| Hotline: 0983.970.780

Giải phóng ô nhiễm các làng mai cảnh

Thứ Tư 19/09/2018 , 10:05 (GMT+7)

Thực trạng ô nhiễm thuốc trừ sâu tại các làng trồng mai cảnh ở thị xã An Nhơn (Bình Định) là vấn nạn làm đau đầu các nhà chức trách các cấp từ nhiều năm nay.

Vận động người dân trồng mai sạch, nói không với thuốc trừ sâu hóa học và chỉ sử dụng thuốc sinh học không thành công. Cuối cùng, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định phải tính tới phương án đưa những chậu mai ra khỏi các vườn nhà, tránh ô nhiễm khu dân cư.

14-22-53_1
Những chậu mai đặt ngoài ruộng mỗi khi bơm thuốc trừ sâu hạn chế được nạn ô nhiễm

Vậy là Đề án “Đưa mai từ vườn ra ruộng” ra đời, chờ lấy ý kiến của địa phương và các ngành liên quan để trình UBND tỉnh phê duyệt.
 

Họ đã biết sợ chết

Không phải tất cả những người trồng mai đều không biết sợ chết vì nạn ô nhiễm thuốc trừ sâu. Và để tự bảo vệ mình, một số chủ vườn tuân thủ theo khuyến cáo của ngành chức năng là dùng thuốc BVTV sinh học để phòng trừ sâu bọ và chữa bệnh cho mai của mình, nhưng đó chỉ là số ít. Tuy nhiên, dù không phải hít trực tiếp thuốc BVTV do mình phun, nhưng khi những vườn mai láng giềng phun thuốc trừ sâu hóa học, họ cũng không thể nín thở nên mùi thuốc độc hại vẫn theo đường hô hấp đi vào cơ thể họ.

Anh Trần Ngọc Thảo ở thôn Tân Dương, người đang trồng hơn 1.000 cây mai đủ mọi lứa tuổi, trong đó có 500 cây đang trong thời kỳ kinh doanh, Tết Nguyên đán năm nay sẽ được tung ra thị trường. Vào thời điểm này, anh Thảo đang tập trung chăm sóc cho những cây mai của mình, nhất là bộ lá để mai đủ sức cho hoa đúng dịp tết.

“Mai là loại cây rất nhanh kháng thuốc, nếu cứ sử dụng 1 loại thuốc phun miết cho chúng sẽ không hiệu quả, 1 loại thuốc chỉ có thể phun 2 - 3 đợt là phải thay thuốc mới. Lo cho sức khỏe của mình, tôi chỉ phun các loại thuốc sinh học, chấp nhận mua giá đắt hơn. Ví dụ, mỗi đợt phun thuốc trừ sâu hóa học người trồng chỉ tốn từ 25 đến 30 ngàn đồng/bình thuốc 16 lít, nếu sử dụng thuốc sinh học phải mất từ 35 đến 40 ngàn đồng/bình. Theo khuyến cáo thì thuốc sinh học diệt trừ sâu bệnh tốt hơn, nhưng qua thực tế hiệu quả không nhiều, lại đắt hơn, nên đa số người trồng mai đều thích dùng thuốc trừ sâu hóa học. Vì vậy, dù tôi dùng thuốc sinh học phun cho mai của mình thì vẫn phải hít mùi thuốc hóa học của các vườn mai khác trong làng”, anh Thảo bộc bạch.

14-22-53_3
Anh Trần Ngọc Thảo ở thôn Tân Dương: “Lo cho sức khỏe của mình, tôi chỉ bơm thuốc trừ sâu sinh học cho mai, nhưng cũng hít mùi thuốc hóa học từ các vườn mai trong làng”
Trước đây, do các hộ trồng mai ở xã Nhơn An hầu hết đều trồng với số lượng lớn, vườn nhà không đủ chỗ đặt chậu, nên phải thuê đất ruộng để đặt những chậu mai với giá khá đắt. Nếu ruộng cho thuê canh tác lúa thì chỉ có giá 70kg lúa/sào/năm, nhưng cho thuê ruộng để trồng mai thì giá cao từ 2 đến 2,5 triệu đồng/sào/năm. Nếu là những đám ruộng nằm gần sông, chủ động nước thì giá cho thuê còn cao hơn nữa.

