| Hotline: 0983.970.780

Giảm giống gieo sạ nhưng lúa TBR-1 vẫn cho năng suất vượt trội

Thứ Ba 19/04/2022 , 11:42 (GMT+7)

Gia Lai Không chỉ cho năng suất cao, giống lúa TBR-1 còn giúp người dân giảm lượng gieo sạ, ít sử dụng phân bón hóa học và ít bị ảnh hưởng sâu bệnh.

Nhiều nông dân tham quan mô hình giống lúa TBR-1 đều tỏ ra phấn khích với năng suất vượt trội.

Nhiều nông dân tham quan mô hình giống lúa TBR-1 đều tỏ ra phấn khích với năng suất vượt trội.

Vừa qua, UBND xã Ia Kdăm (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed --Miền Trung -Tây Nguyên tổ chức tham quan mô hình giống lúa TBR-1 vụ đông xuân 2021-2022.

Theo báo cáo của UBND xã Ia Kdăm, lúa là một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn xã với diện tích 689,1 ha. Thời gian qua, người dân đã mạnh dạn đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người nông dân.

Tuy nhiên, việc sản xuất lúa trên địa xã vẫn còn hạn chế, nhiều hộ dân vẫn thực hiện theo phương thức truyền thống (sử dụng các giống lúa cũ có năng suất, chất lượng thấp, mật độ gieo sạ dày: 200 – 250 kg/ha). Cùng với đó, bón phân không cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi... dẫn đến năng suất và chất lượng lúa thấp.

Trước tình hình trên, UBND xã xây dựng “Dự án hỗ trợ giống lúa TBR-1 và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn xã Ia Kdăm". Theo đó, mục tiêu đưa giống lúa TBR-1 vào sản xuất và chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất ICM “ba giảm ba tăng” gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tại buổi tham quan mô hình trồng lúa TBR-1 tại xã Ia Kdăm, nhiều người dân tỏ ra phấn khích với cánh đồng lúa vàng ươm, hạt trĩu nặng bao trùm trên một khoảng không gian diện tích rộng lớn. Tại đây, ai cũng tò mò về giống lúa TBR-1 có thể tạo ra sự khác biệt với những hạt lúa to tròn mọc đều.

Có lẽ, ông Nay Poan (thôn Bôn Dlai Bầu, xã Ia Kdăm) là người phấn khởi hơn cả khi được UBND xã cùng Công ty TNHH ThaiBinh Seed - Miền Trung - Tây Nguyên hỗ trợ thực hiện mô hình giống lúa TBR-1 trên diện tích 2 sào (.2.000m2) của gia đình.

Ông Nay Poan vui mừng cho biết, trước đây gia đình sử dụng giống lúa TH nhưng thường hay nhiễm rầy nâu dẫn đến năng suất rất thấp chỉ đạt khoảng 7 tạ/sào. Sau khi được hỗ trợ mô hình giống lúa TBR-1, gia đình thực hiện gieo sạ vào tháng 12/2021 và đã cho thu hoạch, năng suất đạt hơn 9 tạ/sào. Theo ông Poan, nếu không ảnh hưởng mưa bão vào tháng 3 vừa qua khiến cây lúa bị ảnh hưởng thì năng suất còn cao hơn.

“Không chỉ cho năng suất cao hơn hẳn các giống lúa trước đây mà gia đình sử dụng, giống lúa TBR-1 còn ít nhiễm rầy nâu. Trong khi các ruộng lúa khác bị rầy nâu hoành hành thì ruộng lúa gia đình tôi dù nằm sát bên cũng không bị ảnh hưởng”, ông Nay Poan cho biết.

Giống lúa TBR-1 sẽ tiết tục được nhân rộng tại nhiều xã trên địa bàn huyện Ia Pa trong thời gian tới.

Giống lúa TBR-1 sẽ tiết tục được nhân rộng tại nhiều xã trên địa bàn huyện Ia Pa trong thời gian tới.

Theo đánh giá của UBND xã Ia Kdăm, mô hình ruộng lúa dự án TBR-1 đã gieo sạ đúng mật độ theo quy trình kỹ thuật, ruộng được chăm sóc bón phân đầy đủ đúng hướng dẫn. Chính vì vậy, quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa TBR-1 đã khắc phục được những nhược điểm như: sạ dày, cây yếu, hiệu quả để nhánh thấp, sâu bệnh nhiễm mức độ nặng...

Qua theo dõi dự án, lúa TBR-1 có thời gian sinh trưởng từ 105 – 110 ngày với năng suất trung bình thu hoạch 70-75 tạ/ha. Có ruộng được chăm sóc tốt năng suất đạt 80 tạ/ha.

Ông Ksor Miên, Phó Chủ tịch UBND xã Kăm cho biết, ngay từ khi triển khai, nhiều bà con đã tham gia học và ứng dụng theo chương trình, giảm lượng giống sạ. Điều này chứng tỏ dự án đáp ứng được nhu cầu của bà con vì nó đơn giản, dễ thực hiện, năng suất tăng, mức độ nhiễm sâu bệnh ít hơn.

Để giống lúa TBR-1 được nhân rộng, xã đã đề nghị UBND huyện Ia Pa tiếp tục cấp kinh phí để giúp bà con nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế tại gia đình thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

“Chúng tôi tạo mọi điều kiện thuận lợi, đồng thời tuyên truyền nhiều người dân được biết và tiếp tục ứng dụng, nhân rộng trên quy mô rộng hơn và cho những năm tiếp theo đối với giống TBR-1”, ông Miên chia sẻ.

Ông Trần Đình Đức, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ia Pa cho biết, khi đưa giống lúa TBR-1 vào trồng thử nghiệm khoảng 60 ha tại xã Ia Kdăm thì nhận thấy, giống lúa này cho năng suất rất tốt khoảng 8-9 tạ/sào, cao hơn khoảng 10-15% so với các giống lúa khác. Trong quá trình theo dõi vụ đông xuân vừa qua, giống lúa TBR-1 cho thấy cây chắc khỏe, đặc biệt chưa phát hiện sâu bệnh gây hại.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển các giống lúa để triển khai gieo trồng thêm 50 ha giống lúa TBR-1 tại xã Ia Kdăm để ngày càng nhân rộng giống lúa này cho người dân”, ông Đức thông tin.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.