| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương tìm tác nhân gây tôm hùm chết ở Khánh Hòa

Thứ Ba 16/04/2024 , 17:26 (GMT+7)

Người nuôi tôm hùm mong muốn cơ quan chức năng khẩn trương tìm tác nhân gây tôm hùm chết, để có giải pháp hướng dẫn ứng phó kịp thời và hạn chế thiệt hại.  

Người nuôi cho biết, năm nay tôm hùm chết sớm và tỷ lệ cao. Ảnh: KS.

Người nuôi cho biết, năm nay tôm hùm chết sớm và tỷ lệ cao. Ảnh: KS.

Tôm chết sớm và tỷ lệ cao hơn mọi năm

Ngày 16/4, Sở NN-PTNT Khánh Hòa phối hợp Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III và UBND huyện Vạn Ninh tổ chức đoàn khảo sát để đánh giá cụ thể, tác nhân gây tôm hùm chết trên địa bàn 2 xã Vạn Thạnh và Vạn Hưng, thuộc vịnh Vân Phong.

Tại các điểm đến, đoàn tiến hành đo các chỉ tiêu môi trường ở khu vực xảy ra tôm hùm chết, đồng thời lấy các mẫu nước trong lồng, dưới đáy; mẫu bệnh phẩm và mẫu bùn.

Ông Phan Ngọc Nam, một người nuôi tôm hùm bông tại khu vực mũi Nai, xã Vạn Thạnh cho biết, tình trạng tôm chết diễn ra khoảng 3 tháng nay. Tại gia đình ông hiện nuôi 100 ô lồng, trung bình mỗi ngày tôm bị chết từ 10 - 30 con, trọng lượng từ 0,2 - 0,3 kg/con. Trước khi chết tôm có biểu hiện không lột xác được hoặc lột vỏ một phần. Còn khi tôm chết có dấu hiệu đen mang.

Cơ quan chức năng lấy mẫu nước nơi xảy ra tôm chết. Ảnh: KS.

Cơ quan chức năng lấy mẫu nước nơi xảy ra tôm chết. Ảnh: KS.

Theo ông Phan Ngọc Nam, hiện nay tôm nuôi của gia đình bị chết có giảm đi một phần do đã tách các con yếu chuyển đi nơi khác. Mặt khác, tôm chết cũng diễn ra từng đợt, lúc nhiều, lúc ít. Ông cũng thừa nhận, những năm qua việc tôm hùm bị hao hụt lai rai trong suốt quá trình nuôi là chuyện bình thường.

Thế nhưng ông cũng như nhiều bà con cho rằng, tôm nuôi năm nay chết với tỷ lệ cao và sớm hơn mọi năm. Cụ thể, thông thường tôm nuôi đến 8 tháng mới xảy ra chết. Tuy nhiên, năm nay mới nuôi đến 4 tháng mà tỷ lệ tôm đã hao hụt rất cao. Tính đến nay, gia đình anh Nam đã hao hụt khoảng 40% sản lượng do tôm chết. Trong khi thời gian nuôi tôm hùm bông kéo dài đến từ 15-20 tháng.

Còn tại xã Vạn Hưng hiện chủ yếu nuôi tôm hùm xanh cũng xảy ra tình trạng tôm chết khoảng 2 tháng nay. Theo người nuôi, trước khi tôm chết có biểu hiện bám vào góc lưới trong lồng, bỏ ăn. Khi vớt tôm chết lên thấy bụng trắng có dấu hiệu bệnh sữa.

Trước tình hình trên, người nuôi tôm hùm ở huyện Vạn Ninh mong muốn cơ quan chức năng khẩn trương tìm tác nhân gây tôm hùm chết, để có giải pháp hướng dẫn ứng phó kịp thời và hạn chế thiệt hại.

Khẩn trương tìm tác nhân gây hại

Qua quan sát tôm chết tại xã Vạn Thạnh, bà Trần Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa cho biết, không có dấu hiệu đen mang, tuy nhiên các hóc mang của tôm bị hoại tử.

Theo bà Trần Thanh Thúy, trước đó sau khi tiếp nhận thông tin tôm chết tại vùng nuôi ở các xã Vạn Thạnh và Vạn Hưng, Chi cục đã phối hợp cơ quan liên quan lấy mẫu tôm hùm tìm ký sinh trùng, vi khuẩn Vibrio spp. và soi tươi mẫu tôm hùm.

Tuy nhiên, kết quả phân tích không phát hiện ký sinh trùng, không phát hiện tác nhân gây bệnh đen mang, cũng như tác nhân Ricketsia gây bệnh sữa trên tôm. Tuy nhiên phát hiện tôm bị nhiễm Vibrio spp.

Người nuôi cho biết, tôm có dấu hiệu đen mang. Ảnh: KS.

Người nuôi cho biết, tôm có dấu hiệu đen mang. Ảnh: KS.

Vì vậy, Chi cục đã báo Sở NN-PTNT tổ chức thành lập đoàn, phối hợp Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III để cùng phối hợp tiếp tục tìm tác nhân gây tôm chết. Đồng thời khuyến cáo người nuôi tăng cường theo dõi biến động của thời tiết, màu nước môi trường nước trong vùng nuôi để có những biện pháp nhanh chóng khắc phục.

Cùng với đó, bổ sung vitamin và khoáng chất vào khẩu phần ăn để nâng cao sức đề kháng cho tôm hùm nuôi. Đặc biệt không sử dụng thức ăn hôi thối, cũng như cho ăn dư thừa gây lắng đọng chất thải và tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển.

Ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết, năm nay do ảnh hưởng El Nino nên tình hình nắng nóng đến sớm hơn các năm. Đây là điều kiện bất lợi trong việc nuôi trồng thủy sản, gây ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi. Qua khảo sát, đoàn nhận thấy tình hình dịch bệnh trên tôm năm nay cũng đến sớm hơn mọi năm.

Lấy mẫu tôm chết để tiếp tục tìm tác nhân gây tôm chết ở Vạn Ninh. Ảnh: KS.

Lấy mẫu tôm chết để tiếp tục tìm tác nhân gây tôm chết ở Vạn Ninh. Ảnh: KS.

Đối với vật phẩm thu thập (tôm hùm bông chết) ở vùng nuôi xã Vạn Thạnh có xuất hiện các đốm đen. Ban đầu, người dân nhận định, tôm bị bệnh đen mang.

Tuy nhiên, để xác định chính xác, Sở NN-PTNT phối hợp Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III thu thập mẫu nước, mẫu vật phẩm kiểm tra, xét nghiệm, đưa ra nhận định về môi trường nước và tác nhân gây bệnh trên tôm. Từ đó, sẽ có khuyến cáo bà con về cách phòng trị bệnh hiệu quả trong thời gian tới.

Theo ông Lê Văn Hoan, việc sớm xác định tác nhân gây nên tôm hùm chết rất quan trọng nhằm đưa ra giải pháp hiệu quả, kịp thời, hạn chế thiệt hại cho người nuôi. Đây cũng là vấn đề rất quan tâm của Sở NN-PTNT Khánh Hòa hiện nay. Do đó, Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trước tình hình nắng nóng đang diễn ra gay gắt.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển