| Hotline: 0983.970.780

Giật mình muôn kiểu biển hiệu kinh doanh

Thứ Hai 25/04/2022 , 06:40 (GMT+7)

Hàng chục năm nay, chuyện biển hiệu nhà hàng trên đường phố Hà Nội vẫn còn ngổn ngang lắm nỗi. Nhiều cửa hàng bất cần đó là biển hiệu hay quảng cáo.

Biển hiệu chen chúc trên đường phố Thủ đô.

Biển hiệu chen chúc trên đường phố Thủ đô.

Trăm hoa đua nở

Nhớ một thời ngập tràn biển hiệu to đùng quảng bá dòng chữ đại loại như: “A! Thịt chó đây rồi!”, “Ối Giời ơi rẻ quá”, “Muỗi”, “Béo”… Nhiều cửa hàng bất cần đó là biển hiệu hay quảng cáo. Tùy hứng cao giọng. Cửa nhà mình viết gì mà chả được, miễn sao bán được hàng. Dẹp mãi trò loạn chữ này thì nay lại lắm chiêu trò khác. Chết cười!

Một thời nhà hàng nào cũng khuếch trương biển hiệu kếch xù. Thật là oai với thiên hạ. Thành phố đưa ra chuẩn mực về kích thước nhưng vẫn có cửa hàng nhấp nhô để phát huy cái sung sướng của mình.

Cách đây chưa lâu, một đường phố kiểu mẫu (Lê Trọng Tấn) đưa ra mô hình một biển mẫu với hai màu xanh hoặc đỏ. Nhiều nhà hàng bị gò theo mẫu mới. Làm xong mọi người mới kêu toáng lên xấu quá. Nhà nào cũng như nhà nào bảng hiệu và chữ nghĩa nhỏ không phân biệt được sự khác biệt. Mà nguyên tắc kinh doanh luôn là sự khác biệt. Hơn nữa bảng hiệu còn là biểu tượng cho thương hiệu. Tất cả cứ chằn chặn giống nhau còn ra thể thống nữa. Thế là mọi người phản đối ầm ầm. Giải quyết sao đây?

Trong khi đó hàng trăm phố xá, hàng ngàn ngõ xóm khắp mọi nẻo đường làng, họ vẫn treo biển thoải mái, tùy thích. Quả vậy nạn kích thước biển hiệu nhà hàng vẫn tồn đọng sự náo loạn hình thức.

Không ít cửa hàng lách luật bằng cách tăng diện tích biển hiệu khá cơ động. Nhiều cửa hàng xuất hiện biển phụ bằng các chất liệu khác nhau như sắt, vải, hoặc giấy, mặc dù cũng vẫn nội dung giống nhau. Đặc biệt khá nhiều nơi còn thêm biển hiệu đèn treo nhô ra đường phố. Hoặc có nơi còn dựng biển hiệu đèn ngay phía trước cửa hàng trên đường đi lối lại.

Đi dọc các tuyến phố như Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Xã Đàn hay trung tâm phố cổ như Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đường, Phố Huế…, nhiều cửa hàng vẫn vi phạm kích thước. Không những thế chất liệu làm biển hiệu cũng tự do cửa hàng thiết kể mẫu mã. Có những biển hiệu làm bằng vải bị rách nát do mưa nắng nhưng họ vẫn hồn nhiên “Mác kê nô”. Từ đó những rác biển hiệu xuất hiện chình ình trước mắt thiên hạ.

Nhiều cửa hàng còn nhếch nhác với sự lẫn lộn giữa biển hiệu và quảng cáo mặt hàng, nhất là những cửa hàng điện máy hay siêu thị. Họ thường kéo biển hiệu chạy hết chiều dài cửa hàng, rất hoành tráng. Bên cạnh đó là những biển đề phụ chạy chung quanh, trên dưới (nhô cả ra vỉa hè) rao quảng cáo về giảm giá các mặt hàng hoặc tặng thưởng kèm theo…Đúng là hoa cả mắt. Còn những cửa hàng nhỏ hơn, thì cùng một nội dung rao bán hàng, lại có tới năm biển rao vây xung quanh. Như vậy đâu còn là tên của một cửa hàng.

Sự lổn nhổn về kích thước còn kèm theo những tù mù rối loạn về màu sơn biển hiệu và mẫu chữ kẻ vẽ. Đúng là trăm hoa đua nở. Có biển hiệu cao vượt mặt đỏ chói hoặc xanh lét. Lại có biển đen với dòng chữ trắng nom rợn người. Trong một dãy nhà hàng biển hiệu đã nhấp nhô lại còn chật chội thêm về màu sơn đối chọi. Nhiều ông chủ lý luận chọn màu là chọn phong thủy chứ đâu có giỡn. Nhà nước bó tay.

Lại nói đến với quy định khắt khe hai màu sơn biển hiệu trên con phố kiểu mẫu đã bị phản ứng te tua chỉ vì không hợp phong thủy. Mà điều này lại lệ thuộc vào tuổi tác ông chủ. Ờ! Đụng tới tâm linh đâu đùa được. Chính vì lẽ đó sự rối loạn nhất của biển hiệu chính là màu sắc bên cạnh kích thước bị biến báo mở rộng vượt luật một cách khôn khéo.

Sự xô bồ cần dẹp bỏ

Chữ đề trên biển hiệu là điều căn bản nhất lại cũng lắm gai góc. Chữ trên bảng hiệu phải là cái tên cửa hàng. Kích cỡ chữ được quy định theo tỉ lệ diện tích tấm biển. Nhưng khi làm thì các cửa hàng lại theo cách chơi chữ theo mặt hàng hoặc phó mặc cho người thiết kế mỹ thuật. Do vậy con chữ lại rất tùy hứng chứ không theo sự cân đối cần thiết. Có nơi còn tự rút bớt khung biển nhưng con chữ lại phóng đại cao gần bằng bảng hiệu. Họ quan niệm đó là ấn tượng.

Thực ra chữ phải là tên cửa hàng (danh hiệu hay tên ông chủ) gần với thương hiệu khi kèm theo logo. Lẽ hiển nhiên như vậy nhưng không ít nhà còn lẫn với quảng cáo. Thậm chí còn viết nhiều kiểu chữ khác nhau trong cái mớ hỗn độn biển hiệu chỉ để rao bán hàng bún ngan hoặc chữa các loại bệnh. Có nhà hàng làm tấm biển rất to với tiêu đề dài dòng: “Hoàng Vui. Tự đắp. Tự nặn. Tự ve. Tự vuốt”. Chữ tên thì nhỏ xíu so với những chữ còn lại thì to gặp mười lần. Hoặc có cửa hàng có tới bốn biển to bằng nhau (kéo dài ngang mặt tiền cửa hàng) chỉ viết rao những mặt hàng bán như “Trà bí đao”, “Trà rau câu”, “Trà me đá”… Vậy đó chính là quảng cáo chứ không phải là biển hiệu.

Biển hiệu thể hiện văn hóa kinh doanh của xã hội.

Biển hiệu thể hiện văn hóa kinh doanh của xã hội.

Quan niệm sai về chữ tên biển hiệu còn tồn đọng khá phổ biến khi nhiều cửa hàng chỉ dùng toàn chữ nước ngoài. Họ dùng chữ tiếng Anh hay tiếng Pháp cho biển hiệu của mình. Cho dù quy định của thành phố cho phép chữ của biển biệu phải là chữ Việt. Nếu cần chú thích chữ tiếng nước ngoài thì phải nhỏ hơn chữ Việt và ở phía dưới. Nhưng ít nhà làm theo.

Trên các phố như Nguyễn Lương Bằng, Hàng Bông, Hàng Gai, Phan Đình Phùng… có không ít nhà chỉ kẻ biển chữ nước ngoài. Thậm chí có phố liên tục một dãy từ ba tới năm nhà đều dùng biển chữ nước ngoài. Đặc biệt trong đó có những bảng hiệu chình ình giữa phố với những cái tên ngộ nghĩnh và bí hiểm như: “TABALO Hostel” (phố Hàng Đường), hoặc “The 100 Closet” (Quán Sứ), hay “Sex Market” kèm những biển dọc đề “Sexy/ BCS/ Hot” (Tây Sơn). Hỏi ra ba chữ BCS là viết tắt chữ “Bao cao su”. Những biển hiệu chữ nước ngoài và chen lẫn nửa tây nửa ta thực sự là một vấn nạn đáng dẹp bỏ.

Biển hiệu trùng lặp cũng là chuyện kéo dài ở đường phố Hà Nội. Không ít những vụ kiện tụng nhãn hiệu ở thành phố đã xảy ra như tranh chấp thương hiệu “X-Men” và “X X-Men hình” hoặc nhãn hiệu sữa “Trường Sinh”… Nhưng nổi cộm nhất thuộc về biển hiệu Nguyên Ninh (bán bánh cốm) ở 11 phố Hàng Than. Một con phố nhỏ dài chừng ba trăm mét nhưng có tới hàng chục biển hiệu mang tên Nguyên Ninh ở hai đầu phố. Bên cạnh đó nhiều biển hiệu khác biến báo quanh chữ Ninh như “Đăng Ninh”, “An Ninh”, “Công Ninh”…

Đã có những vụ kiện về biển hiệu Nguyên Ninh bởi đây là một thương hiệu có từ thời Pháp và đã được đăng ký bản quyền (năm 1994). Tính đến nay chỉ có cửa hàng bánh cốm Nguyên Ninh ở 11 Hàng Than là nơi duy nhất được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của Cục Sở hữu Công nghiệp. Vậy mà những nhà hàng biển hiệu Nguyên Ninh khác cứ kẻ vẽ hồn nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Đã gần ba mươi năm qua vụ tranh chấp cái tên hiệu Nguyên Ninh vẫn bó tay chịu chết. Oái oăm thay!

Ông bà ta xưa rất trọng chữ Tín và luôn gìn giữ cái tên hiệu của mình trong sạch. Bảng hiệu cửa hàng luôn được coi là nhãn hàng vì thế. Là một danh xưng và biển hiệu luôn là một thương hiệu. Những phố "Hàng" của 36 phố phường xưa luôn được coi trọng bởi tính chuyên nghiệp của nó với những cái tên lừng danh như phở Hàng Đồng, chả cá Lã Vọng, vang Thăng Long, bún chả Sinh Từ... Sự chen lấn xô bồ với cuộc cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến ô nhiễm không khí văn hóa kẻ chợ Thăng Long.

Sau gần ba mươi năm bước vào cơ chế thị trường, nhãn hiệu càng được các đơn vị kinh doanh và các nhà hàng coi trọng. Những quy định của thành phố cần sát với thực tế mới mong lập lại trật tự của sự xô lệch hiện nay.

Chuyện chữ nghĩa hay kích thước và màu sắc của biển hiệu cần được quy định càng chi tiết càng tốt. Những điều đó cần thích hợp với từng cửa hàng hiện nay khá nhỏ lẻ trên các tuyến đường phố. Đặc biệt ngoài thủ tục đăng ký kinh doanh, các tổ chức sản xuất cần xin chứng nhận bản quyền về nhãn hiệu kèm theo Logo của mình. Khi đó mới tránh được sự trùng lặp và kiện tụng trong quá trình hoạt động kinh doanh.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.