổng hợp.
Hiện FAO đang tiến hành thử nghiệm mô hình WGS ở sáu quốc gia để giám sát các mầm bệnh từ nước lây sang thực phẩm. Trong đó tiêu biểu là tại Indonesia, đang áp dụng trong các hệ thống nuôi gà và cá kết hợp ở Blitar, Đông Java. Việc kết nối các hệ thống này cho phép phân gà bón vào nước ao và tạo ra thức ăn cho cá, vốn là mô hình khá phổ biến ở Đông Java nhằm theo dõi các mầm bệnh tiềm ẩn di chuyển từ nước sang cá, cũng như điều tra khả năng kháng kháng sinh của mầm bệnh trong nước.
Với việc áp dụng rộng rãi công nghệ này và cắt giảm chi phí, công nghệ WGS đang được kỳ vọng có thể thay đổi cơ bản các cách tiếp cận quản lý đất và nước để ngăn ngừa ô nhiễm thực phẩm tại nguồn, góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, tạo thuận lợi thương mại và an ninh lương thực và dinh dưỡng.
Theo các chuyên gia, phòng ngừa là chiến lược tốt nhất. Điều này đặc biệt quan trọng vì tình trạng khan hiếm nước toàn cầu đang đẩy nhân loại đến việc phải sử dụng các nguồn nước kém chất lượng. Do vậy cần hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa chất lượng nước và an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe con người, thực hiện nông nghiệp bền vững và cải thiện chất lượng môi trường.