| Hotline: 0983.970.780

Giữ rừng di sản

Chủ Nhật 26/12/2021 , 16:00 (GMT+7)

Lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng…

Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) với nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo vệ nguyên vẹn đa dạng sinh học và những giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên Thế giới.

Ông Phạm Văn Tân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN - KB) cho biết, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ hơn 123.300 ha rừng đặc dụng và hơn 3.000 ha rừng phòng hộ, trải dài trên nhiều địa bàn thuộc huyện Bố Trạch, huyện Minh Hóa.

Với địa hình núi đá vôi phức tạp, hiểm trở, bao quanh là các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường độc đạo với nhiều hướng xâm nhập. Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ, kiểm tra, kiểm soát rừng gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng kiểm lâm VQG PN - KB thường xuyên tổ chức tuần tra bảo vệ rừng trong mùa nắng nóng. Ảnh: H.Trà.

Lực lượng kiểm lâm VQG PN - KB thường xuyên tổ chức tuần tra bảo vệ rừng trong mùa nắng nóng. Ảnh: H.Trà.

“Hiện, mỗi cán bộ kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm VQG PN - KB phải bảo vệ khoảng 940 ha rừng nên áp lực và trách nhiệm công việc đặt ra hết sức nặng nề”, ông Tân cho biết.

Dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với trách nhiệm và phương châm “bảo vệ rừng tại gốc”, lực lượng kiểm lâm của Vườn đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi xâm hại rừng.

“Những hành vi xâm nhập rừng để khai thác lâm sản trái phép, bẫy bắt động vật hoang dã trái pháp luật làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, tính đa dạng sinh học đều bị lực lượng phát hiện và xử lý nghiêm”, ông Tân nói.

Những năm gần đây, do biển đổi khí hậu nên mùa khô diễn ra gay gắt hơn. Vì vậy, lực lượng kiểm lâm xác định phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Ngay từ đầu năm, Hạt Kiểm lâm VQG PN - KB đã xây dựng kế hoạch, phương án PCCCR sát với điều kiện, tình hình thực tế của đơn vị. Vào các ngày nắng, lực lượng trực 24/24h để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu.

Các trạm kiểm lâm trực thuộc và các tổ kiểm lâm cơ động kiện toàn lực lượng, chủ động bố trí đầy đủ dụng cụ, phương tiện để kịp thời triển khai các phương án chữa cháy nhằm giảm thiểu những thiệt hại khi có sự cố cháy rừng xảy ra.

Các trạm bảo vệ rừng luôn xác định tọa độ vùng có thể xảy ra cháy để xây dựng kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: H.Trà.

Các trạm bảo vệ rừng luôn xác định tọa độ vùng có thể xảy ra cháy để xây dựng kế hoạch bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: H.Trà.

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý VQG PN - KB cũng cho biết đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương để nắm chặt tình hình diễn biến rừng.

“Chúng tôi chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền về công tác PCCCR bằng nhiều hình thức linh động, cuốn hút đến tận các thôn, bản, hộ gia đình. Tích cực vận động người dân thực hiện tốt phong trào “toàn dân tham gia bảo vệ rừng” cũng như công tác bảo vệ di sản”, ông Phạm Hồng Thái chia sẻ thêm..

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên khi lực lượng kiểm lâm về cơ sở để phối hợp triển khai công tác PCCCR, đều nhận được sự ủng hộ, hợp tác rất tốt ở các địaa phương.

Ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch (Bố Trạch) cho biết, xã có diện tích gần 4.000 ha rừng vùng đệm di sản.

“Xác định giá trị của rừng vùng di sản cần được bảo vệ nghiêm ngặt, nhất là mùa nắng nóng, chúng tôi đã cùng lực lượng kiểm lâm xây dựng các phương án bảo vệ, phòng cháy cụ thể”, ông Vĩnh nói.

Từ kế hoạch, xã Xuân Trạch đã thành lập 7 tổ bảo tồn và 7 tổ bảo vệ rừng thôn, bản. Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền công tác bảo vệ, PCCCR đến từng người dân, thành viên của các tổ còn theo dõi,  giám sát cả việc người dân khi vào rừng trong mùa nắng nóng và nhắc nhở không được mang theo nguồn lửa, phòng tránh xảy ra những việc đáng tiếc.

“Nhờ những việc làm cụ thể, thiết thực nên trong năm 2020, dù có 2 điểm phát lửa nhưng đã được dập tắt kịp thời, không để lại hậu quả. Riêng năm 2021 không để xảy ra vụ cháy rừng nào”, ông Vĩnh cho biết thêm.

Lực lượng kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm VQG PN - KB tạo băng cản lửa để hạn chế cháy rừng trong mùa hanh khô. Ảnh: H.Trà.

Lực lượng kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm VQG PN - KB tạo băng cản lửa để hạn chế cháy rừng trong mùa hanh khô. Ảnh: H.Trà.

Hạt Kiểm lâm VQG PN - KB cũng chỉ đạo 12 trạm và 2 tổ kiểm lâm cơ động, thường xuyên phối hợp với các nhóm bảo tồn thôn, bản để tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng. Qua đó, ngăn chặn các hành vi xâm nhập rừng trái phép, mang theo nguồn lửa vào rừng. Chú trọng các khu vực rừng trọng điểm, có nguy cơ cao nhằm kịp thời phát hiện, dập tắt các điểm lửa, quản lý chặt chẽ nguồn lửa trong mùa khô.

Do địa bàn rộng, nên các trạm kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm VQG PN - KB đều đóng quân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, gặp nhiều khó khăn. 

Ông Phan Thanh Xuân, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa cho hay: “Đơn vị chúng tôi quản lý trên 21.000 ha rừng mà chỉ có 14 người nên phải có gắng hết sức để làm tốt nhiệm vụ”.

Dù được Vườn QG PN - KB quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ, nhưng các trạm và các chốt kiểm tra, kiểm soát bảo vệ rừng vẫn còn tạm bợ, thiếu nước, điện và thông tin liên lạc. Do đó, còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Dù khó khăn, nhưng mỗi cán bộ, nhân viên của Hạt Kiểm lâm đã xác định nhiệm vụ, nỗ lực trong mọi tình huống, tuân thủ các biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR trong mùa nắng nóng.

“Ngoài ra, chúng tôi động viên người dân tham gia trồng rừng, phát triển kinh tế. Đồng thời lồng ghép tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống”, ông Phạm Văn Tân cho biết.

Theo ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý VQG PN - KB thì Vườn không chỉ có rừng mà còn liên quan đến di sản, đến địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học và cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Vì vậy, công tác PCCCR được ưu tiên hàng đầu trong mùa khô và đơn vị triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này để bảo vệ di sản.

“Chúng tôi rất cần nhận được sự đồng thuận, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Đó sẽ là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Di sản thiên nhiên Thế giới VQG PN - KB”, ông Phạm Hồng Thái nói thêm.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.