Cty Advanta Việt Nam vừa phối hợp với Trạm KN- KN U Minh Thượng (Kiên Giang) tổ chức hội thảo đánh giá giống lúa lai F1 PAC 807 sản xuất trên nền đất lúa tôm (một vụ tôm, một vụ lúa). Qua thực tế sản suất cho thấy, giống lúa này có tính thích nghi tốt, cho năng suất cao hơn hẳn so với giống lúa mùa địa phương.
PAC 807 là giống lúa lai ba dòng có nguồn gốc từ Ấn Độ. Đặc điểm của PAC 807 là ngắn ngày (85-90 ngày), thấp cây (85-95 cm), đẻ nhánh khỏe, kháng rầy nâu, đạo ôn tốt, bông to (đạt 160-170 hạt chắc/bông), hạt gạo dài, không bạc bụng, cơm mềm, dẻo, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Giống lúa này được Cty Advanta đưa vào Việt Nam từ năm 2005, chính thức thương mại hóa vào năm 2007 và được nông dân trồng nhiều trên nền đất lúa tôm khu vực ven biển vùng ĐBSCL.
Ông Huỳnh Thanh Tâm, ở Kênh Lô 2, ấp Cạn Ngọn A, xã Thạnh Yên (U Minh Thượng, Kiên Giang) vừa thu hoạch xong 8 ha gieo sạ giống PAC 807 phấn khởi cho biết: “Năm ngoái tôi được đại lý bán giống mời đi tham quan mô hình sản xuất giống lúa PAC 807, thấy hiệu quả cao nên năm nay tôi mạnh dạn đầu tư làm 8/10 ha đất nhà. Qua quá trình canh tác, tôi thấy giống có ưu điểm là nẩy mầm mạnh, đẻ nhánh rất khỏe, lượng giống sử dụng chỉ 4-5 kg/công, trong khi lúa thuần phải gieo sạ lượng giống 18-20 kg/công. Do là nền đất nuôi tôm, dinh dưỡng tích tụ trong đất nhiều nên vụ vừa qua tôi chỉ sạ 27 kg phân bón/công (17 kg DAP, 7 kg kali, 3 kg urê) mà lúa vẫn sinh trưởng tốt".
"Thế mà trong suốt mùa vụ không gặp sâu bệnh gì, chỉ phun 2 lần thuốc dưỡng cho lúa sáng chắc hạt vào thời gian trổ, chín. Năng suất lúa đạt 1 tấn/công, bán lúa tươi tại ruộng giá 5.000 đồng/kg, cao hơn các giống lúa thường 200-300 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí còn lãi trên 3 triệu đồng/công. Năm sau tôi sẽ đầu tư làm toàn bộ diện tích giống lúa này”, ong Huỳnh Thanh Tâm phấn khởi.
Nhờ có ưu điểm ngắn ngày mà một số nông dân vùng U Minh Thượng đã canh tác được 2 vụ lúa, 1 vụ tôm/năm bằng giống lúa này. Anh Huỳnh Thanh Hận, người đã tham gia làm thử nghiệm mô hình này cho biết: “Do năm nay mưa sớm nên đầu tháng 6 tôi đã rửa mặn xong và gieo sạ giống PAC 807, sau 85 ngày là cho thu hoạch, năng suất đạt gần 1 tấn/công. Thấy để ruộng không chờ cho đến tháng 2 năm sau mới có nước mặn nuôi tôm nên tôi quyết định kêu máy vào cày xới, đầu tư làm thêm vụ lúa nữa. Hiện nay lúa đã đỏ đuôi, khoảng 10 ngày nữa là cho thu hoạch, năng suất ước cũng đạt tương tương với vụ đầu”.
Theo anh Hận, do làm liên tục 2 vụ gần nhau nên vụ sau chi phí nhiều hơn, chủ yếu là công làm đất để cày trục rơm rạ và lượng phân bón tăng gấp đôi. Sau thành công này, nhiều bà con trong xóm đang dự định thành lập tổ liên kết sản suất, làm trạm bơm tát tập thể để thực hiện theo mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ tôm/năm nhằm tăng thêm thu nhập.
Ông Mai Thanh Lâm, Phó trạm KN- KN U Minh Thượng cho biết, toàn huyện có 16.000 ha đất lúa, trong đó có 5.000 ha sản xuất theo mô hình lúa tôm. Do đây là vùng đất bị nhiễm phèn, mặn rất cao nên việc canh tác lúa gặp nhiều khó khăn. Trước đây, nông dân chủ yếu cấy lúa mùa, năng suất tối đa chỉ đạt 4-4,5 tấn/ha. Những năm gần đây, nông dân bắt đầu chuyển sang làm lúa lai, cho năng suất rất cao, đạt 6-7 tấn/ha, trong đó có giống lúa lai PAC 807 của Cty Advanta. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị sản xuất, cung ứng giống lúa lai làm thêm các điểm trình diễn nhằm giúp bà con nông dân nắm vững kỹ thuật, sản xuất lúa lai đạt hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Cty Advanta Việt Nam cho biết, PAC 807 là giống lúa ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh tốt nên có khả năng thích nghi ở những vùng canh tác lúa gặp nhiều khó khăn. Biến đổi khí hậu đang làm cho tình hình xâm nhập mặn và nắng hạn diễn ra ngày càng sớm và gay gắt hơn, việc đưa các giống lúa ngắn ngày vào sản xuất sẽ giúp nông dân tránh được thiệt hại vào cuối vụ.