| Hotline: 0983.970.780

Giờ Trái đất 2023: Tắt đèn! Dành trọn vẹn 1 giờ cho Trái đất

Thứ Năm 16/03/2023 , 07:53 (GMT+7)

Chỉ còn 10 ngày nữa là tới Giờ Trái đất, WWF kêu gọi tất cả mọi người tắt đèn và dành một giờ để làm những việc hữu ích cho hành tinh của chúng ta.

Bộ nhận diện thương hiệu mới của Giờ Trái đất. Ảnh: WWF.

Bộ nhận diện thương hiệu mới của Giờ Trái đất. Ảnh: WWF.

Vào lúc 8h30 tối 25/3, giờ địa phương, khi các địa danh nổi tiếng và các gia đình trên toàn thế giới tham gia vào thời khắc tắt đèn mang tính biểu tượng của Giờ Trái đất, chúng ta hãy gác lại những thói quen, vướng bận hàng ngày, suy ngẫm và cân nhắc các khả năng có thể đóng góp để phục hồi ngôi nhà chung Trái đất. Bạn có thể dành thời gian để làm sạch bãi biển, trồng cây, nấu bữa tối với các nguyên liệu bền vững hay cùng bạn bè tham gia sự kiện Giờ Trái đất, bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu đều có thể tham gia vào sứ mệnh này.

Sự ủng hộ của hàng triệu người tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tạo ra một Giờ Trái đất khác biệt, lên tiếng về thảm họa kép mà thế giới đang phải đối mặt: Mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Đồng thời, Giờ Trái đất cũng là lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc bảo vệ và phục hồi sức sống của hành tinh trong thời gian cấp bách hiện nay.

Giờ Trái đất năm nay đến ngay sau khi Hiệp ước Kunming-Montreal được ký kết vào tháng 12 năm 2022. Theo đó, các quốc gia trên toàn thế giới đã cam kết cùng hành động để phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên vào năm 2030.

Bảy năm tiếp theo sẽ đặc biệt quan trọng trong việc giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5°C vào năm 2100. Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng trên 1,5 độ C, hệ sinh thái tự nhiên sẽ bị suy thoái nặng nề và không thể đảo ngược, biến đổi khí hậu sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho hành tinh.

Do đó, Giờ Trái đất, hơn bao giờ hết, cần kêu gọi cộng đồng trên toàn thế giới quan tâm hơn nữa tới những vấn đề của Trái Đất, truyền cảm hứng cho các quốc gia, thành phố, doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân cùng hành động trong 60 phút đoàn kết toàn cầu, ủng hộ và tôn vinh hành tinh của chúng ta.

Là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, Việt Nam đang nỗ lực không ngừng để đổi mới và tái cấu trúc, chuyển hướng sang nền kinh tế tăng trưởng xanh, an ninh năng lượng bền vững, đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Điều này có thể thấy qua việc cụ thể hoá và đề xuất tăng các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do Quốc gia tự Quyết định (NDC) năm 2022.

Giờ Trái đất năm nay kêu gọi người dân, doanh nghiệp, các tổ chức hưởng ứng chương trình thông qua các hành động thiết thực, góp phần cùng chính phủ đạt được mục tiêu trên. Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng năng lượng tái tạo và bền vững là những hành động đặc biệt được chương trình khuyến khích.

Bà Phạm Cẩm Nhung, Quản lý Chương trình Khí hậu và Năng lượng, WWF-Việt Nam chia sẻ: "Giờ Trái đất là thời khắc bạn có thể chung tay hành động vì mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Hãy dành trọn vẹn 1 giờ hành động thiết thực vì ngôi nhà chung của chúng ta, cùng lan tỏa ý thức bảo vệ và phục hồi thiên nhiên để kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn".

Giờ Trái đất là một sáng kiến của WWF, được Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam ủng hộ từ những ngày đầu tiên thực hiện. Chỉ với sáu thành phố tham gia năm đầu tiên năm 2009, tới nay toàn bộ 63 tỉnh thành trên cả nước đã coi ngày Giờ Trái đất là một dịp để thực hiện những hoạt động có ý nghĩa về môi trường.

Để góp phần vào mục tiêu đưa phát thải ròng về “0”, WWF đã thực hiện báo cáo “Tầm nhìn ngành năng lượng Việt Nam - Hướng tới 100% Năng lượng tái tạo vào năm 2050”. Nghiên cứu đề xuất một lộ trình trong đó Việt Nam hướng tới tương lai 100% năng lượng tái tạo. Kỳ vọng, đây sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan trong xây dựng một tương lai năng lượng bền vững.

Về Giờ Trái đất

Giờ Trái đất là một sự kiện quốc tế hằng năm, do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên - WWF sáng lập nhằm kêu gọi mọi người thực hiện các hành động thiết thực bảo vệ môi trường thông qua việc tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong vòng Một Giờ (từ 20h30 đến 21h30 giờ địa phương) ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm.

Bắt nguồn từ một sự kiện tắt đèn mang tính biểu tượng tại thành phố Sydney, Úc năm 2007, Giờ Trái đất đã trở thành một phong trào môi trường có quy mô lớn nhất thế giới. Trong những năm đầu, Giờ Trái đất tập trung vào cuộc khủng hoảng khí hậu nhưng những năm gần đây, chương trình hướng sự chú ý của mọi người vào mất và suy thoái tự nhiên.

Giờ Trái đất nhấn mạnh vai trò của các cá nhân trong việc tạo ra những giải pháp cho các thách thức môi trường cấp bách nhất hành tinh, kêu gọi sức mạnh tập thể của hàng triệu người trên Trái đất để cùng tạo ra một tương lai tích cực.

Năm 2009, Giờ Trái đất được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam bởi WWF, với sự đồng hành của Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chỉ với 6 tỉnh thành tham gia lần đầu tiên, từ 2012 tới nay, Giờ Trái đất đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia của toàn bộ 63 tỉnh thành và hàng triệu cá nhân và doanh nghiệp, tổ chức.

Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ba người đàn ông ở thung lũng trong mơ

Tròn mười năm tôi mới trở lại thung lũng trong mơ ấy, nếu không có Tạ Xuân Anh - cán bộ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Ninh Bình dẫn vào thì đã lạc đường.