Bà Nguyễn Thị Hương ở thôn Háo Đức (xã Nhơn An), tâm sự: “Thuê người phun thuốc trừ sâu bệnh cho mai, các chủ nhà vườn phải trả công 30.000 đồng/bình. Với 100 cây mai phải phun 4 bình mất đến 120.000 đồng, ai trồng nhiều cả ngàn cây thì cứ thế nhân lên. Tuy số tiền không nhỏ, nhưng nhiều chủ vườn vì sợ nhiễm thuốc trừ sâu sinh bệnh hiểm nghèo nên thuê công phun. Tuy nhiên, trong làng nhà nào cũng trồng mai, ai cũng lo chăm sóc vườn mai của mình, nên công phun thuốc trừ sâu thuê không ra, phải tự mình làm, nếu có bệnh cũng phải chấp nhận vì kế sinh nhai”.
 

Đưa mai từ vườn ra ruộng

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay: “Trước đây, người trồng mai phun thuốc trừ sâu hóa học để phòng trừ sâu bệnh mỗi tuần 1 lần, trong thời gian gần đây chúng tôi khuyến cáo họ phun thuốc từ sâu sinh học để bảo vệ môi trường, mà thuốc trừ sâu sinh học phun 1 tuần đến 2 - 3 lần, do tốn kém và tốn công nên họ không tuân thủ. Do đó, để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng dân cư, Sở NN-PTNT đã lập đề án chuyển hết mai từ trong các vườn nhà ra ruộng, thực hiện điển hình tại xã Nhơn An, địa phương trồng mai nhiều nhất tỉnh để trong quá trình chăm sóc mai, hạn chế nạn thuốc trừ sâu bệnh làm ảnh hưởng đến người dân”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết với số lượng mai khổng lồ mà người dân xã Nhơn An đang trồng hiện nay, phải chiếm rất nhiều diện tích đất ruộng mới đủ chỗ. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Đức, Chủ tịch UBND xã Nhơn An, cho biết: “Xã đã quy hoạch 40ha ruộng đang sản xuất lúa để thực hiện đề án của Sở NN-PTN Bình Định, là đưa hết mai từ trong vườn nhà ra ruộng. 40ha đất ruộng này không hề chuyển mục đích sử dụng, vẫn là đất sản xuất lúa. Người trồng mai có diện tích đất ruộng nằm trong vùng quy hoạch thì đơn giản, họ dùng ruộng của mình để đặt chậu mai; những người trồng mai không có đất ruộng nằm trong vùng quy hoạch thì hoán đổi ruộng của mình cho những chủ ruộng nằm trong vùng quy hoạch”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc hoán đổi ruộng trong vùng quy hoạch chuyển 40ha đất ruộng sang phục vụ nghề trồng mai ở xã Nhơn An vẫn còn nhiều vướng mắc. Bởi, những người có ruộng trong vùng quy hoạch mà không trồng mai hầu hết không đồng thuận việc hoán đổi ruộng, mà chỉ muốn sang nhượng đứt đoạn cho người trồng mai lấy tiền “tươi” một lần.

Xã có nhiều người chết do ung thư

Nhơn An đang đối mặt thực tế đáng lo ngại, đó là số người chết do ung thư trong 3 năm qua rất đáng báo động.

Ông Huỳnh Tấn Anh, Trưởng trạm Y tế xã Nhơn An, vừa lục hồ sơ vừa trò chuyện: “Trong những năm gần đây, người dân trong xã mắc nhiều hơn các bệnh về máu, phổi, gan. Do không có chuyên môn nên tôi không dám khẳng định, nhưng bằng cảm nhận của người trong nghề, tôi cho rằng có thể do thường xuyên hít phải chất độc hại nên nhiều người dân ở đây bị mắc bệnh ung thư phổi, rồi chất độc tích lũy ngày càn nhiều hơn trong cơ thể nên dẫn tới bệnh ung thư gan. Bệnh nguy hiểm xảy ra nhiều đáng kể trong những năm gần đây”.

Lấy quyển sổ trong tủ đựng hồ sơ, ông Anh nói: "Người chết vì tai nạn hay vì những nguyên khác thì tôi không ghi, nhưng chết vì bệnh ung thư là tôi vào sổ tất”.

Trong năm 2015, xã Nhơn An có 10 người chết vì bệnh ung thư, sang năm 2016 tăng lên 15 người. Năm 2017, tiếp tục có 8 người chết vì ung thư còn 8 tháng đầu năm 2018 thêm 5 người nữa. Đặc biệt, có những người chết vì bệnh ung thư khi còn rất trẻ như anh Nguyễn Văn Quay ở thôn Thuận Thái mới 24 tuổi đã chết vì ung thư tủy, anh Nguyễn Văn Bảy ở thôn Thanh Liêm mới 31 tuổi đã chết vì bệnh ung thư gan, anh Nguyễn Văn Phú ở thôn Tân Dân mới 33 tuổi đã chết vì bệnh ung thư tủy…

 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.