| Hotline: 0983.970.780

Giữ bằng được diện tích rừng hiện có

Thứ Tư 18/03/2015 , 09:13 (GMT+7)

Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang.

Nội dung buổi làm việc về công tác bảo vệ, phát triển rừng; phòng, chống cháy rừng mùa khô hạn; tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và chương trình MTQG trồng rừng ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) tổ chức sáng 17/3, tại TP Rạch Giá.

Báo cáo với đoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang Trương Thanh Hào cho biết, mới đầu mùa khô nhưng nhiều diện tích rừng thuộc VQG Phú Quốc, rừng phòng hộ và rừng SX tại vùng Tứ giác Long Xuyên (huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành) đang ở cấo báo cháy cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm.

Nhiều nơi nếu xảy ra cháy không còn nguồn nước để chữa cháy, dễ lan ra diện rộng và sẽ gây tổn thất lớn. Các diện tích còn lại như VQG U Minh Thượng, rừng khu vực huyện An Biên, An Minh hiện cấp cháy đang ở cấp III, cấp IV. Tuy nhiên, với tình hình nắng hạn như hiện nay thì cấp cháy và diện tích có nguy cơ cháy sẽ tăng lên rất nhanh.

Theo ông Hào, toàn tỉnh đang có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 86.294 ha, chiếm 13,6% diện tích tự nhiên của tỉnh, gồm 3 loại rừng: đặc dụng (38.673 ha), phòng hộ (34.364 ha), còn lại là rừng sản xuất.

Toàn bộ diện tích đất rừng của tỉnh đã được cấp có thẩm quyền giao cho các chủ thể quản lý gồm: 2 VQG, 4 ban quản lý, 1 lâm trường, các trang trại, hợp tác xã, hộ dân nhận khoán và cho thuê dịch vụ môi trường rừng.

Tuy nhiên, do đời sống của người dân ven rừng còn nhiều khó khăn, lao động chủ yếu phụ thuộc vào rừng như: khai thác lâm đặc sản, phá rừng trái pháp luật, săn bắt động vật hoang dã, phá rừng nuôi tôm… còn diễn ra ở một số nơi.

Về cháy rừng, trong năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 23 vụ cháy, chủ yếu là cháy đồng cỏ, khu vực đất rừng đã được quy hoạch chuyển đổi sang mục đích khác và rừng sản xuất nhưng thiệt hại không đáng kể. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh mới xảy ra 1 vụ cháy rừng tràm phòng hộ (do Sư đoàn 4, Quân khu 9 quản lý) trên diện tích gần 1,6 ha, mức độ thiệt hại khoảng 50%.

Còn về công tác phát triển, bảo vệ rừng, trung bình hằng năm Kiên Giang được Trung ương cấp khoảng 15 tỷ đồng, nguồn vốn này chủ yếu cấp cho 2 VQG nên việc trồng mới rừng phòng hộ rất hạn chế.

Riêng năm 2015, tỉnh được bố trí vốn 59 tỷ đồng để triển khai 3 dự án trồng rừng ứng phó với BĐKH, chủ yếu là gây bồi, tạo bãi (bằng hàng rào mềm) trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển và khôi phục, phát triển rừng ngập mặn ven biển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết thêm, Kiên Giang có diện tích rừng phòng hộ ven biển trải dài hơn 200 km, trong khi kinh phí được cấp hằng năm rất hạn hẹp nên việc chăm sóc, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.

Về rừng trên cạn, tỉnh có 2 VQG là U Minh Thượng và Phú Quốc đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Đặc biệt là tại Phú Quốc nếu để mất rừng thì hòn đảo này sẽ không phát triển được, mà ảnh hưởng dễ thấy nhất là về du lịch.

Về tái cơ cấu ngành, ông Nhịn cho biết, tỉnh sẽ tập trung vào thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao giá trị kinh tế từ rừng. Trong đó, sẽ ưu tiên chuyển đổi từ rừng tràm kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, đặc biệt là trồng rừng nguyên liệu phục vụ chế biến.

Vì hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ván MDF trên địa bàn tỉnh, chuẩn bị đi vào hoạt động, nhu cầu gỗ nguyên liệu sẽ rất lớn. Hiện đơn vị này đã được tỉnh giao 4.700 ha đất rừng để phát triển vùng nguyên liệu, tuy nhiên cả về trước mắt cũng như lâu dài vẫn phải liên kết với các hộ dân để trồng rừng nguyên liệu.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị tỉnh Kiên Giang triển khai ngay các biện pháp bảo vệ rừng vì tình hình khô hạn đang rất nguy hiểm. Trong đó, cần ưu tiên cho các khu vực trọng điểm như: VQG Phú Quốc, vùng Tứ giác Long Xuyên… phải đảm bảo túc trực 24/24, sẵn sàng về con người, phương tiện để khi có cháy xảy ra thì kịp thời phát hiện, dập tắt sớm, không để xảy ra cháy lớn.

 Trong quy hoạch phát triển rừng, phải giữ bằng được diện tích rừng phòng hộ ven biển hiện có và trồng mới cho đủ diện tích được giao. Đồng thời triển khai sớm và có hiệu quả các biện pháp trồng rừng ứng phó với BĐKH, nhất là đối với các dự án đã được ghi vốn.

Về rừng sản xuất, tập trung phát triển ở vùng đệm VQG U Minh Thượng nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy khi đi vào hoạt động, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Khi trồng rừng nguyên liệu, cần chú ý đến chất lượng cây giống để đạt hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn trồng keo lai nên chọn giống nuôi cấy mô thay cho giống hom vì năng suất cao hơn nhiều trong khi chi phí đầu tư giống cao hơn không đáng kể.

Xem thêm
Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm