| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp cho cây cam Nghệ An

Thứ Ba 18/12/2018 , 13:50 (GMT+7)

Chặt bỏ cam giữa mùa thu hoạch là thông tin thật xót xa trên các phương tiện truyền thông gần đây. Nhưng không chỉ có 600ha cam ở Quỳ Hợp (Nghệ An) phải chặt tận gốc để loại bỏ mà sẽ còn nhiều nữa.

Vì sao? Chặt bỏ gốc cây cam bị bệnh vẫn không thể loại trừ tận gốc bệnh của cây cam. Chặt gốc cây cam bị bệnh chỉ là giải pháp tình thế.

733498862-1280x720173135674
Cam bị bệnh greening

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 5.096ha cam, trong đó riêng Quỳ Hợp có đến 2.787ha. Trong huyện Quỳ Hợp, tại xã Minh Hợp có tới 1.945ha của 200 hộ trồng cam, là xã có diện tích cam nhiều nhất tỉnh hiện nay. Vụ cam năm nay huyện Quỳ Hợp mất mùa nặng và mất nặng nhất là xã Minh Hợp.

Nếu để tình trạng cam bị bệnh kéo dài thì triển vọng phát triển cây cam ở Nghệ An sẽ bị ảnh hưởng lớn. Vì vậy phải xác định rõ bệnh gì và các biện pháp khắc phục để cây cam phát triển bền vững ở Nghệ An.

Qua tìm hiểu, nghiên cứu và xuống thực tế tại một số vườn cam bị bệnh ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Thanh Chương…, thấy những cây cam bị bệnh đều có triệu chứng chung: Trên lá cây cam bị bệnh phiến lá hẹp, lá nhỏ hơn, khoảng cách giữa các lá ngắn lại, lá có màu vàng, gân chính ở giữa lá và các đường gân phụ có màu xanh, nên có tên gọi là bệnh vàng lá gân xanh, tên khoa học là bệnh greening. Những cây cam, quýt, bưởi khi bị bệnh greening vào giai đoạn nặng, đào gốc lên sẽ thấy rễ cây bị thối, đa phần rễ tơ bị mất dần, chỉ còn lại rễ chính, thậm chí rễ chính cũng thối. Triệu chứng này xuất hiện trên từng cành, từng cây trong vườn cam. Khi cây đã bị bệnh nặng, quả không lớn được như cây bình thường, chuyển màu vàng sớm, lá và quả rụng dần, cây từ từ chết khô dần từ ngọn xuống gốc.

Không riêng gì ở Quỳ Hợp, theo chúng tôi được biết thì ở vườn cam thuộc các huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, Con Cuông, Anh Sơn và Thanh Chương đều bị nhiễm bệnh greening với mức độ ít hơn mà thôi.

Để cây cam phát triển bền vững, lại cho năng suất cao, đem lại hiệu quả lớn, cả nhà nước và người trồng cam cần thực hiện tốt mấy giải pháp sau đây:

Một là: Vùng đất để trồng cam tốt nhất là những vùng đất có tầng đất canh tác dày từ 50 - 60cm trở lên. Qua theo dõi và tổng kết chúng tôi thấy ở Nghệ An vùng trồng cam tốt nhất là vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ thuộc các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa và một phần Tân Kỳ, vùng thượng Quỳnh Lưu. Ngoài vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ ra, ở nơi nào có tầng đất canh tác dày bao quanh các núi đá vôi thì ở đó trồng cam rất tốt, cam ngon, ngọt, thơm do ở loại đất đó có hàm lượng can xi và phốt pho ríc cao. Vì vậy vùng cam ngon hiện nay ở Nghệ An là các vùng: Đồng Thành, Minh Thành, Thịnh Thành (Yên Thành); Bãi Phủ, Yên Khê, Lục Dạ, Môn Sơn (Con Cuông); Cty Nông nghiệp Xuân Thành, Cty Nông nghiệp 3/2… Riêng ở vùng Xã Đoài đất là đất phù sa cũ, vùng này không có núi đá vôi. Nhưng chỉ cần đào xuống lớp đất sâu 60 - 70cm trở xuống sẽ thấy cả một lớp vỏ ngao, sò, ốc, hến đã phân hủy. Chứng tỏ ở đây thời xa xưa là bờ biển, chính vỏ ngao, sò, ốc, hến đã cung cấp cho đất lượng lớn can xi để làm tăng chất lượng quả cam thơm, ngon, ngọt.

Nếu cả vườn cam có rất nhiều cây bị bệnh thì phải hủy bỏ các vườn cam đó. Vì loại virus gây bệnh vàng lá gân xanh (greening) ở cam, quýt, bưởi chưa có thuốc phòng trừ có hiệu quả. Vì vậy khi cây cam đã bị bệnh này rồi thì phun thuốc lúc này không còn tác dụng nữa. Đây là một sai lầm rất lớn của người trồng cam, cứ thấy cây cam bị bệnh vàng lá gân xanh là mua thuốc về phun, vừa mất tiền, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa gây độc hại cho người khi ăn những quả cam này.
Vườn cam sau khi hủy bỏ, phải chuyển sang trồng cây khác từ 2 - 3 năm sau mới trồng lại cam.

