| Hotline: 0983.970.780

Người tiên phong mang hạt giống nho thân gỗ ươm mầm đất cù lao Tân Lộc

Thứ Tư 14/09/2022 , 14:06 (GMT+7)

Thầy giáo xứ cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, người tiên phong đưa giống nho thân gỗ phát triển trên vùng đất này, thu bền hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.

Thu bền nửa tỷ đồng mỗi năm

Cách TP Cần Thơ hơn 40km và mất tầm 5 phút đi đò “vượt” sông Hậu, chúng tôi đã có mặt trên vùng đất cù lao Tân Lộc. Đây là một địa điểm du lịch sinh thái khá nổi tiếng được du khách gần xa tìm đến khi ghé thăm Cần Thơ. Với điểm nhấn là các vườn dừa, vườn cây cổ hay những khu vườn bạt ngàn mận An Phước. Đặc biệt, là vườn nho thân gỗ Thầy Thống của thầy giáo Huỳnh Công Thống ở khu vực Tân An, phường Tân Lộc.

Sequence-01.00_20_59_20.Still006

Vùng đất cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ bao quanh bởi bạt ngàn vườn cây ăn trái. Ảnh: Kim Anh.

Với niềm đam mê nông nghiệp từ thời tiểu học, ông Thống đã bắt đầu tập ghép cành cho một số loại cây ăn trái trong gia đình. Sau này, ông manh nha suy nghĩ nghiên cứu cây thân gỗ. Vào khoảng năm 2010, với 200 hạt giống nho đầu tiên chuyển về từ Mexico, ông tiến hành phân ly, lai tạo, gây đột biến trở thành giống nho thân gỗ đang được nhiều người biết đến hiện nay.

Trên diện tích 5.000 mét vuông vườn cây ăn trái, trước đây ông Thống phát triển kinh tế vườn bằng việc trồng cam, quýt và táo. Sau đó, trồng xen nho thân gỗ, dần dần thấy nho phát triển tốt và mang lại thu nhập khá, ông mạnh dạn chặt hết các loại cây trồng khác để tập trung phát triển nho thân gỗ. Đồng thời, ông đã nghiên cứu ra nhiều hình thức phát triển từ làm cây giống, cây kiểng, bán trái tươi, thậm chí là các sản phẩm nước ép chiết xuất từ quả nho.

Ảnh 1

Cây nho thân gỗ đang trong thời điểm cho trái. Ảnh: Kim Anh.

Với giá thành hiện nay, mức giá cây giống dao động từ 50.000 – 2.000.000 đồng/cây giống (tùy thuộc vào độ tuổi của cây). Còn đối với nho tươi cung cấp ra thị trường cũng vào mức 200.000 đồng/kg. Riêng với sản phẩm nước ép nho thân gỗ, siro nho được ông chiết xuất với mức giá 100.000 đồng/chai 450ml.

Các sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận vào tháng 7/2022. Chia sẻ về kế hoạch phát triển giống nho thân gỗ, ông Thống còn cho biết đang thực hiện hồ sơ để đăng ký sản phẩm nước ép nho thân gỗ lên men.

Ảnh 3

Sản phẩm nho thân gõ lên men đang trong giai đoạn thử nghiệm để đăng ký nhãn hiệu trong thời gian tới. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài tập trung phát triển giống nho thân gỗ, ông Thống đã mở điểm du lịch sinh thái kết hợp làm vườn hữu cơ, vừa làm tăng giá trị sản phẩm làm ra, vừa góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tính bình quân thu nhập mỗi năm ông thu về khoảng 500 triệu đồng, riêng thời điểm trước dịch Covid-19, lợi nhuận thu được lên đến 700 triệu đồng.

Điểm nghiên cứu học tập cho học sinh, sinh viên

Nho thân gỗ vốn là loại cây độc, lạ, những tưởng sẽ khó trồng và yêu cầu kỹ thuật cao, nhưng qua chia sẻ của ông Thống thì loại cây này có khả năng thích nghi với nhiều vùng đất. 

Ảnh 2

Thầy giáo Huỳnh Công Thống người tiên phong mang giống nho thân gỗ từ Mexico về ươm tạo trên vùng đất xứ cù lao Tân Lộc. Ảnh: Kim Anh.

Nói về cách chăm sóc cũng như duy trì năng suất, chất lượng của quả nho, ông Thống cho rằng đây là loại cây “ưa” phân hữu cơ. Thực tế kinh nghiệm sau nhiều năm phát triển giống nho này, ông Thống phân tích, thời điểm trước khi bắt đầu trồng nho thân gỗ, ông chủ yếu sử dụng phân bón hóa học. Thế nhưng năng suất và chất lượng quả nho sau mỗi vụ lại dần thấp đi.

 “Nho nếu sử dụng phân hóa học chất lượng trái không cao, thịt mềm, lạt. Ngược lại, nếu cây được chăm sóc bằng nguồn phân bón hữu cơ, thịt nho cứng hơn. Hơn nữa, phân hữu cơ giúp cho cây nho có độ bền, cho năng suất và chất lượng quả nho cao hơn trong mùa sau. Tôi mang sản phẩm nước ép từ quả nho đi kiểm nghiệm thì hàm lượng dinh dưỡng lại cao hơn so với sử dụng phân hóa học”, ông Thống chia sẻ.

Từ lí do trên cộng với việc nắm bắt thị trường và xu thế của xã hội cần trái cây sạch, theo hướng hữu cơ. Ông Thống đã quyết định chuyển đổi, cải tạo lại đất và cây trồng bằng việc thay thế 100% nguồn phân bón hữu cơ, lấy từ nguồn rơm rạ hoai mục để đắp gốc cho cây.

Hiện tại, vườn nho đang có khoảng 500 cây cho trái và hơn 10.000 cây con hoặc sắp cho trái. Có cả những cây nho thân gỗ trái lạ như nho trái đỏ, cây lá vàng cẩm thạch.

Ảnh 4

Cây sầu riêng có tuổi đời lên đến 100 năm trong khu vườn của ông Huỳnh Công Thống. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài ra, vườn nhà ông Thống hiện đang lưu giữ rất nhiều cây lâu năm, quý và hiếm gặp như cây ngọc am, thủy tùng, đàn hương, cây bocoat của Brazil, trầm hương, cẩm lai, kim giao, đặc biệt là cây sầu riêng có tuổi đời lên đến khoảng 100 năm. Việc lưu trữ và bảo tồn các loại cây quý hiếm này nhằm mục đích phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập cho các em học sinh THPT trên địa bàn cũng như sinh viên Trường Đại học Cần Thơ.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.