| Hotline: 0983.970.780

Giáo sư Võ Tòng Xuân - cuộc đời dành cho cây lúa

Thứ Năm 21/12/2023 , 15:05 (GMT+7)

Giáo sư Võ Tòng Xuân - một trong hai nhà khoa học vừa được Quỹ VinFuture vinh danh là người cả cuộc đời gắn bó với cây lúa.

Giáo sư Võ Tòng Xuân. Ảnh: BTC.

Giáo sư Võ Tòng Xuân. Ảnh: BTC.

Giáo sư Võ Tòng Xuân – một trong hai nhà khoa học vừa được Quỹ VinFuture vinh danh những Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển là người cả cuộc đời gắn bó với cây lúa, có những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

Từ bỏ đam mê để bén duyên cây lúa

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, ông yêu nghề nông từ nhỏ, nhưng, việc đến với ngành nông nghiệp với ông là một sự tình cờ, bởi ước mơ mà ông đeo đuổi, đó là ngành… cơ khí.

“Năm tôi học lớp 10, khi trúng tuyển vào trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, tôi lại thích ngành cơ khí, mơ ước được ra nước ngoài như Mỹ, Đức để học. Nhưng bấy giờ chỉ có thông báo đi học tại Philippines và ngành học là nông nghiệp. Vẫn mang theo mơ mộng học ngành cơ khí, tôi cũng tìm hiểu xem có thể ứng dụng được gì cơ khí vào nông nghiệp”, Giáo sư Võ Tòng Xuân tâm sự.

Tại Philippines, ngành học đầu tiên mà ông theo học là ngành mía đường, học cách làm đường mía, học cách làm giấy từ bã mía… Nhưng, cái duyên với cây lúa đến với ông vào năm 1969, khi Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế được thành lập tại ngôi trường ông đang theo học ở Phillipines. Thời điểm đó, sản xuất lúa tại Việt Nam đang bị dịch bệnh tấn công, đặc biệt là rầy nây. Dù gặp khá nhiều khó khăn để được Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế chấp nhận, cuối cùng ông cũng được theo ngành học về lúa gạo, được tham gia giảng dạy và nghiên cứu ứng dụng các giống lúa.

Giáo sư Võ Tòng Xuân - người từ bỏ đam mê để bén duyên cây lúa.

Giáo sư Võ Tòng Xuân - người từ bỏ đam mê để bén duyên cây lúa.

Năm 1971, ông về nước mang giống lúa mới của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế nhưng vẫn bị rầy nâu tấn công. Ông xin Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế thêm một số giống lúa mới, kháng được rầy nâu. Năm 1973, ông xác định được giống IR26, IR30 có khả năng kháng rầy nâu và phổ biến cho một số bà con thí điểm sử dụng. Lúa rất tốt, đứng thẳng và nhiều bông. Giống IR26 và IR30 từ đó được nhân rộng.

Năm 1974, ông tiếp tục sang Nhật làm nghiên cứu sinh và lấy bằng Tiến sĩ Nông học. Tháng 4/1975 về Việt Nam, mang những kiến thức về đào tạo cán bộ nông nghiệp và giúp cho bà con nông dân.

“Lúc tôi về, những người làm ở Sở Canh nông đã di tản hết, trụ sở trống trơn. Bấy giờ, tôi thấy vai trò của trường Cao đẳng Cần Thơ rất quan trọng. Tôi thấy mình phải đẩy mạnh đưa giống lúa cho tốt tới nơi bà con chưa sử dụng. Sau giải phóng miền Nam vài tháng, các sinh viên tại Tân Châu, An Giang lại trao đổi với tôi các giống lúa IR26, IR30, IR32 đều bị rầy nâu tàn phá. Bà con mua đủ thứ loại thuốc nhưng con rầy kháng thuốc, thậm chí phải bán đồ trong nhà để mua thuốc trị rầy. Không có gạo, bà con phải đi ghe xuống Bạc Liêu, Cà Mau mua gạo về ăn. Tôi lên tận Tân Châu tìm hiểu, phát hiện đây là rầy nâu tuýp mới. Tôi liên hệ sang Philippines xin giống lúa mới, họ gửi về một số giống mới thì phát hiện IR36 phát triển rất tốt, không bị rầy nâu ăn”, GS Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Trước thực tế ấy, ông đề xuất xin Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Cần Thơ… đóng cửa trường 2 tháng, cho sinh viên xuống với bà con nông dân, nơi nào có dịch rầy nâu thì xuống để tìm hiểu, nghiên cứu, tìm cách xử lý.

“Tôi dạy các em 3 bài: cách chuẩn bị đường mạ cho tốt; cách chuẩn bị đất cho thật tốt để cấy; cấy một dảnh một bụi, để nhân giống cho nhanh, giúp tăng năng suất. Sau 2 tháng, lúa phát triển tốt, sinh viên rút về trường, bàn giao cho bà con nông dân và cán bộ địa phương trực tiếp cấy lúa. Khi tôi báo cáo ở các hội nghị quốc tế về lúa, các chuyên gia quốc tế rất ngạc nhiên và họ bảo, chỉ có Việt Nam mới đóng cửa trường cho sinh viên đi cấy lúa. Nhờ vậy, giống lúa IR36 được nhân rộng chỉ sau một vụ lúa, nông dân cũng nhân được nhiều giống, hoàn toàn chống chịu được rầy nâu”.

Từ lúa kháng rầy đến giống lúa ngon cơm

Những nỗ lực của Giáo sư Võ Tòng Xuân đã mang đến cho Việt Nam những giống lúa tốt nhất có khả năng kháng rầy, dẹp tan nỗi lo của người nông dân. Nhưng với ông chưa dừng lại ở đó.

“Chúng ta có giống lúa tốt, có khả năng kháng rầy nhưng giống này ăn chưa ngon cơm, chất lượng chưa tốt, phải tiếp tục nghiên cứu. Tôi vẫn luôn nói với các em sinh viên, Việt Nam có 4 triệu ha trồng lúa, trong khi Thái Lan có hơn 10 triệu ha. Giống lúa của Thái Lan ngon cơm, dài, một năm trồng một lần, bán giá cao. Những năm 1980 - 1990 khi xuất khẩu gạo, giá một tấn gạo của Việt Nam chỉ 250 USD còn Thái Lan tới 800 USD hoặc hơn. Tôi nói với các em sinh viên nếu muốn thắng Thái Lan phải tập trung làm lúa ngắn ngày, cấy 2-3 vụ/năm, sẽ được 9 triệu ha diện tích trồng lúa. Như vậy mình mới đuổi kịp được lúa gạo của Thái Lan.

Giáo sư Võ Tòng Xuân.

Giáo sư Võ Tòng Xuân.

Giáo sư Võ Tòng Xuân tâm sự, để lai tạo được một giống lúa ổn định phải trải qua chu kỳ lai tạo đến 8 đời. Trong khi Việt Nam chưa lai tạo được nhiều giống, ông chủ trương nghiên cứu ứng dụng và tập trung vào hai giống lúa IR36 và IR50404. Ông tiếp tục xin Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế giống lúa đời thứ 4 - 5 để tự lai tạo giống lúa mới.

“Làm thế nào làm cho người nông dân đỡ khổ nên lựa chọn giống lúa nào người nông dân sử dụng được, cho đời sống khá hơn. Khi lợi tức nông dân cao hơn, doanh nghiệp lợi tức cao, cả hai sẽ đóng góp cho GDP dồi dào hơn, đất nước giàu hơn”, Giáo sư Võ Tòng Xuân trăn trở.

Năm 1989, Việt Nam xuất khẩu gạo trở lại nhưng giá trị mang lại chưa nhiều. Với tâm niệm, nông dân giàu thì đất nước mới giàu, ông khuyến khích nông dân càng làm nhiều giống lúa, xuất khẩu nhiều sẽ đạt chỉ tiêu GDP. Năm 2019, ông đề đạt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng lúa theo điều kiện sinh thái. Thời điểm đó Thủ tướng đã cho ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, trồng lúa thích nghi với sinh thái. Con đường phát triển lúa gạo vùng ĐBSCL đã có một hướng đi mới, đầy triển vọng.

