| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp giảm thiểu sử dụng vật tư nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ Ba 12/12/2023 , 09:39 (GMT+7)

Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu sử dụng vật tư nông nghiệp tại một số xã sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Hà Nội.

Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu sử dụng vật tư nông nghiệp tại một số vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm. Ảnh: Hồng Thắm.

Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu sử dụng vật tư nông nghiệp tại một số vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm. Ảnh: Hồng Thắm.

Thực hiện Quyết định số 2564/KH-TTBVTV ngày 30/12/2022 về tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023, trong đó có nội dung triển khai giải pháp giảm thiểu sử dụng vật tư nông nghiệp tại một số vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm trên địa bàn TP. Hà Nội, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thực hiện duy trì giải pháp giảm thiểu sử dụng vật tư nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường tại một số xã sản xuất nông nghiệp trọng điểm của thành phố như các xã Tiền Yên (Hoài Đức), xã Thanh Đa (Phúc Thọ), Lĩnh Nam (Hoàng Mai), Kim Sơn (Gia Lâm)...

Thời gian triển khai thực hiện từ tháng 4 - 12/2023. Mục đích của kế hoạch là nâng cao nhận thức của chính quyền, các đoàn thể địa phương về sản xuất an toàn, các quy định trong sản xuất rau, quả, chè, hoa an toàn, vai trò, trách nhiệm của địa phương trong quản lý sản xuất, quản lý hoạt động buôn bán, sử dụng vật tư nông nghiệp trên địa bàn.

Xây dựng và thực thi được các quy định, thể chế của địa phương về sản xuất an toàn và quản lý hoạt động buôn bán, sử dụng vật tư nông nghiệp. Nông dân được trang bị kiến thức về sản xuất an toàn, chấp hành quy định trong sử dụng thuốc BVTV, phân bón, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản phẩm, bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Hình thành mô hình nhóm nông dân tự quản sản xuất an toàn để làm hạt nhân nhân ra diện rộng.

Các xã viên của HTX Tiền Lệ (Hoài Đức, Hà Nội) đã sản xuất tuân thủ đúng quy trình, sử dụng các loại thuốc BVTV trong danh mục cho phép và thực hiện đúng thời gian cách ly. Ảnh: Hồng Thắm.

Các xã viên của HTX Tiền Lệ (Hoài Đức, Hà Nội) đã sản xuất tuân thủ đúng quy trình, sử dụng các loại thuốc BVTV trong danh mục cho phép và thực hiện đúng thời gian cách ly. Ảnh: Hồng Thắm.

Theo đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội đã triển khai các hoạt động như: Khảo sát thực trạng sử dụng phân bón, thuốc BVTV, giống cây trồng của 200 nông dân tại điểm triển khai mô hình. Tổ chức 4 lớp tập huấn cho 200 nông dân về các nguyên tắc cơ bản trong sản xuất an toàn; nhận diện các loại thuốc BVTV, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”… Tiến hành thử nghiệm sử dụng bẫy dính màu cho một số đối tượng sâu hại với quy mô 12 sào, nhằm giúp bà con nông dân hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong phòng trừ sâu hại.

Chia sẻ về kết quả từ các lớp tập huấn trong những năm qua của Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, từ năm 2007, HTX gieo trồng, chăm sóc rau theo hướng an toàn VietGAP để nâng cao chất lượng nông sản. Đặc biệt, xã viên HXT đã được tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc rau an toàn do Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội tổ chức.

“100% xã viên của HTX Tiền Lệ được tham gia các lớp tập huấn, theo đó đã sản xuất tuân thủ đúng quy trình, sử dụng các loại thuốc BVTV trong danh mục cho phép và thực hiện đúng thời gian cách ly. Đồng thời cũng chuyển sang dùng các loại phân bón hữu cơ. Người sản xuất đã ý thức được việc phải đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cung cấp những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Trước cứ nói ‘rau hai luống’, nhưng giờ tuyệt đối không có điều này”, ông Hào khẳng định.

Bà con sản xuất rau ở HTX Tiền Lệ (Hoài Đức, Hà Nội) ủ phân chuồng hoai mục để làm phân hữu cơ an toàn, hạn chế gây sốc cho cây cũng như bảo vệ môi trường. Ảnh: Hồng Thắm.

Bà con sản xuất rau ở HTX Tiền Lệ (Hoài Đức, Hà Nội) ủ phân chuồng hoai mục để làm phân hữu cơ an toàn, hạn chế gây sốc cho cây cũng như bảo vệ môi trường. Ảnh: Hồng Thắm.

Ông Nguyễn Khắc Đạo, xã viên HTX Tiền Lệ tâm sự, trước đây bà con có thói quen dùng phân bón, thuốc BVTV hóa học, tuy nhiên sau các lớp tập huấn đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm và có những giải pháp khoa học. Hiện nay đã chuyển sang sử dụng phân bón vi sinh và thuốc BVTV sinh học.

“Người nông dân giảm được lượng thuốc hóa học, vừa đỡ tốn tiến, vừa đảm bảo ATTP trong sản xuất. Nhờ thực hiện sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP, đã nâng cao thu nhập cho người dân ở Tiền Lệ. Hiện tại, rau an toàn của HTX Tiền Lệ đã được các công ty về đến tận nơi thu mua, điển hình là Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ Liên Anh, Công ty TNHH Kinh Bắc… Điều tâm đắc nhất của người dân Tiền Lệ đó là: Người Tiền Lệ luôn luôn sản xuất rau ở môi trường an toàn nhất theo đúng quy trình VietGAP”, ông Đạo tự hào chia sẻ.

HTX Tiền Lệ có khoảng 500 hộ xã viên tham gia trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích hơn 33,5 ha. Mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường hơn 3.000 tấn rau các loại thông qua một số công ty thu mua, bao tiêu sản phẩm.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.