| Hotline: 0983.970.780

Giảm rác thải nhựa từ trường học

Thứ Bảy 04/12/2021 , 10:53 (GMT+7)

Giáo viên, cán bộ ngành giáo dục quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) được tham gia buổi tập huấn nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, giảm sử dụng rác thải nhựa.

Xác định đối tượng tuyên truyền về rác thải nhựa hướng tới lứa tuổi học sinh, sinh viên vì các em là những người hưởng thụ nhanh, tác động tích cực đến toàn xã hội. Ảnh: L.K.

Xác định đối tượng tuyên truyền về rác thải nhựa hướng tới lứa tuổi học sinh, sinh viên vì các em là những người hưởng thụ nhanh, tác động tích cực đến toàn xã hội. Ảnh: L.K.

Đây là một trong những nội dung nằm trong kế hoạch quản lý rác thải nhựa trên địa bàn quận Thanh Khê năm 2021 do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF–Việt Nam) phối hợp với địa phương tổ chức thực hiện.

Buổi tập huấn có sự tham gia của 130 người là cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên của 36 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận Thanh Khê. Mục đích của chương trình này nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức cho các đối tượng về các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, tác hại của rác thải nhựa, đặc biệt là các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần.

Theo Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê, ý tưởng các nội dung trong buổi tập huấn này là do đơn vị cùng với WWF-Việt Nam phối hợp thực hiện. Trong đó, WWF-Việt Nam xây dựng những nội dung và thông tin về ô nhiễm nhựa để thực hiện tuyên truyền đến người dân. Phòng Tài nguyên và Môi trường quận sẽ đưa ra những ý kiến góp ý về tuyên truyền pháp luật và chính sách  mà thành phố đang triển khai. Từ đó lồng ghép 2 nội dung hài hòa để đưa đến thông điệp truyền thông có tính thống nhất và phù hợp.

Ông Lê Trung Minh Tân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi Trường quận Thanh Khê cho rằng, các đối tượng học sinh, sinh viên là những người thụ hưởng nhanh và tác động tích cực đến toàn xã hội. Sau khi tập huấn, giáo viên về tại các trường tuyên truyền để cho học sinh hiểu cũng như thực hành tại trường. Ngoài ra, khi học sinh về nhà cũng sẽ góp phần tuyên truyền đến những thành viên khác trong gia đình nên mức độ lan tỏa rất nhanh.

“Chúng tôi cũng xác định quá trình tuyên truyền là quá trình lâu dài. Đối với người lớn thực ra hành vi của họ theo kiểu "trăm hay không bằng tay quen", khó thay đổi. Do đó những đối tượng dễ cảm nhận, dễ chấp hành nhất chính là học sinh, sinh viên và chúng tôi cũng mong muốn giáo dục ngay các em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các em sẽ tiếp cận những hành vi tốt sau đó nắm, hiểu cũng như duy trì những thói quen đó”, ông Tân nói.

Tái chế rác thải sẽ góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: L.K.

Tái chế rác thải sẽ góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: L.K.

Cũng theo ông Tân, để cho đội ngũ giáo viên, cán bộ chuyên trách trong ngành giáo dục nắm được những tác động tiêu cực của rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng thì trước buổi tập huấn, những người tham gia đã được đi thực địa tại bãi rác Khánh Sơn (TP Đà Nẵng). Từ những gì được chứng kiến từ buổi thực địa này, thực tế về hiện trạng rác thải hiện nay sẽ được mọi người hiểu rõ để việc tuyên truyền sau đó đạt kết quả cao hơn.

“Sau buổi tập huấn này, chúng tôi đã tiến hành xây dựng mô hình “Trường học không rác thải nhựa”, triển khai thí điểm trước 2 trường Trung học cơ sở và 1 trường Tiểu học. 3 trường được lựa chọn là những trường có không gian rộng và đội ngũ giáo viên nhiệt huyết, hăng hái tham gia thực hiện mô hình.

Sau khi triển khai qua một thời gian sẽ tiến hành đánh giá, đúc rút kinh nghiệm. Những nội dung nào làm tốt, nội dung nào làm chưa được sẽ có những điều chỉnh để nhân rộng ra các trường khác trên địa bàn. Mô hình này đã được phát động từ tháng 5 vừa qua nhưng do nguyên nhân khách quan là dịch bệnh Covid-19, học sinh chưa thể đến trường nên chưa thể thực hiện được”, ông Tân cho biết thêm.

Theo như những nội dung mà Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê thống nhất thực hiện với sự hỗ trợ từ WWF-Việt Nam, việc triển khai thực hiện mô hình “Trường học không rác thải nhựa” sẽ bao gồm các hoạt động: Kiểm toán rác thải tại các trường học (điều tra số liệu nền về hiện trạng rác thải ở trường như thế nào, lượng rác thải nhựa bao nhiêu và hàng ngày thói quen sinh hoạt của học sinh, giáo viên ở trường).

Từ kết quả kiểm toán này, các chuyên gia từ phía WWF-Việt Nam và các đơn vị chức năng liên quan sẽ hỗ trợ các trường xây dựng và triển khai kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa tại các trường học. Trong kế hoạch dự kiến, sẽ tập huấn, tuyên truyền cho các giáo viên và các em học sinh. Đồng thời hướng dẫn các giáo viên lồng ghép đưa những nội dung này vào các bài giảng trong các môn học ngoài giờ, các hoạt động ngoại khoá hoặc các buổi sinh hoạt dưới cờ để các em học sinh tiếp thu dần.

“Sau đó có thể tổ chức 1 ngày hội hoặc chương trình chẳng hạn như là cuộc thi sáng tạo tuyên truyền về rác thải nhựa, thi tái chế rác thải giúp các em phát huy tinh thân của mình qua 1 thời gian tuyên truyền. Và khi kết thúc mô hình sẽ tiến hành tổng kết và đánh giá số liệu so với thời điểm kiểm toán ban đầu”, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Thanh Khê thông tin.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.