Dự án khuyến nông triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) cho biết, năm 2023, các dự án khuyến nông trung ương được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản…
Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt - lâm nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn (12 dự án, trên 30 mô hình); xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ phát triển ngành nghề, du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP (8 dự án). Thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản (10 dự án). Phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản chủ lực đảm bảo chất lượng, gắn với chuỗi giá trị (vùng nguyên liệu lúa gạo ĐBSCL, vùng nguyên liệu cây ăn quả, vùng nguyên liệu gỗ). Các dự án nhằm khôi phục sản xuất sau dịch bệnh, xóa đói giảm nghèo ở các vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y, triển khai các dự án khuyến nông phát triển chăn nuôi tuần hoàn, hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAHP, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; phát triển chăn nuôi đạt chuẩn, sản xuất có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm đặc trưng, bản địa, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với phát triển ngành nghề, du lịch nông thôn…
Trong lĩnh vực thủy sản, thực hiện dự án khuyến ngư phục vụ tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; phục vụ phát triển các vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản chủ lực của ngành; nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, phòng chống thiên tai, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức lại sản xuất và nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân...
Trong xây dựng tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ), ngoài 13 tỉnh tham gia đề án thí điểm, hiện tại trên cả nước đã có thêm 30 tỉnh do nhận thấy tầm quan trọng và sự cần thiết phải có tổ KNCĐ trong xây dựng nông thôn mới nên đã chủ động thành lập (Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội, Bình Định, Bình Phước, Quảng Nam, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ, Phú Thọ, Điện Biên, Yên Bái, Thái Bình…), với tổng số khoảng 3.500 tổ. Ngoài ra, Trung tâm KNQG đã chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển khuyến nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, hợp tác công tư…
Theo ông Thanh, trên cơ sở những kết quả đạt được, trong năm 2024, Trung tâm KNQG sẽ tập trung hoàn thiện dự thảo, trình Bộ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khuyến nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 và tổ chức thực hiện.
Về KNCĐ, tiếp tục triển khai Đề án KNCĐ (năm thứ 3) với các hoạt động trọng tâm: Đào tạo nâng cao năng lực, truyền thông nhân rộng và hướng dẫn các địa phương ban hành chính sách để các tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả, bền vững.
Về Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế xây dựng dự án tăng cường năng lực chuyên nghiệp hóa người nông dân tham gia Đề án; triển khai các hoạt động truyền thông theo phân công của Bộ…
Về chuyển đổi số, tiếp tục xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu khuyến nông; đào tạo, tập huấn sử dụng phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khuyến nông; tổ chức hội thảo truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và khuyến nông số cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp.
Về hợp tác quốc tế và hợp tác công tư, triển khai các chương trình, hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức quốc tế nhằm huy động, thu hút nguồn lực tham gia hoạt động khuyến nông.
Mở rộng phạm vi hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng
Ông Nguyễn Ngọc Đam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng chia sẻ, hiên tại, Hải Phòng đã thành lập được 138 tổ KNCĐ, với hơn 1.000 thành viên. Để các tổ hoạt động hiệu quả, trung tâm khuyến nông tỉnh làm đầu mối dẫn dắt, chỉ đạo cán bộ khuyến nông cơ sở tham mưu cho địa phương lựa chọn thành viên của tổ KNCĐ. Trên cơ sở tài liệu do Trung tâm KNQG cung cấp, hướng dẫn các tiêu chí, tiêu chuẩn, số lượng thành lập tổ KNCĐ cho các địa phương; gắn hoạt động khuyến nông với hoạt động của địa phương, bám sát tiêu chí nông thôn mới.
Ông Đam cũng kiến nghị, để hoạt động của tổ KNCĐ đạt hiệu quả, Trung tâm KNQG cần tăng cường hỗ trợ địa phương đào tạo, tập huấn kỹ năng, quy trình công việc để lực lượng KNCĐ làm chủ các khâu khi tiếp cận với hoạt động sản xuất địa phương. Bên cạnh đó, định mức, chế độ, chính sách cho khuyến nông cộng đồng đang phụ thuộc vào nguồn lực của địa phương, thiếu về trang thiết bị, phương tiện hoạt động cũng là vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ.
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội kiến nghị, việc liên thông cơ sở dữ liệu của hệ thống khuyến nông địa phương và Trung tâm KNQG là việc làm cần thiết để các tổ KNCĐ có cơ sở tham mưu cho ngành nông nghiệp địa phương định hướng, hỗ trợ nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, nghiên cứu để trung tâm khuyến nông các tỉnh được làm chủ các dự án khuyến nông trung ương nhiều hơn.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, cán bộ khuyến nông luôn là lực lượng xông xáo, tích cực, đi đầu, có mặt ở tất cả các lĩnh vực, hoạt động của ngành. Từ đó, giúp lan tỏa những chủ trương, định hướng phát triển của ngành tới nông dân.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng yêu cầu, năm 2024 ngành nông nghiệp tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu, biến động thị trường… Do đó, hệ thống khuyến nông cần tiếp tục đổi mới tư duy, không hài lòng với những gì đã có, sẵn sàng tiếp cận với thách thức, biến thách thức thành cơ hội. Sản xuất nông nghiệp luôn vận động, phát triển thì khuyến nông cũng phải không ngừng vận động và phát triển. Bên cạnh đó, đổi mới hoạt động khuyến nông theo hướng đa phương thức, đa giá trị. Ngoài hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cần hướng dẫn nông dân kiến thức về kinh tế, thị trường…
Đồng thời, hoàn thiện Chiến lược phát triển khuyến nông đến 2030 định hướng 2050. Củng cố, hoàn thiện, mở rộng phạm vi hoạt động của khuyến nông cộng đồng. Trung tâm KNQG cần phối hợp với các đơn vị tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ KNCĐ ở các địa phương, chỉ rõ những điểm làm được và chưa được để kịp thời điều chỉnh.
Đặc biệt, phối hợp với các đơn vị chuẩn bị ngay lực lượng khuyến nông có đủ năng lực tư vấn, giám sát, hướng dẫn đo đạc để đồng hành cùng nông dân thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao. Xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm có sự tham gia của lực lượng khuyến nông, hướng dẫn nông dân sản xuất an toàn từ “gốc”.