| Hotline: 0983.970.780

Giống lúa Q5 và Hưng Long 555 trĩu hạt trên đồng đất Khánh Hòa

Thứ Sáu 26/08/2022 , 14:42 (GMT+7)

Nông dân tỉnh Khánh Hòa rất ưng ý hai giống lúa Q5, Hưng Long 555 trĩu hạt, cho năng suất vượt trội so với giống sản xuất đại trà ở địa phương.

Giống lúa Q5, Hưng Long 555 chinh phục nông dân

Vụ hè thu năm nay, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Bình Định phối hợp Trạm Trồng trọt và BVTV Ninh Hòa (Khánh Hòa) tổ chức mô hình trình diễn các giống lúa mới Q5, TĐ25, Hưng Long 555, BQ trên cánh đồng ở thôn Phú Hòa, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa.

Ruộng lúa trình diễn giống Q5 tại xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Ruộng lúa trình diễn giống Q5 tại xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Theo đó, mô hình trình diễn với tổng diện tích 2ha, mỗi giống lúa bố trí sản xuất 5.000 m2. Nông dân triển khai gieo sạ từ ngày 27/5, với mật độ 6-7 kg/sào (sào 500m2) giảm lượng giống hơn nửa so với tập quán canh tác của bà con. Các giống lúa được Công ty phân bón Biffa hỗ trợ vật tư, kỹ thuật chăm sóc theo quy trình. Cụ thể trước khi gieo sạ nông dân bón lót 500 kg/ha đối với phân hữu cơ viên nở.

Sau sạ 7-10 ngày bón thúc đợt 1 khoảng 140kg/ha và sau sạ 18-22 ngày bón thúc lần 2 khoảng 160kg/ha loại phân NPK lúa 1 20-15-7+TE. Đến 38-42 ngày bón đòng 160 kg/ha loại phân NPK lúa 2 18-4-20+TE. Tuy nhiên lượng bón có thể tăng giảm 10% cho cùng loại phân bón khi quan sát tình hình sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Theo bà Trần Thị Kim Thắng, đại diện Trạm Trồng trọt và BVTV Ninh Hòa, mặc dù vụ hè thu thời tiết biến đổi thất thường, đầu vụ nắng nóng, cuối vụ mưa liên tục kéo dài, song các giống lúa trình diễn vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, chưa thấy nhiễm rầy nâu hay bệnh khô vằn.

Ông Nguyễn Nhân cho biết, giống lúa Q5 có thể thay giống lúa đại trà ở địa phương sản xuất nhiều năm đã thoái hóa. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Nhân cho biết, giống lúa Q5 có thể thay giống lúa đại trà ở địa phương sản xuất nhiều năm đã thoái hóa. Ảnh: KS.

Tham quan các giống lúa trình diễn đã chín, sắp thu hoạch, đông đảo bà con nông dân trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đánh giá, ưu điểm các giống lúa đều cứng cây, ít sâu bệnh, năng suất cao. Tuy nhiên bà con ứng ý nhất hai giống lúa Q5, Hưng Long 555 trĩu hạt, cho năng suất vượt trội so với giống sản xuất đại trà ở địa phương.

Ông Nguyễn Nhân, nông dân trực tiếp sản xuất giống lúa Q5 ở thôn Phú Hòa cho biết, để sản xuất giống lúa này, ông được hướng dẫn chăm sóc theo đúng quy trình. Nhờ vậy đến nay lúa chín đẹp, chưa thấy sâu bệnh gì đáng kể, gia đình ông cũng giảm được vài lần phun thuốc BVTV so với cách làm lâu nay. Hơn nữa, vụ này các giống lúa sản xuất đại trà bị đổ ngã nhưng giống Q5 vẫn đứng cây, gié dài, hạt nhiều. Các nông dân tham quan ruộng lúa đều đón năng suất dao động từ 70-80 tạ/ha.

“Tôi cũng như bà con thấy giống lúa Q5 loại hạt tròn này đã ưng rồi. Giống này phù hợp nhu cầu của thị trường làm bún bánh. Nông dân có thể dùng giống lúa này để thay thế giống lúa sản xuất đại trà của địa phương đã làm nhiều năm bị thoái hóa”, ông Nhân nói và cho biết thêm, riêng gia đình ông sẽ làm giống lúa Q5 ở các vụ tiếp theo.

Ruộng lúa sản xuất giống lúa Hưng Long 555. Ảnh: KS.

Ruộng lúa sản xuất giống lúa Hưng Long 555. Ảnh: KS.

