| Hotline: 0983.970.780

Nông dân trông chờ giống sắn mới

Thứ Hai 11/11/2024 , 08:00 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Sau hơn 20 năm sản xuất, giống sắn KM94 tại Quảng Bình đã 'xuống cấp', giảm sâu về năng suất nên bà con nông dân đang khao khát một giống mới…

Ông Đoàn Ngọc Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho hay, toàn xã có diện tích trồng sắn nguyên liệu gần 500ha, giống sắn chủ lực là KM94. “Trước đây năng suất từ 35 - 40 tấn/ha nhưng đến nay năng suất chỉ khoảng 16 - 22 tấn/ha. Đặc biệt giống sắn này thường xuyên bị bệnh khảm lá dẫn đến năng suất giảm sâu. Bà con nông dân đang hi vọng vào những giống sắn mới để thay thế. Tuy nhiên, điều này đang gặp nhiều khó khăn” - ông Nhân nói.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Quảng Bình và huyện Bố Trạch kiểm tra tình hình bệnh khảm lá sắn tại vùng sắn nguyên liệu giống KM94 tại Bố Trạch. Ảnh: T. Đức.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Quảng Bình và huyện Bố Trạch kiểm tra tình hình bệnh khảm lá sắn tại vùng sắn nguyên liệu giống KM94 tại Bố Trạch. Ảnh: T. Đức.

Hầu hết diện tích bị bệnh khảm lá…

Hàng năm, nông dân tỉnh Quảng Bình trồng trên dưới 7.000ha sắn nguyện liệu. Phần lớn diện tích sắn nằm tại các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Tuyên Hóa… với giống sắn chủ lực là KM94. Huyện Bố Trạch là địa phương có diện tích trồng sắn nguyên liệu lớn nhất với khoảng 4.500ha.

Những năm gần đây, vùng săn nguyên liệu thường bị bệnh khảm lá dẫn đến cây kém phát triển, năng suất thấp nên bà con rất lo lắng. Ông Nguyễn Văn Hải (xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch) có hơn 2ha trồng sắn cho hay, gia đình đã trồng sắn nguyên liệu bán cho các nhà máy chế biến hơn 20 năm nay. Ban đầu, giống sắn KM94 cho năng suất cao nhất trên 40 tấn/ha. Tuy nhiên qua hàng năm, năng suất cứ giảm dần.

Vài năm gần đây, cây sắn bị bệnh khảm lá nên năng suất không còn cho người trồng có lãi. “Ban đầu, cơ quan chức năng khuyến cáo bà con nhổ bỏ diện tích sắn bị bệnh để hạn chế lây lan. Nhưng sau này, toàn bộ diện tích đều bị bệnh sau khi trồng được khoảng 1 - 2 tháng nên bà con đành để vậy mà chăm sóc chứ không thể nhổ bỏ toàn bộ được. Đến nay thì người trồng sắn cứ phập phù theo tỷ lệ nhiễm bệnh trên nương sắn thôi” - ông Hải nói giọng buồn.

Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Mân (xã Tây Trạch, Bố Trạch) luôn có nguồn thu nhập khá ổn định nhờ trồng sắn nguyên liệu bán cho nhà máy Sông Dinh. Gia đình bà trồng hơn 3ha sắn, giống KM94, có năm được mùa thu lãi gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên mấy năm gần đây, diện tích sắn bị bệnh khảm lá cứ tăng dần. Ban đầu chỉ vài sào, sau lan rộng gần hết cả diện tích.

“Năm nay, sau khi trồng được 3 tháng thì cây sắn bị bệnh. Cả 3ha đều bị bệnh. Gia đình cũng không biết làm sao nên đành để lại cố chăm sóc để hi vọng có sản lượng. Nhưng rồi cũng chẳng được bao nhiêu. Vất vả cả năm trời mà hơn 3ha sắn nguyên liệu chỉ được khoảng 30 triệu đồng. Không biết nên đưa cây gì vào thay thế chứ trồng sắn như vậy thất bát lắm” - bà Mân nói.

Hầu hết diện tích sắn nguyên liệu của Quảng Bình đều bị nhiễm bệnh khảm lá làm năng suất giảm mạnh. Ảnh: T. Đức.

Hầu hết diện tích sắn nguyên liệu của Quảng Bình đều bị nhiễm bệnh khảm lá làm năng suất giảm mạnh. Ảnh: T. Đức.

Là địa phương có diện tích trồng sắn nguyên liệu đứng đầu tỉnh, huyện Bố Trạch đang tìm mọi giải pháp để cây sắn trở lại vị trí cây trồng chủ lực cho thu nhập cao ở vùng đồi phía tây. Ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch cho biết, diện tích trồng sắn nguyên liệu của huyện được ổn định khoảng 4.500ha với giống chủ lực được cơ cấu là KM94.

