Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo, khiến cho nhu cầu nhập khẩu gạo tại nhiều thị trường tiếp tục tăng, dẫn đến giá gạo thời gian qua tăng liên tục, tình hình kinh doanh mặt hàng gạo cũng có nhiều biến động.
Trước tình hình trên, tối 17/8, thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, đơn vị này sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn nắm bắt tình hình thị trường, diễn biến cung - cầu, giá bán của mặt hàng gạo để xây dựng phương án kiểm tra, giám sát và đề xuất các giải pháp góp phần nhằm ổn định thị trường.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM sẽ chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, theo dõi tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn bán lẻ, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho gạo nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Trước đó, ngày 8/8, Sở Công thương TP.HCM cũng có công văn đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu và cung ứng gạo trong nước chủ động nâng tỷ lệ gạo dự trữ để tránh nguy cơ khan hiếm nguồn cung gạo trên thị trường. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu gạo tuân thủ quy định về thu mua thóc, gạo hàng hoá nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, duy trì mức dự trữ, lưu thông theo quy định trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.
Riêng với doanh nghiệp bình ổn thị trường (các mặt hàng gạo), Sở Công thương TP.HCM yêu cầu phải tuân thủ những quy định đã được cam kết trong chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố. Đồng thời, có kế hoạch chủ động triển khai thu mua, dự trữ, đảm bảo nguồn hàng, cung ứng đủ, vượt số lượng đã đăng ký trong mọi tình huống. Nguồn hàng cung ứng phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.