Còn ông Trần Hòa, nông dân trực tiếp sản xuất giống lúa Hưng Long 555 đánh giá, giống lúa này đẻ nhánh rất khỏe, cứng cây, bộ lá đòng xanh tốt, kể cả lá tầng thẳng đứng không bị rũ. Vì vậy khả năng giống lúa này chống chịu sâu bệnh hại cao, thực tế sản xuất cũng chưa thấy bị nấm, lem lép hạt, sâu đụt thân như giống đối chứng sản xuất đại trà. Về năng suất, giống lúa Hưng Long 555 chắc chắn cao hơn nhiều so với giống lúa sản xuất đại trà.

Ông Đặng Văn Nhuận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa cho biết, sau khi tham quan các mô hình, ông đánh giá giống lúa Q5, Hưng Long 555 làm rất đạt, có khả năng thích ứng vùng đất địa phương. Do vậy, sắp tới ông sẽ phổ biến bà con trong xã chuyển đổi, chứ việc sử dụng giống lúa sản xuất lâu năm của địa phương đã bị thoái hóa, hiệu quả mang lại không cao.

Cần cuộc cách mạng giống lúa

Ông Lương Tuyển, Giám đốc Hợp tác nông nghiệp 2 Ninh Quang cho biết, các giống lúa trình diễn đều cho năng suất cao hơn hẳn giống lúa sản xuất đại trà địa phương. Điều này cho thấy trong sản xuất lúa, giống có vai rất quan trọng, tuy nhiên lâu nay đa số bà con chưa thật sự quan tâm. Nông dân vẫn dùng giống lúa thịt, gieo sạ với mật độ dày lên đến 15kg/sào khiến năng suất, chất lượng không cao, ảnh hưởng đến thu nhập.

Các giống lúa mới trình diễn tại xã Ninh Quang đều cho năng suất cao, ít sâu bệnh hại. Ảnh: KS.

Các giống lúa mới trình diễn tại xã Ninh Quang đều cho năng suất cao, ít sâu bệnh hại. Ảnh: KS.

Vì vậy, qua trình diễn các giống lúa mới này, ông mong rằng nông dân cần thay đổi tập quán sản xuất. Cũng như đề xuất Công ty Cổ phần Giống cây trồng Bình Định tiếp tục trình diễn các giống lúa ở vụ Đông Xuân tới, để nông dân có cái nhìn bao quát hơn rồi nhân rộng sản xuất đại trà.

Đồng ý đề xuất của ông Tuyển, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Giống cây trồng Bình Định cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục làm mô hình để khẳng định độ tin cậy các giống lúa. Tuy nhiên nếu các Hợp tác xã mong muốn liên kết chuỗi, công ty sẵn sàng bao tiêu sản phẩm đầu ra khi bố trí diện tích sản xuất từ 40-50 ha. Với giá thu mua sản phẩm sẽ cao hơn 100-300 đồng/kg so với giống lúa bà con sản xuất đại trà.

Nông dân đánh giá giống lúa Hưng Long 555 có thể sản xuất phù hợp với địa phương. Ảnh: KS.

Nông dân đánh giá giống lúa Hưng Long 555 có thể sản xuất phù hợp với địa phương. Ảnh: KS.

Liên quan vấn đề này, ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa cho biết, các Hợp tác xã phải đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi và cần cuộc cách mạng thay đổi các giống lúa sản xuất lâu năm bị thoái hóa. Đặc biệt, nông dân không nên dùng lúa thịt gieo sạ mà phải sử dùng lúa giống xác nhận để sản xuất. Cùng với đó giảm lượng giống gieo sạ để tiết kiệm chi phí đầu vào, hạn chế dịch bệnh, tăng lợi nhuận canh tác lúa.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Giống cây trồng Bình Định: "Giống lúa Hưng Long 555 được Công ty Cổ phần Giống Nông nghiệp Quốc tế lai tạo từ năm 2013, và đã được khảo nghiệm trong mạng lưới Quốc gia từ vụ xuân 2017. Đây là giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt. Thời gian sinh trưởng trong vụ Đông Xuân từ 105-110 ngày, còn hè thu 95-100 ngày. Giống lúa này để nhánh khỏe vì vậy khuyến cáo nông dân chỉ nên gieo sạ từ 5-6 kg/sào (sào 500m2) nhưng năng suất ổn định. Trong điều kiện sản xuất bình thường, giống lúa Hưng Long 555 đạt trên 8 tấn/ha ở vụ Đông Xuân và trên 7 tấn/ha ở vụ Hè thu. Gạo ăn có vị ngọt, mềm, hạt rất sáng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Còn giống lúa Q5 thời gian sinh trưởng như giống lúa Hưng Long 555. Đây là giống lúa hạt to tròn phục vụ cầu làm bún bánh, đảm bảo năng suất ổn định từ 65 - 70 tạ/ha (vụ hè thu) và 75 - 80 tạ/ha vụ Đông Xuân; thâm canh đạt trên 80 tạ/ha...

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.