Những năm gần đây, sắn KM94 bị bệnh khảm lá ngay từ đầu vụ và chiếm đến 80% tổng diện tích. “Do bị bệnh nên năng suất giảm khoảng 30%, thậm chí có những nơi năng suất giảm trên 50%. Vì vậy người trồng sắn bắt đầu tính chuyện giảm diện tích để đưa cây trồng khác vào thay thế” - ông Long cho biết.

Xã Nam Trạch cũng là địa phương có diện tích sắn nguyên liệu lớn của huyện Bố Trạch. Ông Đoàn Ngọc Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, cơ bản diện tích sắn của bà con đã bị bệnh nhiều năm nay. Có vụ bà con mua giống hom sắn từ các tỉnh xa về trồng nhưng cũng không tránh khỏi bị bệnh khảm lá.

“Do năng suất sắn giảm hơn một nửa so với trước đây nên bà con rất trông chờ vào các nhà khoa học để có thêm giống sắn mới kháng được bệnh, có năng suất cao nhằm thay thế dần giống sắn KM94 đã không còn mang lại hiệu quả kinh tế” - ông Nhân nói.

Giống mới kháng bệnh nhưng quá đắt đỏ

Hai niên vụ sắn gần đây, huyện Bố Trạch đã đưa 2 giống sắn mới là HN1, HN5 làm mô hình khảo nghiệm trên vùng đất đồi tại 2 xã Tây Trạch và Phú Định với tổng diện tích khoảng 40ha.

Theo ông Lê Văn Linh, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bố Trạch (phụ trách mô hình), qua 2 năm, diện tích giống sắn mới tăng lên được 40ha. “Nếu tính cứ mỗi ha sắn giống mới bà con để cây lại làm giống thì triển khai được khoảng 8ha trồng mới. Nếu thay thế hết diện tích sắn nguyên liệu của huyện thì cũng phải mất từ 5 - 7 năm sau nữa. Hiện tại, giống hom sắn mới có giá khoảng 27 triệu đồng mỗi ha, trong khi giống KM94 chỉ khoảng 2 triệu đồng. Nếu không có chính sách hỗ trợ thì nông dân khó có thể mua được giống mới về thay thế vì giá đắt” - ông Linh cho hay.

Ông Nguyễn Ngọc Tư (thôn Võ Thuận, xã Tây Trạch) tham gia mô hình trồng giống sắn HN1 và HN5 trên diện tích 1ha vùng đồi cho biết các giống sắn mới này kháng được bệnh khảm lá, chống chịu hạn và cho năng suất khoảng 35 - 40 tấn/ha tùy theo từng vùng đất và kỹ thuật thâm canh. “Điều đáng mừng là các ruộng sắn giống mới của gia đình trồng xen với ruộng giống KM94 nhưng vẫn không bị lây nhiễm bệnh khảm lá và cho năng suất cao” - ông Tư chia sẻ.

Mô hình giống sắn HN1, HN5 ở huyện Bố Trạch kháng được bệnh khảm lá và cho năng suất cao là hi vọng của nông dân. Ảnh: T. Đức.

Mô hình giống sắn HN1, HN5 ở huyện Bố Trạch kháng được bệnh khảm lá và cho năng suất cao là hi vọng của nông dân. Ảnh: T. Đức.

Dù có giống mới với nhiều ưu thế nhưng huyện Bố Trạch vẫn tiếp tục xác định giống KM94 là giống chủ lực trong những vụ tới. Ông Nguyễn Văn Lợi (xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch) bộc bạch rằng, ngoài việc giá giống sắn mới quá cao khiến bà con khó mua về thay thế thì ưu điểm của KM94 vẫn là tính chống chịu, hàm lượng tinh bột cao nên nhiều nhà máy thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Cũng theo người trồng sắn tại các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa…, mặc dù giá sắn có giảm nhưng so với các cây hoa màu khác thì cây sắn dễ trồng, ít công chăm sóc và dễ tiêu thụ. Một số địa phương đã phát triển thêm thêm nghề nuôi tằm ăn lá sắn, góp phần tăng thu nhập và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho hay, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo và đề nghị các địa phương vùng sắn nguyên chủ động tìm nguồn giống sạch bệnh khảm lá ở các tỉnh lân cận để cung ứng cho người dân do nguồn giống sắn trên địa bàn không đạt yêu cầu để lấy giống cho niên vụ tiếp theo.

“Chúng tôi cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đưa các giống sắn đã được xác định có khả năng kháng bệnh khảm lá như HN1, HN5 về trồng thử nghiệm diện hẹp trên địa bàn. Qua đó đánh giá, xác định giống phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, làm cơ sở để thay dần các giống đang bị nhiễm bệnh khảm lá trong thời gian tới” - ông Hiệp nói.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Bình, năm 2024, toàn tỉnh trồng được hơn 7.300ha sắn nguyên liệu với giống chủ lực KM94. Hiện các địa phương đã thu hoạch được khoảng 5.000ha, năng suất bình quân dự ước đạt 16,5 tấn/ha, thấp hơn so với niên vụ sắn năm ngoái.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.