| Hotline: 0983.970.780

Giếng trơ đáy, cây cối héo mòn vì hạn hán khốc liệt

Chủ Nhật 23/06/2019 , 10:21 (GMT+7)

Gần 1 tháng nắng nóng đạt kỷ lục trên 43 độ C khiến nguồn nước sản xuất, sinh hoạt của người dân Hà Tĩnh trơ đáy, cây cối héo mòn, ảnh hưởng đến năng suất, thậm chí mất trắng.

Hàng trăm hồ đập dưới mực nước chết

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, tính đến thời điểm này thời gian xuất hiện nắng nóng triên địa bàn đã gần 1 tháng, đặc biệt hơn hai tuần nay nền nhiệt bình quân luôn nằm ở ngưỡng trên 35 độ C, có những ngày nắng đến 40 - 43 độ C, biến Hà Tĩnh thành một “chảo lửa”.

Hàng trăm hồ đập ở các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang... cạn trơ đáy vì hạn hán

Hi hữu lắm một vài địa phương có mưa cục bộ, song lượng mưa không đủ phủ hết mặt đất nên tình trạng hạn hán trở nên hết sức khốc liệt.

Trong tháng 4/2019, đối chiếu dữ liệu lịch sử, ngành khí tượng khẳng định khu vực huyện Hương Khê xảy ra nắng nóng cao nhất trong lịch sử ở Việt Nam, với nhiệt độ lên tới 43,4 độ C. Kể từ thời gian đó đến nay, Hương Khê gần như không có trận mưa nào lớn khiến cho nguồn nước sản xuất tại các hồ đập hầu hết xuống dưới mực nước chết, giếng khơi cạn trơ đáy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Hơn 500ha lúa HT của huyện Hương Khê thiếu nước trầm trọng

Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê, cho hay, nắng hạn gay gắt thời gian qua đã khiến 1.000ha đậu, ngô; 300ha cây ăn quả có múi và 500ha lúa hè thu kém phát triển, thiếu nước nghiêm trọng.

“Nếu nắng nóng còn kéo dài thêm một tuần nữa không chỉ những diện tích trên bị cháy lá mà hàng nghìn ha cây trồng khác cũng sẽ kém phát triển, ảnh hưởng đến năng suất”, ông Vinh lo lắng.

Giám đốc HTX cam khe mây Long Nhâm, xã Hương Đô thở dài: “68ha cam năm nay rất sai quả, kỳ vọng sẽ cho vụ mùa bội thu, nhưng nắng hạn hơn một tháng qua đã gây thiệt hại khoảng 40 - 45% năng suất của vườn cây”.

Người dân Hà Tĩnh lo ngại lúa sẽ cháy hết lá nếu nắng hạn kéo dài khoảng một tuần nữa

Hiện mực nước của hơn 90% hồ đập trên địa bàn Hương Khê đã xuống dưới 40% dung tích thiết kế; so với cùng kỳ năm 2018 có đến 27/68 hồ ở mực nước chết và hàng chục hồ không thể khai thác do mực nước quá thấp. Điển hình là các hồ, đập: Z20, Cây Chanh - xã Hương Thủy; Nước Đỏ - Lộc Yên; đập Phụ - Hương Xuân; đập Nhà Lào - Phú Phong; đập Maka, Òng Đọn…

Ăn nước khe suối thay nước giếng

Không chỉ thiếu nước tưới sản xuất, hơn 40% giếng đào của người dân các xã Hà Linh; Phương Mỹ; Hòa Hải; Hương Lâm, Hương Liên, Hương Thủy… đã cạn trơ đáy, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng hơn một tuần nay.

 
Người dân Hà Tĩnh đang phải đi xin từng can nước về sinh hoạt 

Thời gian vừa qua, xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn phát triển được hàng chục mô hình vườn mẫu trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài, thiếu nước tưới nên hàng loạt cây ăn quả, rau màu các loại tại các vườn mẫu kém phát triển, thậm chí chết khô, ảnh hướng đến phong trào chung toàn xã.

Ông Lê Đình Thông, xóm 9, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê vừa xách can nước đi xin ở nhà hàng xóm về vừa nói: “28 năm sống ở đây chưa bao giờ tôi thấy hạn hán khốc liệt như năm nay. Giếng nhà tôi đã trơ đáy hơn một tuần”.

Theo ông Thông, sau khi giếng đào cạn, ông thuê người về khoan giếng mới nhưng khoan đến 60m vẫn không có nước nên đánh bỏ cuộc, xách can đi xin một số hàng xóm còn nước về để nấu ăn, còn nước tắm, giặt ông phải đi chở ở các sông suối trong vùng.

Chung cảnh ngộ như Hương Khê, người dân xã Sơn Diệm, huyện biên giới Hương Sơn cũng đang phải vật lộn chống chọi với thực trạng thiếu nước sinh hoạt do nắng hạn kéo dài.

Ông Nguyễn Đình Minh, thôn 3 nói: “Theo đánh giá của tôi, năm nay là năm nắng hạn khốc liệt nhất trong vòng 5 năm qua”.

Cây ăn quả đặc sản như bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây thiệt hại nặng về năng suất do thiếu nước.

Mùa hè những năm trước, giếng đào của gia đình ông không bao giờ cạn nước. Tuy nhiên, năm nay dù mạch nước ngầm ở gần sông Ngàn Phố nhưng cũng gần trơ đáy. Nước bơm lên chỉ đủ dùng dè xẻn cho 2 người. Khi con cháu về chơi, thêm người, ông lại phải đi tắm nhờ nhà hàng xóm.

Hiện, một số hộ dân lân cận hộ ông Minh như ông Đoàn, bà Linh… do nước giếng đào cạn kiệt nên đã đầu tư trên dưới 10 triệu đồng để khoan giếng mới, lấy nước sinh hoạt.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng 23/1, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tới đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất