Mật độ dày đặc các tài nguyên di truyền
Nơi đây có mật độ dày đặc những công trình lịch sử như làng cổ Đường Lâm, quán Giá, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Mía, đình Tây Đằng… Đặc biệt trong vùng còn có di chỉ Vinh Quang thuộc xã Cát Quế, huyện Hoài Đức được các nhà khảo cổ xác định có niên đại trên dưới 3.000 năm, mang nhiều dấu tích người Việt cổ với những hoạt động nông nghiệp như dệt, làm gốm, đúc đồng, cấy lúa.
Mặc dầu vậy, không mấy người biết đến xứ Đoài còn có một nguồn tài nguyên khác cũng rất giàu có, ít nơi nào sánh kịp, đó là nguồn tài nguyên di truyền thực vật. Chỉ trong vòng bán kính khoảng 15km dọc theo sông Đáy tính từ đập Phùng (huyện Đan Phượng) cho đến hết đất huyện Hoài Đức mà có tới 5 nguồn gen quý được vinh dự điểm danh vào nguồn gen cây trồng đặc sản quốc gia gồm: Cam Canh (thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức), bưởi Diễn (thuộc xã Phú Diễn, Phú Minh huyện Từ Liêm), hồng Yên Thôn (thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất), quýt Tích Giang (thuộc xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ), nhãn Đại Thành (thuộc xã Đại Thành, huyện Quốc Oai).
Theo kết quả điều tra của Trung tâm Tài nguyên Thực vật trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nguồn gen bưởi ở huyện Hoài Đức nơi lưu vực sông Đáy chảy qua khá phong phú. Đặc biệt tại xã Cát Quế có tới 21 nguồn gen khác nhau, trong có 14 nguồn gen bưởi địa phương (bưởi đường chín sớm có 5 nguồn gen, bưởi đường chín muộn 2 nguồn gen và bưởi chua có 7 nguồn gen). Hầu hết các nguồn gen trên do người dân chọn lọc, lưu giữ và phát triển từ cây trồng bằng hạt ban đầu.
Lý giải cho sự giàu có này, GS.TS Vũ Mạnh Hải - một trong những chuyên gia đầu ngành về cây ăn quả cho rằng lưu vực sông Đáy là nơi giao thoa giữa miền núi, trung du và đồng bằng: “Trong các loài cây ăn quả thì bưởi rất thích hợp ở những vùng ven sông, gần châu thổ vì sinh khối khá lớn, yêu cầu dinh dưỡng cao. Lưu vực sông Đáy là nơi tụ hợp, làm nên sự đa dạng quỹ gen ấy. Hiện người ta mới chỉ khai thác được một số giống nhưng tôi tin rằng trong tương lai, chắc chắn sự đa dạng quỹ gen ấy sẽ còn được khai thác tiếp nữa.
Thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên lưu vực sông Đáy đã hình thành nên nhiều giống bưởi trong đó có những loại rất quý. Tôi đánh giá bưởi đường La Tinh là một giống chất lượng cao nhất nhì ở đây bởi nó có độ brix (ngọt) vào khoảng 13 - 14. Tất nhiên mỗi loài bưởi lại có ưu nhược điểm riêng, như bưởi đường Quế Dương độ brix khoảng 11 nhưng nó lại có ưu điểm về sức sống, sinh trưởng khỏe, khả năng chống chịu úng ngập tốt hơn. Chúng đều được coi là đặc sản của địa phương.
Hiện nay bưởi Diễn đã tràn ra nhiều vùng sinh thái vì khả năng thích ứng rộng, vậy những loại bưởi đường khác chỉ có cách cạnh tranh bằng thời vụ và khả năng chống chịu. Dù sao, bưởi Diễn có yêu cầu canh tác khắt khe hơn mới có thể phát huy hết những đặc tính tốt của nó, còn các loại bưởi khác khá thì dễ tính hơn. Huyện Hoài Đức cùng với Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đưa hai giống bưởi đường La Tinh và bưởi đường Quế Dương vào làm chỉ dẫn địa lý chung là bưởi đường Hoài Đức là điều rất nên, rất xứng đáng”.
Bưởi đường Hoài Đức gồm 2 nguồn gen chín sớm là Quế Dương và chín muộn là La Tinh nên có tính rải vụ, đều có giá trị cao, bảo quản lâu nên thời gian có sản phẩm gần như quanh năm.
Thứ quả để 1 năm không hỏng
Lời GS.TS Vũ Mạnh Hải làm cho tôi nhớ lại mươi quả bưởi đường La Tinh mà ông Nguyễn Ngọc Giàng người làng La Tinh xã Đông La huyện Hoài Đức tặng tôi vào cuối tháng 3 năm nay. Tôi ăn 7 - 8 quả gì đó rồi bỏ quên luôn chúng ở nơi xó nhà, đến tận tháng 5 mới tìm thấy. Vỏ quả lúc này đã héo khô, bám sát vào trong cùi nên gọt rất khó, sợ dao lẹm vào nên tôi cứ thế mà dùng tay bóc như bóc cam.
Kỳ lạ thay múi bưởi bên trong vẫn mềm, mọng. Giữa tiết hè oi ả, được thưởng thức những múi bưởi cắn vào cứ ngọt lừ ấy cảm giác mới sảng khoái làm sao. Đây có lẽ là giống bưởi quả bảo quản được lâu nhất trong các loại bưởi của Việt Nam chăng?
Chẳng thế mà ông Văn Công Nhượng - Chủ nhiệm Hợp tác xã Đông La đã làm một thử nghiệm là bôi vôi vào cuống bưởi rồi bọc túi ni lông, để xuống gậm giường, bảo quản được từ tháng 11/2010 sang tháng 11/2011, không bị héo mấy đã đành mà bổ ra ăn vẫn ngon, ngọt. Còn dân dã hơn, xưa các cụ trong làng toàn lấy những cái chum sành to, lót lá chuối khô bên dưới rồi đặt bưởi La Tinh vào, bịt kín lại để chúng không bị “toát mồ hôi” thì bảo quản được 5 - 7 tháng.
Khi để lâu như thế, hạt của bưởi đường La Tinh không bị mọc mầm trong quả như bưởi Diễn nên chẳng ảnh hưởng gì đến chất lượng bên trong. Đây có thể nói là điểm đặc biệt quý của giống đặc sản này.
Cây bưởi La Tinh càng vươn thẳng lên trời cao thì lưng người trồng bưởi càng cong vít xuống đất. Có những cây bưởi còn có tuổi thọ cao hơn cả tuổi chủ nhân. Như vườn nhà ông Nguyễn Ngọc Giàng cây nào cây nấy đều đã 50 tuổi cả rồi nhưng đến vụ vẫn cho quả rất đều, ăn đặc biệt ngon. Hay cây bưởi đã 80 năm tuổi của nhà ông Bá Vũ vẫn dâng đời những chùm quả ngọt như một sự lạ kỳ, trốn quy luật của tạo hóa.
Còn về mặt giá cả thì bưởi La Tinh luôn ổn định và cao hơn các giống bưởi khác, kể cả khi thị trường xuống dốc, tưởng như bão hòa. Năm 2021, lúc giá một số loại bưởi ngọt xuống tới 10.000 đồng/quả thì bưởi La Tinh bán tại vườn vẫn giá từ 25.000 - 35.000 đồng/quả, thậm chí loại 1 còn được bán với giá 40.000 đồng/quả. Nếu trồng và chăm sóc tốt thì từ năm thứ 7 trở đi, giống đặc sản này có thể cho thu nhập từ 400 - 500 triệu/ha/năm.
Bưởi La Tinh ra hoa vào đầu tháng 2 đến đầu tháng 3, chín vào cuối tháng 11 đến tháng 12, sớm hơn 1 tháng so với bưởi Diễn và bưởi Hiệp Hòa, muộn hơn 2 - 3 tháng so với bưởi Phúc Trạch. Điều này làm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm và giúp rải vụ tốt trong cơ cấu trồng bưởi của địa phương.
Tôi chưa được may mắn thưởng thức bưởi Quế Dương bởi tìm đến khi mùa thu hoạch đã qua từ lâu nhưng vẫn nhớ rõ hình ảnh bà giáo già Đỗ Thị Thu hơn 80 tuổi ở đội 9 xã Yên Sở bước đi nhỏ bé như thế nào dưới tán những cây bưởi Quế Dương khổng lồ hơn 50 năm tuổi. Dưới đất cánh hoa rụng dày như trải thảm, cả bầu trời ngan ngát hương đưa. Chỉ vài cây bưởi Quế Dương tán đã xòe ra đủ che kín 1 sào Bắc Bộ, gốc của chúng bám đầy rêu xanh và địa y trông kỳ quái như một loại thực vật từ thời khủng long còn tồn tại đến ngày nay.
Những cây bưởi này là một món quà của người bạn ở Quế Dương tặng, được đích thân bà trồng từ năm 1967. Trải qua bao năm tháng chiến tranh bom đạn tơi bời, rồi thời bao cấp đói khổ, thời đổi mới đầy biến động, giờ đây chúng vẫn cho quả đều đặn, cây nhiều cho thu hoạch 900 quả/năm, còn các cây khác trung bình cũng 500 - 700 quả.
Bà giáo già chăm bưởi như chăm con, kỳ công ủ phân gà, bột đậu tương, bột ngô nghiền thay vì bón phân hóa học nên vụ nào quả cũng ngon, ngọt, được người ta đến tận vườn xin mua buôn luôn. Với 8 sào vườn trong đó có 10 cây bưởi Quế Dương mỗi vụ bà bán được khoảng 70 triệu, số còn lại hơn 100 gốc bưởi Diễn bán được 240 - 250 triệu, trừ tiền thuê đất, phân, tổng lãi được gần 300 triệu.
Các đặc điểm quý của bưởi Quế Dương có thể kể ra là quả to, mọng nước, chín sớm, ngọt thanh, ăn nhiều không chán, mùi thơm, thời gian bảo quản lâu. Thấy được tiềm năng đó, thời gian qua, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã sát cánh cùng với Hoài Đức để xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nó cũng như tập huấn, làm các mô hình VietGAP, hữu cơ, lập mã số vùng trồng theo chuẩn OTAS phục vụ cho nội tiêu và xuất khẩu… Để hiểu được ngọn nguồn về giống bưởi đặc sản này, TS Nguyễn Khắc Quỳnh ở Trung tâm Tài nguyên Thực vật rủ tôi về ngay chính làng anh, nơi phát sinh ra loại quả mà anh tự hào ví rằng đẹp như ánh trăng đêm hôm rằm.