| Hotline: 0983.970.780

Những người 'sống tận cùng' với đồng ruộng: [Bài 3] Khoảnh ruộng mẫu lớn dành cho những khởi đầu

Thứ Sáu 15/12/2023 , 08:28 (GMT+7)

Chừng gần một giờ đồng hồ, anh Nguyễn Văn Em đã hoàn thành xong khu ruộng gieo sạ, tươm tất, phẳng phiu như một bác thợ nề khéo tay vừa láng xong sân nền xi-măng...

Anh Nguyễn Văn Em đang chà phẳng mặt ruộng chuẩn bị cho buổi trình diễn cơ giới hóa trong nông nghiệp tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. 

Anh Nguyễn Văn Em đang chà phẳng mặt ruộng chuẩn bị cho buổi trình diễn cơ giới hóa trong nông nghiệp tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. 

Thửa ruộng nổi tiếng nhất Hậu Giang

Sáng 12/12, trong số hàng trăm người dân từ nhiều tỉnh thành của vùng ĐBSCL có mặt chứng kiến buổi trình diễn cơ giới hóa nông nghiệp chào mừng Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, có vợ chồng ông Phan Văn Hậu (SN 1968) và lão nông hàng xóm Nguyễn Văn Thiết (SN 1960). Vượt 30 cây số từ xã Tân Bình (huyện Phụng Hiệp) sang Vị Trung (huyện Vị Thủy) xem trình diễn máy bay và gieo sạ, xuống giống... Ông Hậu đi từ khá sớm để 7h sáng đã có mặt tại điểm trình diễn.

Ngồi yên vị dưới gốc cây cổ thụ ven đường, vị trí khá thuận tiện để có thể quan sát gần nhất, rõ nhất những chiếc máy bay từ xa mở màn trình diễn phun nước cùng một lúc (diễn tập như đang phun thuốc sâu). Kế đó là 6 chiếc máy gieo sạ, vừa sạ cụm, vừa sạ kết hợp vùi phân…; có máy tự động điều khiển do được lắp thiết bị định vị hành trình… Ông Hậu chăm chú dõi theo, rồi thi thoảng nói với ông bạn xã viên Nguyễn Văn Thiết ngồi cạnh, trầm trồ, bình phẩm, và so sánh đồng đất Vị Thủy tốt hơn, kém hơn điểm gì so với chân ruộng của Phụng Hiệp quê mình…

Khu ruộng trình diễn những công nghệ mới nhất sẽ được ứng dụng trong sản xuất lúa gạo tới đây của nông dân ĐBSCL rộng chừng 1ha, nằm ngay cửa ngõ thành phố Vị Thanh do vợ chồng anh Nguyễn Văn Em và chị Út Tảo làm chủ.

Khu ruộng phẳng phiu, đẹp đẽ của anh Nguyễn Văn Em (ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy) - nơi diễn ra cuộc trình diễn cơ giới hóa nông nghiệp.

Khu ruộng phẳng phiu, đẹp đẽ của anh Nguyễn Văn Em (ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy) - nơi diễn ra cuộc trình diễn cơ giới hóa nông nghiệp.

Ở vùng trọng điểm lúa gạo lớn nhất cả nước, khi sản xuất lúa gạo đã đạt tới trình độ chuyên nghiệp hóa thành một ngành hàng thì cánh đồng nào cũng đẹp đẽ, trù phú như một bức tranh. Những cánh đồng mẫu lớn đều tăm tắp kẻ ô bàn cờ, hệ thống thủy lợi, tưới tiêu đã được định hình theo quy hoạch, đâu ra đấy…, nhưng chân ruộng của anh Em có lẽ là nổi tiếng nhất ở Hậu Giang, được nhắc tới nhiều nhất trong những ngày qua, bởi nó luôn được chọn là nơi trình diễn các hoạt động của các sự kiện lớn liên quan tới lúa gạo, như Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 lần này.

Nằm sát quốc lộ 61C, kế bên là khu đất trống rộng và bằng phẳng – nơi thường diễn ra các hoạt động, sự kiện lớn của tỉnh Hậu Giang, khu ruộng trình diễn cơ giới hóa nông nghiệp, máy bay không người lái, gieo sạ… tại Festival lúa gạo lần này có diện tích khoảng 1ha, thuộc địa giới hành chính huyện Vị Thủy nhưng lại là cửa ngõ thành phố trẻ Vị Thanh. Có lẽ bởi lý do đó nên ruộng của vợ chồng anh Em – chị Út bao giờ cũng là lựa chọn ưu tiên, bởi đây không phải lần đầu tiên các hoạt động trình diễn máy móc cơ giới hóa trong nông nghiệp được tổ chức ở Hậu Giang.

Trước một ngày khi diễn ra sự kiện, trên chính thửa ruộng của mình, anh Nguyễn Văn Em cùng cậu con trai hối hả hoàn tất công tác chuẩn bị cuối cùng. Anh điều khiển chiếc máy làm đất cỡ nhỏ, chạy tới chạy lui để là mặt ruộng cho phẳng. Ngày mai, sẽ trình diễn gieo sạ bằng máy và phun thuốc bằng máy bay không người lái trên thửa ruộng này. Trên bờ, chị Út Tảo (vợ anh Em) cũng chạy tới chạy lui mang nước cho chồng.

Nông dân Nguyễn Văn Em tự tin, làm chủ trên cánh đồng của mình.

Nông dân Nguyễn Văn Em tự tin, làm chủ trên cánh đồng của mình.

Nắng trưa, dù không quá gay gắt, nhưng mặt anh Em vẫn đỏ gay. Người nông dân sinh năm 1968 người nhỏ nhưng rắn đanh cần mẫn làm công việc của mình, không để ý những gì đang diễn ra xung quanh. Chà xong một khoảnh, anh lại phải tấp máy vào gần bờ vì người trong Ban tổ chức kêu có công chuyện… “Một thửa ruộng này, sức tôi làm một mạch chừng 2 giờ đồng hồ là xong. Bữa nay chân ruộng vẫn nhiều nước, nên có chậm hơn”, anh Em nói ngắn trong lúc đón bình nước từ chị Út Tảo đưa cho.

Để xử lý vấn đề nước ruộng, anh khéo léo điều khiển máy bừa tạo ra một đường thoát nhỏ trên chính mặt ruộng, để nước có đường rút theo. Bên mép ruộng gần đường, một con mương nhỏ tự tạo đã thành hình, nhờ đó mà nước có đường rút, theo nhau dồn xuống.

Bên kia đường, một chiếc máy bơm đang sình sịch chạy, đẩy nước xuống con kênh kế bên. Mặt ruộng se dần, hiện rõ mỗi lúc, bằng phẳng, loang loáng do nắng phản chiếu. Đất đã nhuyễn tới mức bùn non sánh quện, dẻo như hồ, mỗi lần bước đi, chiếc ủng dưới chân của anh Em như bị dính keo, phải dứt khoát mới nhấc chân lên được.

Cơn gió hiếm hoi lướt qua đưa vào mùi bùn non ngai ngái, vẫn còn mùi phù sa châu thổ. Rãnh nhỏ rút nước về từ mặt ruộng mang theo những tôm, cá nhỏ bị sặc bùn, đám tép đồng uốn cong người, bật lách chách. Chừng gần một giờ, anh Em đã hoàn thành xong khu ruộng gieo sạ, tươm tất, phẳng phiu như một bác thợ nề khéo tay vừa là phẳng chiếc sân láng xi-măng…

Ở tột cùng Tây Bắc có thửa ruộng bậc thang hình trái tim của anh Sín Văn Tinh (xã Bản Phùng, huyện Xín Mần) khiến bao người trầm trồ, nếu tới Hà Giang nhất định phải ghé thăm. Còn ở Hậu Giang có khu ruộng diện tích 1ha nằm ngay cửa ngõ thành phố Vị Thanh của anh nông dân Nguyễn Văn Em làm chủ luôn được chọn để làm nơi trình diễn nông nghiệp. Đây có lẽ là những thửa ruộng nổi tiếng, và nhiều may mắn nhất, bởi nó luôn được chọn để khởi đầu cho điều mới mẻ!

Những nông dân trên “cánh đồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao”

Chị Út Tảo, vợ anh Nguyễn Văn Em, tên thật là Lê Thị Tảo (SN 1971), là thứ 8 trong gia đình có 13 anh em, trong đó có 8 người con gái. Chồng chị, anh Em là con trai út. Anh chị người cùng huyện, khác xã, lấy chồng, theo chồng, cái tên “Út Tảo” của chị có từ khi đó. Năm 1990, cô gái Hậu Giang xinh đẹp 20 tuổi Lê Thị Tảo về làm dâu đất Vị Trung, vẫn tiếp tục gắn bó với đồng ruộng, cây lúa.

Chị Lê Thị Tảo (Út Tảo) - vợ anh Nguyễn Văn Em.

Chị Lê Thị Tảo (Út Tảo) - vợ anh Nguyễn Văn Em.

“Khi chưa lấy chồng, ở nhà với cha mẹ, vẫn làm ruộng, cấy lúa. Lấy chồng, vẫn cấy lúa, làm ruộng, nhưng làm ruộng thời nay khác với làm ruộng thời ông bà, cha mẹ”, chị Út Tảo thủng thẳng kể chuyện với tôi ngay tại đầu bờ, mắt vẫn không ngừng dõi theo chiếc máy làm đất mà chồng mình - anh Nguyễn Văn Em đang điều khiển điêu luyện như đang làm xiếc. “Ổng kỹ tính lắm, làm đất thật nhuyễn, chừng nào phẳng phiu, thẳng thớm mới thôi. Cái máy cày ổng chạy tới chạy lui hoài là vậy đó”, chị Út Tảo cười hiền.

Thời con gái, có lẽ chị Út Tảo là cô gái nhan sắc. Nét duyên dáng, mặn mòi ấy vẫn còn nguyên vẹn trên gương mặt trái xoan bây giờ đã bầu bĩnh, làn da trắng ửng hồng vì nắng. “Mình cũng vậy thôi hà. Má ngày trước, thời con gái cũng đẹp, có lẽ con gái được thừa hưởng từ má vậy đó”, chị Út thực thà.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm mô hình máy cơ giới hóa nông nghiệp tại buổi trình diễn sáng 12/12.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm mô hình máy cơ giới hóa nông nghiệp tại buổi trình diễn sáng 12/12.

Ở ĐBSCL, việc đồng áng nặng nhọc thường do người đàn ông trong gia đình đảm nhiệm. Nhưng, chị Út Tảo thì khác. Chị cùng chồng chia sẻ những nặng nhọc, lo toan, trải qua từ giai đoạn làm ruộng bằng tay, cày bừa, cuốc đất, gặt lúa, đập lúa bằng bồ, sau này là máy tuốt đạp chân, tiếp tục cơ giới hóa là máy tuốt kéo dọc các xóm ấp…Đến nay, cơ giới hóa đã tận đầu bờ, người nông dân xứ Ngàn, cả mùa vụ có khi không bước chân xuống đồng. “Cánh đồng không dấu chân người” là khái niệm mới có vài năm trở lại đây, nhưng chắc chắn nó sẽ tồn tại mãi…

 

Hôm trình diễn cơ giới hóa khu ruộng nhà anh Em, chị Út Tảo, tôi tìm mãi anh chị để chụp một tấm hình, nhưng không được. Đông người quá. Rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đến tham dự Festival đều vây quanh khu ruộng của vợ chồng chị, ngắm nhìn công nghệ hiện đại tung hoành trên trời, dưới đất, và tất thảy người nông dân ĐBSCL đều đứng trên bờ - trừ những người phải có mặt trên máy gieo sạ để trình diễn. Dù không nói được tiếng Việt, nhưng những cử chỉ, sắc thái biểu lộ… của họ, có thể hiểu đó đều là những trầm trồ, thán phục.

 

Các chuyên gia châu Phi tới Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm canh tác lúa gạo, để mang về áp dụng tại quốc gia mình, xử lý những vấn đề mà ngành nông nghiệp của họ còn đang đi tìm phương án giải quyết. Nói như Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines – TS. Leocadio Sebastian tại Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo sáng 13/12: “10 năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế nông nghiệp, và các quốc gia đang tới Việt Nam để học hỏi và được chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành hàng lúa gạo, cùng chung tay, liên kết để thực hiện những cam kết quốc tế về giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu… trong sản xuất nông nghiệp”.

Người dân tới xem trình diễn cơ giới hóa nông nghiệp trên ruộng lúa của vợ chồng anh Nguyễn Văn Em.

Người dân tới xem trình diễn cơ giới hóa nông nghiệp trên ruộng lúa của vợ chồng anh Nguyễn Văn Em.

Bạn bè quốc tế thới tham dự buổi trình diễn và phát động triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Bạn bè quốc tế thới tham dự buổi trình diễn và phát động triển khai thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải đã được Chính phủ thông qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chính thức phát động, bạn bè quốc tế cùng chứng kiến và có những cam kết chung tay hỗ trợ, đồng hành… Điều đó đồng nghĩa với việc, người nông dân ĐBSCL, người nông dân Việt Nam, nền nông nghiệp Việt Nam, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn phát triển mới, với những trọng trách lớn hơn, không chỉ là lĩnh vực làm kinh tế.

Những người nông dân như ông Bùi Thiện Nghệ, Nguyễn Văn Em, chị Út Tảo, Phạm Văn Triệu - người tham gia trồng 10.000 chậu lúa cho Festival vừa qua, cùng hàng triệu nông dân ĐBSCL - đang là những người chung tay làm nên vùng lúa 1 triệu ha…

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.