Đặc điểm và nguyên nhân gây bệnh
PGS. TS Nguyễn Văn Giáp, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, bệnh do Duck Tembusu virus (DTMUV), thường gọi tắt là bệnh Tembusu là một tình trạng bệnh mới du nhập vào Việt Nam trong 5 năm trở lại đây. Dựa vào triệu chứng, bệnh do Duck Tembusu virus còn được gọi với tên khác là “Hội chứng lật ngửa và giảm đẻ”.
Về căn nguyên bệnh, DTMUV thuộc giống Flavivirus, họ Flaviviridae, là một genotype mới của Tembusu virus gây bệnh ở vịt. Virus này tương đối đa dạng, với 4 nhóm di truyền (genetic cluster 1-4) đã được biết đến.
Ở Việt Nam, virus lưu hành thuộc nhóm 1 và 2. Giữa một số nhóm di truyền (1 và 2) có sự khác nhau về độc lực và đặc tính kháng nguyên.
Một số đặc điểm đáng chú ý của bệnh là tính mẫn cảm và mức độ bệnh phụ thuộc vào lứa tuổi. Các công bố trên thế giới cho thấy, vịt ở nhiều lứa tuổi có thể nhiễm virus, nhưng giai đoạn nặng nhất là ở vịt con (thường dưới 4 tuần tuổi) và vịt ở giai đoạn nuôi hậu bị và đẻ.
Phổ động vật cảm nhiễm mở rộng, bằng gây bệnh thực nghiệm, DTMUV được chứng minh gây bệnh ở một số loài như gà và ngỗng. Dựa vào xét nghiệm huyết thanh học, đã có bằng chứng cho thấy nguy cơ truyền lây sang người.
Con đường truyền lây khá đa dạng, ngoài lây truyền qua vector trung gian là muỗi culex, bệnh đã được chứng minh lây lan qua đường không khí và có bằng chứng về sự truyền dọc qua trứng.
Vịt mắc bệnh có biểu hiện mất điều hòa vận động, bại liệt, chậm lớn, vịt sinh sản giảm đẻ mạnh. Bệnh tích điển hình hơn ở vịt sinh sản với biểu hiện sung huyết, xuất huyết, thoái hóa buồng trứng. Vịt ở các giai đoạn khác có bệnh tích đa dạng, từ rất ít bệnh tích cho đến các dấu hiệu sung huyết não, xuất huyết ở cơ tim, dạ dày tuyến, tuyến ức, lách sưng bề mặt lốm đốm…
Đồng quan điểm, PGS. TS Phạm Ngọc Thạch, Giảng viên cao cấp, Nhà giáo ưu tú, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đặc điểm của bệnh Tembusu là chủ yếu cảm nhiễm trên vịt ở mọi độ tuổi, biểu hiện sinh trưởng chậm với vịt thịt; giảm hoặc ngừng sinh sản với vịt nuôi theo hướng sinh sản, tỷ lệ chết tương đối cao.
Biểu hiện đặc trưng của vịt khi mắc bệnh Tembusu, cụ thể, đối với vịt con 3 tuần tuổi trở lên và vịt thịt, đàn vịt khi nhiễm bệnh sẽ giảm ăn đột ngột, sinh trưởng giảm, tiêu chảy phân trắng, loãng, chảy nước mũi, các triệu chứng thần kinh như đi lại mất thăng bằng, vịt nằm lật ngửa, chân tê liệt.
Đối với vịt đẻ, triệu chứng xuất hiện sớm là giảm lượng ăn vào và giảm lượng trứng đột ngột. Tiếp đến xuất hiện tiêu chảy phân xanh dẫn đến suy nhược, giai đoạn sau của bệnh vịt có biểu hiện thần kinh, đi lại bất thường, nặng thì bại liệt hoàn toàn.
Gây thiệt hại lớn về kinh tế
Theo PGS. TS Thạch, bệnh Tembusu đã được ghi nhận tại Việt Nam từ năm 2019. Bệnh do Tembusu virus gây ảnh hưởng to lớn tới nền công nghiệp chăn nuôi vịt, đặc biệt ở các nước nuôi vịt nhiều như Trung Quốc và các nước Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Việt Nam…).
Với đặc điểm bệnh xảy ra ở mọi độ tuổi, lây lan nhanh, tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết cao (đối với vịt thịt), đối với vịt đẻ, bệnh làm giảm sản lượng trứng từ 85 - 90% hoặc ngừng đẻ đột ngột.
Còn theo PGS. TS Giáp, bệnh do Tembusu ở vịt được công bố lần đầu ở Trung Quốc vào năm 2010, lây lan nhanh chóng ra nhiều vùng nuôi của Trung Quốc. Đến nay bệnh đã được công bố ở nhiều nước châu Á, trong đó có Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Mặc dù chưa có một con số cụ thể, nhưng các nghiên cứu đều chung một nhận định rằng, bệnh Tembusu gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế do có tỷ lệ ốm 90 - 100% và tỷ lệ chết từ 5 - 30%; gây chậm lớn và giảm đẻ nghiêm trọng.
Ngoài thiệt hại về kinh tế trực tiếp cho chăn nuôi vịt, bệnh còn là một mối nguy cho chăn nuôi gà và ngỗng do có những bằng chứng thực nghiệm về bệnh ở các loài vật nuôi này.
Vacxin vẫn là giải pháp phòng bệnh hữu hiệu
Để khống chế bệnh Tembusu tốt nhất, PGS. TS Thạch cho rằng, cần tuân thủ và thực hiện nghiêm ngặt chương trình vacxin phòng bệnh trên vịt đẻ. Tăng cường trợ sức, trợ lực cho đàn vịt bằng các loại thuốc bổ trợ như vitamin, khoáng chất và men tiêu hóa sống…
Khi thời tiết thay đổi cần chủ động điều trị dự phòng các bệnh nhiễm khuẩn bằng kháng sinh, Gluco KC, Vitamin C. Đồng thời kiểm soát và thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.
PGS. TS Giáp cũng nhấn mạnh rằng: “Chăn nuôi an toàn sinh học và vacxin luôn là hai biện pháp chính và hữu hiệu để phòng bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh Tembusu”.
Gần đây, vacxin phòng bệnh Tembusu (nhược độc, vô hoạt) đã chính thức được lưu hành ở nước ta. PGS. TS Thạch chia sẻ, trên thị trường Việt Nam hiện nay xuất hiện tràn lan rất nhiều vacxin trôi nổi, chưa được cấp phép lưu hành, nhập về Việt Nam qua các con đường tiểu ngạch, không được kiểm nghiệm đảm bảo được tiêu chuẩn chất lượng và cũng không đáp ứng đúng yêu cầu trong bảo quản và vận chuyển vacxin của nhà sản xuất khuyến cáo.
Khi sử dụng những loại vacxin không đảm bảo tính an toàn và hiệu quả phòng bệnh này, nhiều đàn chủng ngừa vacxin vẫn xảy ra dịch bệnh. Đây còn là nguy cơ gây ra sự tái tổ hợp các chủng virus gây nguy hại cho đàn vật nuôi.
“Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch về Việt Nam sẽ mang lại cơ hội phòng bệnh và ngăn chặn sự tái tổ hợp của các chủng virus gây nguy hại cho đàn thủy cầm”, PGS. TS Thạch nhấn mạnh.
Còn PGS. TS Giáp cho rằng, điều này rất quan trọng, nhưng vẫn cần có thêm những đánh giá cả về mặt khoa học lẫn thực tiễn về hiệu quả của vacxin Tembusu, cũng như hiệu quả của chương trình vacxin cho thủy cầm.
PGS. TS Nguyễn Văn Giáp, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Ở Việt Nam, trong vòng 10 năm trở lại đây, không chỉ có bệnh do Tembusu mà nhiều bệnh mới nổi ở thủy cầm cũng được phát hiện, chẳng hạn như bệnh do Parvovirus, Reovirus, Circovirus, Riemerella Anatipestifer... Điều này gia tăng áp lực dịch bệnh cho đàn thủy cầm và tăng gánh nặng về chi phí thuốc và vacxin để phòng bệnh. Vì thế, người chăn nuôi gia cầm nói chung, thủy cầm nói riêng cần chú trọng hơn đến công tác an toàn sinh học, đặc biệt là đối với những dịch bệnh hiện chưa có vacxin”.