Hai là: Nhà nước phải kiểm tra chặt chẽ các tổ chức và cá nhân sản xuất giống cam, quýt, bưởi. Cụ thể là ngành nông nghiệp từ tỉnh xuống huyện phải kiểm tra và chỉ cho phép những tổ chức và cá nhân nào có đủ điều kiện về chuyên môn kỹ thuật; về trang trại; về cơ sở vật chất phục vụ cho chiết, ghép; về trang thiết bị cách ly (nhà lưới) và đội ngũ lao động có kỹ thuật mới được cấp phép hành nghề sản xuất và kinh doanh giống cam, quýt, bưởi. Đây là một yêu cầu bắt buộc, không để tình trạng "nhà nhà, người người…" đua nhau chiết, ghép nhân giống cam ồ ạt, bán cây giống cam nhan nhản khắp nơi như mấy năm qua ở vùng Phủ Quỳ, nên mới gây ra tình trạng hàng trăm ha cam bị bệnh vàng lá gân xanh (greening) phải chặt bỏ, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng như hiện nay.

Ba là: Các cơ sở chiết, ghép nhân giống cam, quýt, bưởi phải thực hiện nghiêm túc quy trình chiết, ghép nhân giống. Cụ thể là:

- Phải có cây giống gốc (cây mẹ), là cây được theo dõi, chọn lọc kỹ đủ tiêu chuẩn làm giống: Cây khỏe, sinh trưởng phát triển tốt, từ khi trồng đến khi chọn lọc không bị bất cứ loại sâu bệnh gì, quả to, ngon, thơm, nhiều nước, vỏ quả sáng đẹp… Cây giống gốc phải được đem trồng trong nhà lưới, trồng cách ly các vườn cam, quýt, bưởi từ ít nhất 2 - 3km để ngăn ngừa côn trùng phá hoại và truyền bệnh.

- Tuyệt đối không lấy mắt ghép hoặc chiết cành ở những vườn cam sản xuất tự do ngoài trời. Trường hợp đặc biệt, chỉ lấy mắt ghép ở những cây cam khỏe trong vườn cam hoàn toàn sạch bệnh ít nhất trong 3 năm liên tục không thấy cây nào bị bệnh.

- Cây giống sau khi được ghép xong phải trồng trong nhà lưới cho đến khi trưởng thành mới đem ra vườn trồng hoặc bán cho các trang trại và hộ gia đình có nhu cầu mua để trồng.

Bốn là: Chỉ nên trồng tập trung giống cam Xã Đoài, giống cam V2 và một ít giống cam Vân Du. Cả 3 giống cam này đều là cam có chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Năm là: Chuẩn bị đất trước khi trồng 1 - 2 tháng, đào hố rộng 50 - 60cm, sâu 50 - 60cm. Bón phân chuồng, phân xanh, các loại phân hữu cơ khác như: bã mía, bã sắn… bình quân mỗi hố bón 10 - 15kg phân hữu cơ các loại cộng với 2 - 3kg vôi bột và 1 - 2kg lân, trộn đều phân với đất, nén chặt lại. Khi trồng đặt bầu giống xuống sâu vào lớp phân 5 - 7cm lấp khỏa đất lại thấp hơn mặt phẳng mặt đất 2 - 3cm và tốt nhất sau khi trồng xong phủ kín vào gốc cây rơm rạ, lá cỏ khô để giữ ẩm, phòng chống hạn. Kinh nghiệm ở Trung Quốc, trồng xong dùng nilon phủ kín quanh gốc cam để vừa giữ ẩm, vừa chống mưa gây xói mòn ở gốc, nhất là vườn cam trồng ở vùng đất đồi núi có độ dốc cao.

Sáu là: Mỗi ha trồng 500 gốc, trồng thành băng lớn. Chung quanh vườn cam và giữa các băng lớn nên trồng cây ổi, vừa thu hoạch quả, vừa là cây ngăn cản và hạn chế rầy chổng cánh xâm nhập vào vườn cam gây bệnh vàng lá gân xanh.

Bảy là: Thường xuyên thăm và kiểm tra vườn cam để phát hiện sâu bệnh gây hại.

Nếu phát hiện có rầy chổng cánh trên cành, lá cam thì ngay lập tức sử dụng thuốc Bát sa phun tiêu diệt ngay theo chỉ dẫn có ghi ở ngoài bao nhãn thuốc. Rầy chổng cánh là tác nhân truyền virus gây bệnh vàng lá gân xanh (greening) từ cây bị bệnh sang cây khỏe lan truyền rất nhanh. Vì vậy phải phát hiện sớm, tiêu diệt ngay.

Trường hợp trong cả vườn cam có hàng trăm cây mà chỉ có 1, 2 hay 3 cây đã bị bệnh vàng lá gân xanh thì phải tiêu hủy cây đó cả thân, lá, cành và đào cả gốc rễ tiêu hủy hết.

Bệnh greening không phải do thời tiết gây ra, nguyên nhân chính gây ra bệnh là do chủng vi khuẩn Candidatus loài Liberibacter asicticus (Las) Châu Á. Loại vi khuẩn này tấn công vào mạch dẫn của cây rồi bệnh được lây truyền do rầy chổng cánh truyền vi khuẩn từ cây bị bệnh sang cây chưa bị bệnh và lan truyền rất nhanh do các cơ sở nhân giống cam lấy mắt ghép từ cây bị bệnh để ghép nhân giống cam.

Sở dĩ hàng trăm ha cam bị bệnh vàng lá gân xanh (greening) xuất hiện nhanh hiện nay là do không phát hiện sớm con rầy chổng cánh là môi giới truyền bệnh để phun thuốc diệt trừ ngay và khi cây đã nhiễm bệnh, nhiều cơ sở lấy mắt ghép của cây đã bị bệnh để ghép nhân giống đã tạo cơ hội cho bệnh lan truyền nhanh như hiện nay.

 

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.