| Hotline: 0983.970.780

Giữ lửa then giữa rừng Việt Bắc

Thứ Năm 04/03/2010 , 10:12 (GMT+7)

Người Tày bản Tinh tự hào bởi lời then, tính tẩu của họ đã được truyền nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, vượt ngọn đèo Bình Văn hùng vĩ, hoà quyện trong ngút ngàn của dãy núi Thắm Làng trùng điệp.

Người Tày bản Tinh (xã Yên Hân, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) tự hào bởi lời then, tính tẩu của họ đã được truyền nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, vượt ngọn đèo Bình Văn hùng vĩ, hoà quyện trong ngút ngàn của dãy núi Thắm Làng trùng điệp.

Mới được thành lập hơn một năm nhưng CLB hát then bản Tinh đã thu hút trên 30 người tham gia. Ông Ma Văn Vịnh - Chủ nhiệm CLB cho biết, kể từ khi hát then không còn bị coi là mê tín dị đoan mà được công nhận như một môn nghệ thuật dân gian độc đáo cần gìn giữ, phát huy như một di quý của dân tộc thì những người tâm huyết với hát then ở bản đã tập hợp nhau lại lập nên CLB này.

Vốn là thầy giáo vừa dạy học, vừa làm công tác quản lý nên ông Vịnh được các nghệ nhân, thành viên CLB tín nhiệm giao cho trọng trách “ông chủ nhiệm”. Ông chủ nhiệm có nhiệm vụ cùng các nghệ nhân sưu tầm những bài then cổ, những vật dụng được sử dụng trong các nghi lễ then và tuyên truyền, tập hợp những người trong bản yêu then, đến với then. Ông Vịnh không biết hát then vì gia đình không phải “dòng then” và không có khiếu nên đến giờ cũng chỉ thuộc đôi ba làn điệu. Nhưng ông lại có sự say mê đặc biệt với cây đàn tính tẩu và những thanh âm kỳ diệu của nó. Sự say mê, đắm đuối ấy của ông thể hiện qua giọng kể say sưa về huyền thoại tính tẩu với những vần thơ ông ngâm nga ngợi ca cây đàn - linh hồn của các làn điệu hát then. Tiếng đàn ngân nga, dìu dặt, đưa tâm hồn cả người già, người trẻ, con gái, con trai vào trạng thái bồng bềnh, chơi vơi, mơ màng, huyền ảo. Khi đàn đã cất lên thì không mắt nào nhắm nổi, không tai nào có thể làm ngơ:

"Dây vải hay dây tơ! Tiếng đàn tính lọt vào tai vào ruột/ Tiếng vang lên ngọn núi cao cao vút/ Vượn trố mắt nhìn trượt chân ngã, quên con/ Chim trong tổ bay ra ngơ ngác/ Ve đậu trên cành hoa im tiếng/ Trai gái đi, hát cười vang bỗng dừng/ Bảo nhau im lặng, bảo nhau nghe/ Có bùa chăng! Dây tính hỡi say mê/ Mười hai vía trong người tôi tỉnh dậy!"

Với vai trò chủ nhiệm CLB hát then bản Tinh, ông Vịnh là người có công gìn giữ nhiều bài then Tày cổ. Hiện nay, kho tư liệu Then của ông đã có hơn 100 bài. Trong đó có những bài quý hiếm của lễ Lẩu then (lễ cấp sắc của nhà then), then Đệ cộ. Ông đã sưu tầm được 36 kiểu hát then, một số bài có thể hát theo nhiều kiểu. Ông Vịnh còn là một nghệ nhân làm đàn nổi tiếng. Trong hai năm gần đây, ông đã làm trên 200 cây đàn tính, sản phẩm làm ra không đủ bán.

Lão nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền (84 tuổi) được coi là thầy then (bậc 4) có chức sắc cao nhất ở bản Tinh. Theo ông Quyền, xuất xứ nguồn gốc của then là từ tín ngưỡng của đồng bào về một thế giới thần bí, nơi đó có những nhân vật và sức mạnh diệu kỳ như: Bụt, Giàng, Then. Chỉ có Bà Then, Ông Then mới có đủ bản lĩnh và khả năng đến được thế giới đó. Khi các Bà Then, Ông Then này dâng lên Mường Trời những sản vật của con người thì họ hát. Chính lời bài hát then, hoà trong nhịp đàn tính dìu dặt, cùng tiếng xóc lúc khoan nhịp, lúc dồn dập sẽ đưa Bà Then, Ông Then đến với Mường Trời để cầu xin các vị thần linh cứu giúp con người.

Hát then, đàn tính không chỉ phục vụ đời sống tâm linh mà còn là nhu cầu văn hoá tinh thần của dân bản. Ông Quyền đặc biệt đề cao làn điệu lẩu then (then cấp sắc). Đó là loại hình hát then độc đáo nhất của then cổ, là nghi lễ truyền nghề, duy trì nghệ thuật hát then từ đời này đến đời khác. Lẩu then (lẩu pụt) là nghi lễ tín ngưỡng được nhà then tổ chức mang lễ vật đến Ngọc Hoàng theo thông lễ hàng năm hoặc xin thăng chức. Đây là loại hình then tổng hợp mang đầy đủ các yếu tố thơ, ca, múa, nhạc và trang trí. Quá trình làm lễ đi tiến cống diễn ra trong khoảng 5000 câu thơ, đó là trường ca mang đậm chất trữ tình, thần thoại và chứa đầy sự tích dân gian.

Ông Huỳnh Vĩnh Ái (Thứ trưởng Bộ Văn hoá – TT & DL): "Hát then, đàn tính là loại hình nghệ thuật độc đáo của các dân tộc Tày, Nùng, Thái và một số dân tộc khác, góp phần làm nên tính đa dạng trong văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, luôn gắn liền với đời sống xã hội của đồng bào từ bao đời nay, là sự kết hợp vẻ đẹp con người với thiên nhiên, giữa giá trị nghệ thuật sâu sắc với yếu tố tinh thần và tâm linh, bày tỏ khát vọng về cuộc sống bình yên, khát vọng vươn tới ấm no, hạnh phúc”.

Bản Tinh có gần trăm nóc nhà sàn. CLB hát then bản Tinh quy định, mỗi tuần, các thành viên CLB phải tập hập để luyện tập một lần. CLB tập luyện thu hút cả bản đến thưởng thức, cổ vũ. Nghệ nhân Ma Văn Sâm cho biết, thật đáng quý, lớp trẻ trong bản bây giờ vẫn rất mê hát then. Chính vì vậy mà bản còn giữ được những cây đàn then, ấn, lệnh bài, mũ then... có niên đại hàng trăm năm. Những vật dụng này không chỉ có ý nghĩa to lớn về tâm linh trong việc làm then mà còn là minh chứng sống động cho lớp cháu con biết gìn giữ và trân trọng loại hình nghệ thuật độc đáo của ông cha mình, dân tộc mình.

Người bản Tinh thường nhắc nhau “đàn tính 3 năm, kéo nhị 3 ngày” (nghe một lần kéo nhị thì chỉ nhớ 3 ngày còn nghe một lần đàn tính thì nhớ đến 3 năm); "Ké quá tàng nghìn tiểng lượt then. Mừa lườn táng piến pền báo ón..." (trạm dịch là: Già qua đường nghe tiếng lượn, then. Về nhà như biến thành trai trẻ...". Với sự tôn vinh đó, nghệ nhân Ma Văn Tạch (72 tuổi) say xưa rằng, then vĩ đại lắm, có tác dụng lớn lao như một cán bộ chính trị điều hoà đời sống tinh thần của nhân dân. Vậy nên, những người làm Then được dân bản tin yêu và trân trọng lắm.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai dự án chống ngập TP.HCM về đích

Ngày 27/4, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, UBND thành phố Thủ Đức tổ chức khánh thành 2 dự án chống ngập sau nhiều năm chật vật thi công.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm