Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của thành phố Hà Nội, trọng tâm là giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên rau, từ năm 2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội phối hợp với UBND xã Thư Phú triển khai hệ thống đảm bảo có sự tham gia của cộng đồng PGS trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.
Ông Lê Văn Tôn, Chủ tịch UBND xã Thư Phú chia sẻ, việc chia vùng sản xuất rau an toàn của xã Thư Phú thành 5 nhóm PGS, kết hợp cán bộ kỹ thuật của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Thường Tín thường xuyên có mặt tại vùng rau đã đem lại hiệu quả tích cực từ trên đồng ruộng cho tới tư duy sản xuất.
Cùng ông Lê Văn Tôn đi thăm những ruộng cà chua, cải ngọt an toàn, tôi thấy toàn bộ các thửa ruộng đều được làm cỏ bằng tay sạch sẽ, tuyệt nhiên không có bất cứ vỏ bao bì hay lọ thuốc bảo vệ thực vật vứt vương vãi ra kênh mương hay bờ ruộng.
Theo ông Lê Văn Tôn, khó khăn nhất khi áp dụng mô hình PGS là việc tạo cho bà con nông dân thói quen ghi chép nhật ký canh tác. Đối với lớp trẻ, việc ghi chép ngày giờ phun thuốc, tên loại thuốc, liều lượng, ngày bón phân, ngày thu hoạch… không quá khó khăn, song với lớp người già, đặc biệt là những ông, bà ngoài 60 tuổi thực sự vô cùng gian nan.
Do đó, với quyết tâm thực hiện thành công mô hình PGS để từ đó nâng cao thương hiệu, chất lượng thương hiệu rau an toàn và tiến tới là rau VietGAP, rau hữu cơ Thư Phú, cán bộ HTX Thứ Phú cùng cán bộ Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thường Tín phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhắc nhở, động viên, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc kiên trì suốt thời gian dài mới giúp việc sản xuất của bà con đi vào nề nếp quy củ như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thư Phú cho biết, việc quan trọng nhất khi áp dụng mô hình PGS là ghi chép nhật ký canh tác và giám sát chéo đồng ruộng giữa 5 nhóm cộng đồng để có thể truy xuất được nguồn gốc.
Đặc biệt, mô hình PGS giúp chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất rau an toàn, quá đó giúp bà con nông dân Thư Phú giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Sau khi được tham gia mô hình PGS, bà con nông dân tại Thư Phú đều ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phân bón hữu cơ trong canh tác rau an toàn. Ngoài ra, các mô hình bẫy dính sắc màu trừ sâu hại rau, bẫy bả chua ngọt, màng phủ passlite, phân hữu cơ từ khô đậu tương và khô dầu đậu tương cải tạo đồng đất được áp dụng rộng rãi trên địa bàn xã Thư Phú.
Kết quả, các mô hình trên đã góp phần giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng từ 1 - 3 lần/lứa rau, giảm ô nhiễm môi trường, tăng năng suất chất lượng rau an toàn và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Oanh, Trưởng Liên nhóm sản xuất rau an toàn PGS xã Thư Phú cho hay, cơ bản bà con đều đã nắm bắt được cách lựa chọn và nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ các loại sâu bệnh chính trên đồng ruộng. Có nhận thức tốt trong việc ghi chép nhật ký sản xuất phục vụ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS (Participatory Guarantee system) là hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ. Hệ thống này chứng thực cho người sản xuất dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan gồm: Người tiêu dùng, doanh nghiệp phân phối, cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng quan tâm khác. Quá trình sản xuất và thu hoạch thường xuyên được giám sát, điều tra đảm bảo phát hiện, khắc phục những sai phạm nhỏ và loại bỏ ngay lập tức các nhóm sản xuất, các sản phẩm mắc sai phạm.