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết sẽ trích phần thưởng để lập quỹ học bổng, hỗ trợ các em theo đuổi lĩnh vực nghiên cứu về nông nghiệp, giúp người dân Việt Nam bớt khổ. Tiếp đó là góp phần phổ cập hóa song ngữ tại các trường phổ thông Việt Nam. 

“Giá gạo của Việt Nam một thời gian dài thấp hơn của Thái Lan. Vì thế, cần cố gắng nghiên cứu làm sao để cải thiện chất lượng lúa gạo. Năm 2017, chúng ta chọn được giống ST24 và đánh giá chất lượng xuất sắc nhất. Sau khi thua cuộc Gạo ngon nhất thế giới, chúng ta tiếp tục dùng ST25 và đưa đi thi vào năm 2019. Và năm đó, gạo ST25 xuất sắc được công nhận là gạo ngon nhất thế giới. Trồng lúa ở Việt Nam khác Thái Lan chút vì Thái Lan trồng 1-2 vụ/năm, đạt 4 tấn/ha/vụ còn Việt Nam trồng 2-3 vụ/năm, đạt 6 tấn/ha/vụ, nên một năm trồng ít nhất đạt 15 tấn/ha”, Giáo sư Võ Tòng Xuân nói.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, chất lượng gạo Việt Nam hiện đang đứng top đầu, sản lượng rất ổn định. Quy hoạch để trồng lúa là thiết kế theo kiểu sống chung với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, điều ông trăn trở là nông dân vẫn còn sản xuất manh mún, thương lái nhỏ lẻ chộp giật. Khó khăn cho người dân Việt Nam chính là đầu ra, phụ thuộc vào thương lái điều khiển giá thị trường.

“Tôi muốn chúng ta có phương pháp nào đó như dồn điền, xây dựng ruộng quy hoạch để kiểm soát nông dân trồng lúa gạo theo đúng tiêu chuẩn, đẩy mạnh phân hữu cơ vi sinh, cải thiện hệ vi sinh vật đất. Từ đó, cây lúa của mình mới phát triển tốt, đồng thời kháng được sâu bệnh phần lớn, tránh được dùng nhiều phân hóa học, tránh được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Nếu làm được như thế, chúng ta sẽ thực hiện được Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải, khi mình giảm phân hóa học, thuốc hóa học thì mình thực hiện đúng tinh thần COP28”, Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển đã vinh danh GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn) và GS Võ Tòng Xuân (người Việt Nam) vì những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

Gurdev Singh Khush đã đi tiên phong trong việc tạo ra các giống lúa với khả năng kháng nhiều loại sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn và cho năng suất cao như IR36, IR64... Trong đó, IR64 và các thế hệ con cháu đã được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia như Philippines, Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ… Giống IR36 được phổ biến tại các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở ĐBSCL nhờ nỗ lực quan trọng của Giáo sư Võ Tòng Xuân.

IR36, IR64 hiện là những giống lúa phổ biến nhất tại khu vực nhiệt đới châu Á, giúp giảm chi phí sản xuất và gia tăng sản lượng, hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, góp phẩn thúc đẩy tính bền vững của nông nghiệp trên toàn cầu.

Xem thêm
Việt Nam chưa đủ thông tin đánh giá tác động của dự án Funan Techo

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định Việt Nam chưa đủ thông tin để có thể đánh giá tác động của dự án Funan Techo.

Bắc Kạn cần hướng đến sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững

FAO tại Việt Nam đánh giá, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Bắc Kạn đã cải thiện năng lực tổ chức sản xuất, có nhiều mô hình hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát mỏ cát tại Vĩnh Long

Vĩnh Long Phó Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Vĩnh Long và chủ đầu tư khẩn trương khảo sát, đánh giá lại hiện trạng tại các hộ dân sinh sống khu vực khai thác của 3 mỏ cát.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm