| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương khử trùng nước khu vực có tôm hùm, cá biển bị chết

Thứ Hai 03/06/2024 , 11:08 (GMT+7)

PHÚ YÊN Để chủ động phòng chống dịch bệnh và sự cố về môi trường, Chi cục Thủy sản Phú Yên khuyến cáo người nuôi khử trùng nước khu vực nuôi, lồng nuôi tôm hùm, cá biển.

Vừa qua, tôm hùm, cá biển ở vùng nuôi Cù Mông (xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu) bị chết hàng loạt. Ảnh: AN.

Vừa qua, tôm hùm, cá biển ở vùng nuôi Cù Mông (xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu) bị chết hàng loạt. Ảnh: AN.

Chi cục Thủy sản Phú Yên vừa có báo cáo kết quả quan trắc đột xuất môi trường nước vùng nuôi đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu), nơi xảy ra tôm hùm, cá biển nuôi chết hàng loạt vừa qua.

Theo đó, kết quả phân tích chất lượng nước tại các vùng nuôi tôm hùm lồng trên đầm Cù Mông vào ngày 20/5 cho thấy, hàm lượng N-NH4+ vượt 3 - 3,4 lần, COD vượt 1,25 - 1,5 lần và vibrio spp vượt 9,1 lần so với ngưỡng giới hạn cho phép. Trong đó, mẫu nước tại Hòa Lợi (xã Xuân Cảnh) có 11/12 thông số đạt ngưỡng giới hạn cho phép, ngoại trừ hàm lượng N-NH4+ vượt 3,4 lần. Còn mẫu nước tại Phú Dương (xã Xuân Thịnh) có 10/12 thông số đạt ngưỡng giới hạn cho phép, ngoại trừ hàm lượng N-NH4+ vượt 3,1 lần và COD vượt 1,5 lần.

Đối với mẫu nước tại Vịnh Hòa (xã Xuân Thịnh) có 9/12 thông số đạt ngưỡng giới hạn cho phép, ngoại trừ hàm lượng N-NH4+ vượt 3 lần, COD vượt 1,25 lần và vibrio spp vượt 9,1 lần.

Theo Chi cục Thủy sản Phú Yên, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, môi trường nước vùng nuôi khu vực đầm Cù Mông bị nhiễm khuẩn sau khi có hiện tượng tôm, cá chết, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh có cơ hội phát triển trên tôm, cá nuôi nuôi.

Trước tình hình trên, để chủ động phòng, chống dịch bệnh và sự cố về môi trường, Chi cục Thủy sản Phú Yên khuyến cáo người nuôi triển khai các biện pháp khử trùng nước khu vực nuôi, lồng nuôi bằng các hóa chất khử khuẩn thông thường như vôi nông nghiệp, thuốc tím theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc treo túi vôi, thuốc tím ở các góc lồng.

Đồng thời đưa các lồng, bè không có tôm lên khỏi mặt nước, tiến hành vệ sinh; vớt và xử lý đúng quy định các loại rác thải, tôm, cá chết. Ngoài ra, tiến hành giãn khoảng cách các lồng, bè còn nuôi nhằm tạo sự thông thoáng nước. San thưa mật độ tôm, cá ở các lồng nuôi; quản lý tốt lượng thức ăn, hạn chế thức ăn thừa.

Người nuôi chỉ thả giống mới khi các yếu tố môi trường, thời tiết phù hợp, đảm bảo mật độ lồng nuôi theo quy định (dưới 60 lồng/ha mặt nước) và giống thả nuôi phải được kiểm dịch các bệnh nguy hiểm.

Người nuôi tiếp tục theo dõi diễn biến môi trường và xử lý kịp thời khi có thông tin thời tiết, môi trường chuyển biến xấu. Thực hiện các biện pháp tránh nóng cho tôm hùm, cá nuôi bằng cách che mát bằng lưới thưa trên bề mặt lồng, bè. Chủ động máy sục khí, bình oxy đề phòng trường hợp tôm hùm nuôi bị ngộp do nồng độ oxy trong nước thấp cục bộ. Ngoài ra, không thả lồng nuôi tôm, cá ở vùng có độ sâu dưới 4m khi triều kiệt. Tổ chức thu hoạch tôm, cá khi đủ kích cỡ thương phẩm…

Xem thêm
Lúng túng xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

BÌNH ĐỊNH Sau khi bắt giữ tàu cá vi phạm, cơ quan chức năng nước ngoài không cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan khiến nhiều vụ kéo dài do không đủ cơ sở xử lý.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển