| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 17/10/2019 , 09:07 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 09:07 - 17/10/2019

Gian lận điểm thi và danh dự nghề giáo

Cả hai vụ gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang và Sơn La được đưa ra xét xử cùng lúc, có những điểm tương đồng đến mức đáng sợ.

Phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử tại Hà Giang.

Đó là sự khinh thường và chà đạp lên tính nghiêm minh của luật pháp và sự công bằng của xã hội, từ phía những kẻ có tiền và có quyền. Dù vụ án không khởi tố tội danh “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ”, nhưng những lời khai tại phiên tòa lại khá rõ ràng về các khoản tài chính được dùng để “cảm ơn” cho hành vi chỉnh sửa bài thi của các bị cáo.

Tuy nhiên, đáng sợ hơn khi chúng ta nhìn ra ở đó không chỉ có cuộc bán mua điểm số trị giá bạc tỷ, mà còn phơi bày sự xuống cấp thảm hại của đạo đức nghề giáo.

Những người ngoài ngành giáo dục, có thể vì chạy theo thành tính hoặc vì toan tính cho con em mình nhảy vào các trường đại học uy tín, mà tham gia vào đường dây gian lận điểm thi. Điều ấy đã đáng phẫn nộ. Còn những người đang trực tiếp gắn bó với sự nghiệp đào tạo, mà lại tìm cách gian lận điểm thi cho con em mình, thì thật khủng khiếp.

Đừng ngụy biện là phụ huynh nào cũng lo lắng cho con em. Bởi lẽ, một phẩm chất tối thiểu của nhà giáo là phải coi trọng việc học đích thực. Ở tỉnh Sơn La, những cán bộ giáo dục nhờ nâng điểm cho con mình, đáng kể nhất là ông Nguyễn Duy Hoàng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT và ông Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng phòng Giáo dục Trung học phổ thông.

Ở tỉnh Hà Giang, danh sách cán bộ giáo dục nhờ nâng điểm cho con mình nhiều hơn, gồm ông Phạm Văn Khuông - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, bà La Thị Thúy Chinh - Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ của Sở GD&ĐT, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến - Phó phòng Giáo dục thường xuyên của Sở GD&ĐT…

Đã là nhà giáo, mà con mình học hành chểnh mảng đã xấu hổ, mà đi chạy chọt nâng điểm cho con mình thì càng xấu hổ hơn. Điểm số tuy không phải là thước đo tin cậy nhất, nhưng cũng là cơ sở để đánh giá năng lực học hành của mỗi người. Nhà giáo muốn con mình đạt điểm cao bằng phương pháp gian lận, thì khác gì sự sỉ nhục lương tâm nghề nghiệp.

Ông Phạm Văn Khuông - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang phân bua về việc con mình được nâng 13,3 điểm do cấp dưới “tự nguyện hỗ trợ” một cách tỉnh bơ trước phiên tòa: “Việc nhờ vả rất thường tình trong cuộc sống, anh em quan tâm thì giúp thôi. Bị cáo hoàn toàn không nói chuyện nâng điểm môn nào, bao nhiêu điểm, chỉ nhờ chung chung vậy thôi, không nói nguyện vọng vào trường nào mà chỉ nói cháu có thi vào 5 trường".

Hỡi ơi, điểm số thi cử mà là “việc nhờ vả rất thường tình” như cầm dùm cái túi hay gánh hộ mớ rau ư? Nếu vậy, thì cần trường lớp làm gì nữa, cần thầy cô làm gì nữa.

Danh dự là thứ quan trọng bậc nhất để nhà giáo được tôn trọng trong cuộc đời! Thật âu lo, khi ai cũng thản nhiên xem chuyện đánh mất danh dự nhà giáo như một “việc nhờ vả rất bình thường”.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm