| Hotline: 0983.970.780

Giống nho NH01-152 và NH02-97 chính thức được phép phát triển sản xuất tại Ninh Thuận

Thứ Năm 05/01/2023 , 09:47 (GMT+7)

Giống nho NH01-152 và NH02-97 chính thức được phép phát triển sản xuất tại Ninh Thuận đã đánh dấu bước tiến mới trong công tác nghiên cứu các giống nho mới của Viện Nha Hố.

Mới đây, hai giống nho NH01-152 và NH02-97 đã được Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (Viện Nha Hố) hoàn thành thủ tục tự công bố lưu hành theo hướng dẫn tại Nghị định 94/2019-NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác đã chính thức được phép phát triển sản xuất tại Ninh Thuận.

Giống NH01-152 đã được công nhận sản xuất thử từ năm 2019 tại Quyết định số 110/QĐ-TT-CCN ngày 19/4/2019 của Cục Trồng trọt. Đây là giống nho ăn tươi có nhiều ưu điểm vượt trội như: quả to, trọng lượng chùm dao động từ 500 - 800gram, vỏ quả dày, thịt chắc, giòn, độ ngọt vừa phải. Vị thơm nhẹ rất đặc trưng, khi chín trái có màu đỏ vang rất đẹp.

Giống nho NH01-152 của Viện Nha Hố có chất lượng rất cao, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng/ha mỗi năm. Ảnh: Phan Công Kiên.

Giống nho NH01-152 của Viện Nha Hố có chất lượng rất cao, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng/ha mỗi năm. Ảnh: Phan Công Kiên.

Giống có phổ thích ứng khá rộng, thời tiết nắng nóng nhưng cây vẫn đậu quả, tỷ lệ đậu quả cao, khả năng kháng sâu bệnh khá tốt. Tùy theo chế độ canh tác, giống nho mới này cho năng suất bình quân 12 - 16 tấn/ha/vụ; trong điều kiện thâm canh đạt 18 - 20 tấn/ha/vụ, sản xuất được 2 vụ/năm.

Theo đánh giá, chất lượng quả của giống nho NH01-152 tương đương với sản phẩm nho cùng loại từ nước ngoài nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Sản phẩm hiện được các thương lái thu mua tại vườn với giá dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, cao gấp 3 - 4 lần so với giống nho đỏ Cardinal và cao gấp 2 - 3 lần so với nho xanh NH01-48.

Giống NH02-97 của Viện Nha Hố mới được công nhận sản xuất chính thức tại Ninh Thuận. Ảnh: Phan Công Kiên.

Giống NH02-97 của Viện Nha Hố mới được công nhận sản xuất chính thức tại Ninh Thuận. Ảnh: Phan Công Kiên.

Còn NH02-97 là giống nho chế biến rượu. Giống có khả năng sinh trưởng phát triển khỏe và thích nghi rộng, khả năng chống chịu khá với điều kiện bất thuận của ngoại cảnh; chống chịu tốt với sâu bệnh hại. Quả nho khi chín có màu tím đen, chùm quả nặng trung bình từ 190 - 220gram/chùm, khối lượng quả trung bình từ 1,5 - 1,9gram/quả, vỏ quả dày, độ Brix từ 17 đến 20% (tùy mùa vụ và điều kiện canh tác); có mùi vị thơm ngon, màu sắc đẹp, thích hợp để chế biến rượu vang đỏ.

Tiềm năng năng suất cao, trung bình đạt 12 - 15 tấn/ha/vụ; trong điều kiện thâm canh đạt 18 - 22 tấn/ha/vụ. Quả nho giống NH02-97 sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào của các nhà máy chế biến rượu vang đỏ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng rượu vang trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của rượu vang sản xuất trong nước so với sản phẩm rượu vang nhập nội.

TS Phan Công Kiên đi kiểm tra vườn nho. Ảnh: N.H.

TS Phan Công Kiên đi kiểm tra vườn nho. Ảnh: N.H.

Hai giống nho NH01-152 và NH02-97 chính thức được phép phát triển sản xuất tại Ninh Thuận đã đánh dấu bước tiến mới trong công tác nghiên cứu các giống nho mới của Viện Nha Hố. Đây là một trong những thành tựu quan trọng khẳng định đinh hướng rõ ràng trong chiến lược chọn tạo các giống cây trồng nói chung và giống nho nói riêng của Viện Nha Hố nhằm góp phần phát triển các sản phẩm cây trồng đặc thù của tỉnh Ninh Thuận.

Trong thời gian đến, công tác nghiên cứu lai tạo và tuyển chọn các giống nho mới có năng suất, chất lượng và chống chịu với các điều kiện bất lợi của ngoại cảnh sẽ được Viện Nha Hố tiếp tục triển khai và thực hiện.

(Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông & PTNT Nha Hố)

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.