| Hotline: 0983.970.780

Giữa mùa đông vẫn có thanh long trái vụ, bán 40 - 50 nghìn đồng/kg

Thứ Năm 25/01/2024 , 06:22 (GMT+7)

Nhờ áp dụng kỹ thuật chong đèn, giữa mùa đông, nhà vườn trồng thanh long ở phía Bắc vẫn có thanh long trái vụ bán với giá 30 - 50 nghìn đồng/kg.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa tổ chức tham quan, đánh giá, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm canh tác sản xuất nông nghiệp an toàn, gia tăng nguồn cung sản phẩm chất lượng phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại các mô hình tham gia Dự án "Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn các tỉnh phía Bắc" (Dự án).

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG (thứ 2 từ trái sang) thăm HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm (huyện Gia Bình, Bắc Ninh). Ảnh: Trung Quân.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG (thứ 2 từ trái sang) thăm HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm (huyện Gia Bình, Bắc Ninh). Ảnh: Trung Quân.

Tự tin về chất lượng sản phẩm

Tại Bắc Ninh, đoàn công tác đã tham quan, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức tại mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP của hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm (huyện Gia Bình).

Ông Phan Duy Phượng, Giám đốc HTX cho biết, HTX có gần 300 thành viên nhưng trước đây cách thức sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính nên chất lượng rau luôn thấp, không ổn định. Năm 2023, Dự án đã hỗ trợ HTX thông qua hệ thống khuyến nông về kỹ thuật xử lý đất, ủ phân, canh tác, truy xuất nguồn gốc, marketing, bán hàng tập trung… Nhờ đó, bộ mặt HTX và các thành viên đã “lột xác” hoàn toàn.

Thay vì mạnh ai nấy làm, trước khi vào vụ gieo trồng, HTX họp bàn cùng toàn bộ các thành viên tham gia Dự án, thống nhất áp dụng chung một quy trình canh tác khép kín, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học ngâm ủ từ đỗ tương, tỏi, gừng, riềng… Toàn bộ quá trình sản xuất được ghi chép đầy đủ nhật ký đồng ruộng. Sản phẩm trước khi thu hoạch phải đảm bảo đủ thời gian cách ly thuốc BVTV 40 ngày và các mẫu kiểm tra sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn mới đưa về nhà sơ chế đóng gói, chuyển cho các đơn vị thu mua đưa vào siêu thị, cửa hàng…

“Năm vừa rồi áp dụng kỹ thuật xử lý đất bằng nilon nên tỷ lệ rau nhiễm bệnh giảm hẳn. Sản phẩm từ chỗ loay hoay đi tìm người mua thì hiện tại làm ra tới đâu đều được các đơn vị ký kết hợp đồng thu mua hết tới đó. Dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới HTX sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 200 tấn cam đường canh, 100 tấn cải bắp, 70 - 80 tấn xu hào, 90 tấn súp lơ. Đặc biệt, khi tuân thủ theo các quy trình canh tác an toàn, HTX tự tin, sẵn sàng cam kết và chịu trách nhiệm với các đơn vị thu mua, tiêu thụ về chất lượng sản phẩm do mình cung cấp”, ông Phượng nhấn mạnh.  

Nhờ áp dụng kỹ thuật chong đèn, giữa mùa đông, HTX Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng (thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, Hải Dương) vẫn có thanh long dồi dào để bán với giá rất cao. Ảnh: Trung Quân.

Nhờ áp dụng kỹ thuật chong đèn, giữa mùa đông, HTX Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng (thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng, thị xã Kinh Môn, Hải Dương) vẫn có thanh long dồi dào để bán với giá rất cao. Ảnh: Trung Quân.

Tại Hải Dương, ông Nguyễn Văn Thuấn, Giám đốc HTX Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng, thôn Đại Uyên, xã Bạch Đằng (thị xã Kinh Môn) cũng không giấu được niềm vui khi những kỹ thuật được tập huấn thông qua Dự án đã giúp các thành viên HTX canh tác thành công thanh long trái vụ, gia tăng sản lượng và thu nhập nhờ bán được giá cao.

Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các chuyên gia Dự án, HTX đã áp dụng kỹ thuật dùng bóng đèn chiếu sáng để kích thích thanh long ra hoa, đậu quả trái vụ. Kết quả thu được ngoài mong đợi khi hơn 800m2 thanh long thử nghiệm chong đèn mặc dù gặp thời tiết giá rét vẫn ra hoa, đậu quả bình thường, thậm chí mẫu mã còn được đánh giá đẹp hơn so với sản phẩm chính vụ.

“Trước đây, các hộ chỉ biết dùng thuốc kích thích phân hóa mầm hoa để thanh long ra hoa, đậu quả nhưng khi gặp gió bấc, thời tiết giá lạnh thì hoa rất dễ rụng. Phương pháp chong đèn chi phí không đáng kể vì thời gian thắp sáng chỉ trung bình 5 tiếng/ngày, trong khi kỹ thuật này giúp các hộ tăng thêm 4 đợt thu hoạch trong năm (trước đây 1 năm 7 - 8 đợt thu hoạch, hiện tại tăng lên 11 - 12 đợt). Giá bán thanh long chính vụ đạt từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, trong khi thanh long trái vụ giá bình quân 30.000 đồng/kg, dịp cận Tết có thể tăng lên 40.000 - 50.000 đồng/kg, giá trị kinh tế mang lại cho người dân là rất lớn”, ông Thuấn đánh giá.

Tại Hưng Yên, đoàn công tác đã đến kiểm tra hoạt động sản xuất tại HTX Dịch vụ nông nghiêp tổng hợp xã Yên Phú (huyện Yên Mỹ) chuyên sản xuất, cung cấp các loại rau ăn lá, củ, quả tươi, rau gia vị.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng (giữa), Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiêp tổng hợp xã Yên Phú (Yên Mỹ, Hưng Yên), nhờ tuân thủ quy trình sản xuất của Dự án hướng dẫn, năng suất rau đã cao hơn 10 - 15%, giá bán sản phẩm cao hơn 10 - 20% so với trước đây. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng (giữa), Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiêp tổng hợp xã Yên Phú (Yên Mỹ, Hưng Yên), nhờ tuân thủ quy trình sản xuất của Dự án hướng dẫn, năng suất rau đã cao hơn 10 - 15%, giá bán sản phẩm cao hơn 10 - 20% so với trước đây. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc HTX chia sẻ, hiện nay nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng, an toàn của người tiêu dùng ngày càng tăng. Nếu người sản xuất không chủ động thay đổi phương thức canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật thì sản phẩm sẽ không có sức cạnh tranh, giá bán thấp, thậm chí bị quên lãng, tẩy chay. Tuy nhiên, khi đã có sản phẩm chất lượng mà không tìm được thị trường cũng rất nan giải, nông dân không còn động lực. Do đó, những hỗ trợ từ Dự án thông qua hệ thống khuyến nông từ trung ương đến huyện, xã đã giúp HTX, hộ sản xuất giải quyết cùng lúc được 2 vấn đề này.

“Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật như sử dụng cây giống chất lượng, phân bón hữu cơ để cải tạo đất, thuốc BVTV sinh học, ghi chép nhật ký sản xuất (ngày gieo giống, làm đất, bón phân, lao động thực hiện…) nên cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao hơn 10 - 15%, giá bán sản phẩm cao hơn 10 - 20% so với sản xuất truyền thống trước đây. Thu nhập/ha canh tác đạt khoảng 450 triệu đồng, sau khi trừ chi phí có lãi hơn 100.000 triệu đồng/ha” ông Hưng cho hay.

Cũng theo ông Hưng, hiện trung bình hàng ngày HTX cung cấp ra thị trường 7 - 10 tấn rau, củ các loại. Để tăng nguồn cung trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và thu nhập cho các thành viên, HTX sẽ tập trung sản xuất các loại rau ngắn ngày, rau gia vị, mở rộng diện tích rau trái vụ theo đơn đặt hàng. Dự kiến lượng cung ra thị trường dịp Tết sẽ tăng 15 - 20 tấn/ngày.

Áp dụng kỹ thuật chong đèn cho thanh long tại HTX Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng. Ảnh: Trung Quân.

Áp dụng kỹ thuật chong đèn cho thanh long tại HTX Sản xuất và Kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng. Ảnh: Trung Quân.

Đào tạo cả kỹ thuật canh tác và kỹ năng bán hàng

Qua kiểm tra, đánh giá các mô hình tại Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, ông Naoki Kayano, chuyên gia JICA chia sẻ: Dự án được triển khai trong thời gian 4 năm (2022 - 2026) với cách tiếp cận hoàn toàn mới theo hướng nâng cao tư duy, định hướng thị trường của nông dân, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống từ khái niệm “Product out - bán những gì bạn sản xuất được” sang khái niệm “Market in - trồng để bán”. Bên cạnh đó, tăng cường chức năng và nâng cao năng lực quản lý HTX thông qua việc triển khai hệ thống bán hàng tập trung với sự hỗ trợ của dịch vụ khuyến nông.

Từ khi Dự án được triển khai, thông qua các lớp đào tạo, các HTX và cán bộ khuyến nông đã chủ động áp dụng kỹ thuật sản xuất mới theo hướng an toàn và nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc nắm bắt nhu cầu, yêu cầu, thị hiếu của thị trường.

Thành công của các mô hình trong Dự án cho thấy cách tiếp cận “khuyến nông theo định hướng thị trường” có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và cần áp dụng, phổ biến trong các dịch vụ khuyến nông thường xuyên ở Việt Nam .

“JICA sẽ tiếp tục làm việc với Trung tâm KNQG và khuyến nông các tỉnh. Chúng tôi hi vọng những nỗ lực này sẽ góp phần thúc đẩy và phát triển hơn nữa nền nông nghiệp Việt Nam”, ông Naoki Kayano cho hay.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG đánh giá, mục tiêu tập trung nâng cao năng lực cho người sản xuất mà Dự án hướng tới là rất trúng trong giai đoạn hiện nay. Thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, nông dân đủ khả năng làm chủ toàn bộ quy trình sản xuất, từ đó chủ động thay đổi thói quen canh tác theo hướng an toàn. Bên cạnh đó, khi yêu cầu của thị trường ngày càng cao, nông dân cần tiếp cận với thị trường, tự mình xây dựng thương hiệu, kênh bán hàng, bán sản phẩm từ khi bắt đầu gieo trồng chứ không đợi đến lúc có thành phẩm mới đôn đáo đi tìm người mua.

Nhờ Dự án hỗ trợ, các HTX và nông dân đã tiếp cận với tư duy sản xuất mới theo tiêu chuẩn cũng như kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp. Ảnh: Trung Quân.

Nhờ Dự án hỗ trợ, các HTX và nông dân đã tiếp cận với tư duy sản xuất mới theo tiêu chuẩn cũng như kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Lê Quốc Thanh, muốn các giải pháp kỹ thuật của Dự án đã được chuyển giao phát huy hiệu quả bền vững, trước hết phải tổ chức lại sản xuất thông qua hình thức HTX (cùng sản xuất theo quy trình, tiêu chí, tiêu chuẩn, cùng nhau bán hàng). Thời gian tới, Trung tâm KNQG và JICA sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hướng dẫn HTX, hộ sản xuất áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, ưu tiên cho sản xuất hữu cơ, xử lý đất, bảo vệ môi trường...

Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng kết quả của Dự án, dự kiến sẽ lựa chọn thêm 50 HTX nữa để tiếp tục mở rộng vùng sản xuất an toàn, hướng tới sản phẩm an toàn tạo ra không chỉ theo đợt, dịp quan trọng mà liên tục có nguồn cung dồi dào trong cả năm.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.