Nông dân đang sản xuất theo tiêu chuẩn dễ dãi?
Khoảng nửa tháng nay, do tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc gặp khó khăn khiến giá một số nông sản như: Mít, chuối, thanh long sụt giảm và việc tiêu thụ của nông dân cũng không được suôn sẻ, thuận lợi.
Tại ĐBSCL, thanh long là một trong những cây ăn trái được trồng nhiều ở hai tỉnh Tiền Giang và Long An (ước trên 20.000 ha). Trái thanh long của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng phụ thuộc từ 70% vào thị trường Trung Quốc.
Theo ông Võ Văn Tư Em, chủ doanh nghiệp thu mua thanh long ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết: Hiện nay, đang mùa nghịch của trái thanh long. Để cây cho trái nông dân phải dùng kỹ thuật xử lý xông đèn, rất tốn chi phí. Thông thường, trái nghịch vụ sẽ được giá cao. Như thời điểm, chưa gặp khó do thông quan cửa khẩu với Trung Quốc, cách đây nửa tháng giá thanh long tại vườn có giá 19.000 – 20.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, trước tình hình trái thanh long đang gặp khó do khó lưu thông qua cửa khẩu xuất sang Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp cũng e ngại thu mua. Hiện giá mua thanh long tại tại vườn tiếp tục ở mức thấp dao động từ 3.000 – 4.000 đồng/kg. Giá này người nông dân tiếp tục lỗ nặng, do chi phí xử lý khá lớn.
Ông Đinh Văn Tảo, ở ấp Long Hòa, xã Quơn Long cũng như nhiều nhà vườn trồng cây thanh long thương phẩm tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đang âu sầu khi vườn cây đã trái chín mà đến giai đoạn thu hoạch mà vắng bóng thương lái. Ông Tảo cho biết, đã nhận tiền đặc cọc của thương lái tháng trước là 19.500 đồng/kg, trái thanh long ruột đỏ nhưng giá thị trường giảm còn 3000 đồng đến 4.000 đồng/kg. Vườn thanh long đã chín nhưng thương lái bỏ tiền cọc.
“Thanh long của tôi giờ đang chín hết, rẻ quá giờ nản quá. Hiện nay ruột đỏ, ruột trắng cũng giá 3-4 nghìn đồng/kg, thương lái không mua. Hàng này hàng “xông điện” lỗ chết, không đủ tiền phân thuốc, công chăm sóc... Hôm trước tôi nhận tiền cọc nhà kho rồi mà bây giờ họ bỏ không lẻ mình lấy tiền cọc, ai cũng vậy hết”, ông Tảo ngậm ngùi.
Hiện trái thanh long được các doanh nghiệp thu mua để tiêu thụ trong nước với giá cầm chừng. Ông Võ Văn Tư Em cho biết: Do chỉ tiêu thụ được trong nước nên doanh nghiệp tôi chỉ thu mua mỗi ngày khoảng 20 tấn, chủ yếu là tiêu thụ ở Hà Nội.
“Nói chung mới đóng hàng lại 2 ngày nay, chưa đi ra tới Hà Nội. Bây giờ thanh long chín nhiều, giá rẻ quá, khoảng 4-5 nghìn đồng/kg. Tôi mua chỉ có số lượng chứ không dám mua nhiều, sợ đầu ra ngoài đó chậm mình mệt. Thương lái vừa rồi lỗ nặng vì ở ngoài đó thanh long dội về bán rẻ quá”, ông Tư Em nói.
Còn tại tỉnh Long An, theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết: Từ đây đến Tết Nguyên đán, tỉnh Long An còn khoảng 2.000ha thanh long với sản lượng khoảng 20.000 tấn. Với tình hình này, hiện nay, tiêu thụ trong nước chỉ góp phần giải quyết một phần trái cây. Hiện chúng tôi cũng tìm nhiều giải pháp nhưng căn bản vẫn kiến nghị với các Bộ ngành, Chính phủ hỗ trợ đàm phán thông quan sớm để giúp trái cây sớm được tiêu thụ ổn định trở lại.
Nói thêm về giải pháp thúc đẩy tiêu thụ trái thanh long sang thị trường các nước khác, ông Trịnh cho rằng, hiện chi phí sản xuất theo các tiêu chuẩn đi thị trường như EU, Nhật, Mỹ… khá cao. Với giá bán 20.000 đồng/kg nông dân cũng khó lòng có lãi. Do đó, trước nay, nông dân trồng thanh long theo tiêu chuẩn Trung Quốc nên hiện phụ thuộc lớn vào thị trường này, khó lòng xuất khẩu thanh long ùn ứ sang thị trường khác được.
Với tình hình hiện nay, lãnh đạo Sở Công thương Tiền Giang cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản địa phương trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) vào các thị trường có tham gia các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.
“Phải đổi mới và thích ứng để ngành hàng trái cây Tiền Giang phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương trong giai đoạn mới. Đó là yêu cầu bức thiết trước mắt vừa cũng mang tính chiến lược lâu dài”, ông Đặng Văn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công thương chia sẻ.
Đẩy mạnh sản xuất sạch, mở rộng thị trường
Để tránh câu chuyện ùn ứ ngay cửa khẩu do phía Trung Quốc chậm nhập khẩu nông sản hay tạm ngưng bế quan đã là “điệp khúc” tái diễn thường xuyên. Theo các nhà chuyên môn, các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây thì vấn đề nâng cao chất lượng đi đôi với sản lượng phải được quan tâm để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường “khó tính”, không thể tập trung xuất sang thị trường một quốc gia nào. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động chế trái cây xuất khẩu, giảm tải xuất khẩu trái cây tươi. Để làm được điều này, khâu liên kết giữa nhà vườn nhà doanh nghiệp và nhà khoa học tiếp tục duy trì và nhân rộng trong sản xuất nông sản hàng hóa.
Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty Công ty TNHH chế biến Nông sản Cát Tường tại xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết: Doanh nghiệp có nhiều đối tác ở các thị trường khó tính cần trái thanh long nhưng phải đủ sản lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn “sạch”. Trong khi đó, trái thanh long ở Tiền Giang và khu vực ĐBSCL chưa đáp ứng điều kiện này, ông Đoàn Văn Sang chia sẻ:
“Không phải doanh nghiệp mình không xuất mà vì không có sản lượng, chất lượng trái thanh long để đi. Bây giờ làm sao phải có quy trình cho doanh nghiệp và hợp tác xã phải đồng lòng với nhau mà trước mắt vùng trồng của mình phải có mã Code và làm theo quy trình. Làm theo quy trình thì có 2 hướng: Một là nhà vườn tự làm quy trình sạch. Thứ hai là kết hợp với doanh nghiệp hay hợp tác xã nào đó để định hướng thị trường làm theo quy trình thị trường đó”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có trên 82.700 ha vườn trồng cây ăn trái, trong đó có gần 63.000 ha đang cho trái. Năm 2021, toàn tỉnh đạt sản lượng gần 1,6 triệu tấn trái cây các loại phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tăng hơn 4,2% so với năm trước. Riêng sản lượng thu hoạch trong tháng 12/2021 khoảng 121 nghìn tấn trái cây các loại. Từ thời điểm này trở đi, sản lượng nhiều loại trái cây chủ lực của tỉnh như: Sầu riêng, xoài, khóm, mít,… sẽ tăng mạnh do đang vào mùa thu hoạch rộ.