| Hotline: 0983.970.780

Giảm giá thành sản xuất lúa thu đông ở các tỉnh ĐBSCL

Thứ Năm 09/09/2021 , 20:03 (GMT+7)

Chủ động giảm giống, chi phí vật tư đầu vào, sử dụng giống chất lượng cao là những giải pháp hữu hiệu giúp vụ lúa thu đông ở các tỉnh ĐBSCL đạt thắng lợi.

Áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Bên cạnh việc đảm bảo thời gian, cơ cấu mùa vụ thì việc giảm chi phí vật tư đầu vào, sử dụng các loại giống mới cho năng suất cao và áp dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất lúa trong vụ thu đông 2021 cần phải được thực hiện một cách đồng bộ.

Việc giảm chi phí vật tư, đặc biệt là giảm phân bón đang là yêu cầu cấp thiết cho sản xuất lúa ở ĐBSCL trong bối cảnh giá phân bón liên tục leo thang. Ảnh: TL.

Việc giảm chi phí vật tư, đặc biệt là giảm phân bón đang là yêu cầu cấp thiết cho sản xuất lúa ở ĐBSCL trong bối cảnh giá phân bón liên tục leo thang. Ảnh: TL.

Trong giai đoạn hiện nay, giá vật tư liên tục leo thang làm cho chi phí đầu vào của sản xuất lúa ở các tỉnh ĐBSCL tiếp tục tăng lên.

Để tháo gỡ vấn đề này, các tỉnh ĐBSCL cần thực hiện chính sách “biến nguy thành cơ”, đẩy mạnh việc áp dụng đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung phát triển chuỗi liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp với HTX, nông dân. Triển khai các mô hình canh tác thông minh bằng cách giảm lượng phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được xem là giải pháp tối ưu nhất.

Trung tâm Khuyến nông quốc Gia (KNQG) sẽ cùng với Cục Trồng trọt, các viện nghiên cứu, tích hợp lại các quy trình sản xuất, chủ động giảm lượng vật tư đầu vào cho việc canh tác lúa ở ĐBSCL. Các hình thức, quy trình rút ngắn, được đưa đến tận tay người sản xuất với nội dung dễ hiểu, dễ vận dụng. Mục đích lớn nhất là hướng đến thay đổi nhận thức để người sản xuất chủ động giảm lượng vật tư đầu vào, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cũng theo ông Thanh, việc chuyển đổi từ sử dụng các giống lúa kém chất lượng, sang các giống lúa chất lượng cao hơn là việc rất cần thiết và hướng đi đúng trong giai đoạn hiện nay. Đây có thể xem là việc dịch chuyển sản xuất từ số lượng sang chất lượng hay nói cách khác chuyển từ “tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp”.

Sự quyết định đến chất lượng sản phẩm bắt đầu từ khâu giống đầu vào. Trong khi hiện nay, chúng ta đã có bộ giống lúa được đánh giá là tốt hơn các nước trong khu vực. Những giống lúa mới vừa cải tiến được chất lượng gạo, vừa duy trì được năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt. Vì vậy, việc đưa các giống lúa chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào cơ cấu giống là ưu tiên của Bộ NN-PTNT và các địa phương hiện nay.

Vì vậy, Trung tâm KNQG đã mở nhiều chương trình khuyến nông trung ương, ưu tiên đưa các bộ giống chất lượng vào sản xuất để nông dân có nhiều phương án lựa chọn. Bên cạnh đó, áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, hướng tới tăng giá trị sản xuất.

Sự chủ động của người sản xuất là yếu tố then chốt

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng Trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Thực tế hiện nay, đã có rất nhiều mô hình, quy trình canh tác lúa tiên tiến đã được đưa tới người dân trên toàn bộ 13 tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, sự hưởng ứng, việc áp dụng của người dân còn rất khiêm tốn.

Sự chủ động giảm giá thành sản xuất lúa của người dân đóng vai trò quyết định trong việc tăng lợi nhuận trong sản xuất lúa. Ảnh: TL.

Sự chủ động giảm giá thành sản xuất lúa của người dân đóng vai trò quyết định trong việc tăng lợi nhuận trong sản xuất lúa. Ảnh: TL.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn bủa vây do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá vật tư nông nghiệp, nhất là giá phân bón tăng cao, tác động rất lớn đến chi phí sản xuất lúa. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để người dân nhìn nhận lại những vấn đề thiết thực đối với hoạt động sản xuất của chính mình. Trong đó, sự chủ động giảm giá thành sản xuất lúa của người dân đóng vai trò quyết định, các cơ quan khuyến nông, chuyên môn, doanh nghiệp đóng vai trò hỗ trợ.

Theo ông Lê Thanh Tùng, yếu tố then chốt để giảm giá thành sản xuất lúa là giảm giống. Bởi lẽ, khi giảm giống, các yếu tố khác như phân bón, thuốc BVTV sẽ giảm theo. Vì vậy, thay vì trông chờ vào sự biến động tăng lên của giá bán lúa từ thị trường, thương lái, thì việc chủ động giảm giá thành sản xuất lúa sẽ là giải pháp hiệu quả, bền vững hơn trong việc tăng lợi nhuận cho người sản xuất. 

“Việc giảm giá thành vật tư đầu vào không chỉ có lợi cho người sản xuất, mà còn có lợi cho cả thương lái, doanh nghiệp thu mua phục vụ xuất khẩu”, ông Tùng cho hay.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.