| Hotline: 0983.970.780

Giúp Trịnh Văn Quyết ‘làm giàu', 4 cựu lãnh đạo HoSE bị truy tố

Thứ Ba 09/04/2024 , 21:16 (GMT+7)

Liên quan vụ án xảy ra tại FLC, 4 cựu lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) bị truy tố tội 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ'.

Ngày 9/4, VKSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) về các tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Hai em gái ông Quyết là Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huế cùng bà Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó chủ tịch FLC) cũng bị truy tố hai tội danh trên. 

Faros tiền thân là CTCP Xây dựng và Đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, ROS có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng và niêm yết 430 triệu cổ phiếu lên Sở GDCK TPHCM (HOSE) vào tháng 9/2016. Doanh nghiệp này được biết đến là nhà thầu xây dựng cho những dự án nghỉ dưỡng, bất động sản lớn của Tập đoàn FLC, từng ghi nhận lợi nhuận khá cao trong nhiều năm, nhưng chưa ghi nhận từng trả cổ tức bằng tiền mặt.

Trong vụ án này, có 4 cựu lãnh đạo HoSE bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gồm: cựu Chủ tịch HĐQT Trần Đắc Sinh (nghỉ hưu từ tháng 11/2016); ông Lê Hải Trà, cựu Tổng giám đốc, Ủy viên HĐQT, thành viên độc lập hội đồng niêm yết; Trầm Tuấn Vũ (cựu Phó tổng giám đốc, Phó Chủ tịch hội đồng niêm yết); Lê Thị Tuyết Hằng (cựu Giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên hội đồng niêm yết). 

Nhóm cựu lãnh đạo HoSE bị cáo buộc đã giúp Trịnh Văn Quyết lừa đảo các nhà đầu tư. Đây được cho là vụ thao túng chứng khoán lớn nhất trong lịch sự thị trường chứng khoán, xét cả về quy mô, sự lộ liễu và thách thức dư luận của các “hội nhóm” thị trường chứng khoán.

Tạo điều kiện cho cổ phiếu “rác” ROS niêm yết

Theo cáo trạng, Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros, tiền thân là Công ty xây dựng và đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ khởi đầu 1,5 tỉ đồng.

Quy mô vốn này được giữ nguyên trong hơn ba năm tiếp theo. Tuy nhiên chưa tới hai năm sau đó, từ năm 2014 - 2016 ông Trịnh Văn Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của FLC Faros.

Thời điểm này, ông Quyết đưa ra kế hoạch biến Faros thành công ty đại chúng để niêm yết trên sàn chứng khoán Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Kế hoạch này của ông Quyết đã được các ông Trần Đắc Sinh, Lê Hải Trà cùng một số cán bộ khác tại HoSE và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam “giúp sức”.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị truy tố 2 tội danh 'Thao túng thị trường chứng khoán' và 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'. Ảnh: FLC.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị truy tố 2 tội danh "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ảnh: FLC.

Theo quy chế hoạt động của HĐQT và hội đồng niêm yết sàn HoSE thì việc thẩm định chấp thuận niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros không thuộc thẩm quyền của HĐQT.

Mặt khác, ông Sinh với vai trò là chủ tịch HĐQT HoSE biết báo cáo kiểm toán về tài chính năm 2014 và 2015 của doanh nghiệp này không phù hợp. Báo cáo vi phạm lưu ý lớn rằng “không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp”. Tuy nhiên do mối quan hệ cá nhân và nhiều lần được Trịnh Văn Quyết cùng Doãn Văn Phương (cựu tổng giám đốc Tập đoàn FLC, đã bỏ trốn) nhờ giúp đỡ nên ông Sinh đã hỗ trợ để Faros được niêm yết, cáo trạng nêu. Ông Sinh bị cáo buộc nhiều lần trực tiếp chỉ đạo cấp dưới là Trà, Vũ, Hằng tạo điều kiện sớm niêm yết cổ phiếu cho Faros.

Do đó, trong khi Công ty Faros chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định, ông Trần Đắc Sinh đã chỉ đạo, tổ chức họp HĐQT quyết định về hồ sơ niêm yết của Công ty Faros.

Tại cơ quan điều tra, ông Sinh khai do có mối quan hệ thân quen với Trịnh Văn Quyết nên muốn giúp việc chấp thuận niêm yết cho Faros, từ đó doanh nghiệp này có điều kiện thu hút vốn của nhà đầu tư trên thị trường, thông qua đó sàn HoSE sẽ có doanh thu từ phí niêm yết, phí giao dịch chứng khoán, cáo trạng nêu.

Là cấp dưới của ông Sinh, ông Lê Hải Trà bị cáo buộc biết rõ báo cáo kiểm toán về tài chính của Faros có vi phạm bởi “chưa có căn cứ xác định số vốn thực góp”. Tuy nhiên, do cũng có mối quan hệ quen biết Trịnh Văn Quyết từ trước, nên ông Trà vẫn gây sức ép cho Đoàn Vĩnh Nam đề xuất chấp thuận hồ sơ niêm yết của Faros, trong khi chưa đủ cơ sở xác định vốn góp.

Là thành viên hội đồng niêm yết, ông Lê Hải Trà đã ký phiếu đồng ý niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros. Còn với vai trò phó tổng giám đốc sàn HoSE, ông Trà đã họp HĐQT, đồng ý niêm yết cổ phiếu của công ty này trái pháp luật. 

Tại cơ quan điều tra, ông Trà thừa nhận hành vi và khai nguyên nhân phạm tội là “do có mối quan hệ nên muốn giúp đỡ Trịnh Văn Quyết và Doãn Văn Phương”, cáo trạng nêu.

Viện Kiểm sát cáo buộc sai phạm của ông Sinh và ông Trà dẫn đến hậu quả Trịnh Văn Quyết được niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống trên sàn chứng khoán, thực hiện việc lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ của nhà đầu tư.

Ông Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HĐQT HoSE. Ảnh: TL.

Ông Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HĐQT HoSE. Ảnh: TL.

Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán thế nào?

Theo cáo trạng, Trịnh Văn Quyết được ghi nhận thành khẩn khai báo, có nhiều đóng góp trong công tác làm từ thiện; nhiều bị can trong gia đình có công với cách mạng, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen trong lao động, công tác…

Ngay từ khi được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) ngày 1/9/2016, cổ phiếu ROS đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Với giá tham chiếu là 10.500 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hoá ở thời điểm đó là hơn 4.500 tỷ đồng. Sau khi lên sàn hơn 1 tháng, thị trường chứng khoán ghi nhận cổ phiếu ROS tăng đột biến về lượng giao dịch với 50-70 triệu đơn vị được chuyển nhượng/phiên. Giá tăng điên cuồng và đạt mức 100.000 đồng/cp chỉ vài tháng sau khi lên sàn, tức gấp gần 10 lần so với mức giá chào sàn trước đó hơn 1 tháng. Thậm chí, có lúc lên đến 215.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 11/2017.

Sau vài năm xuất hiện trên sàn, cổ phiếu ROS đã khuynh đảo thị trường chứng khoán khi lọt vào rổ VN30 (30 cổ phiếu trụ cột trên thị trường chứng khoán) và sau đó ghi nhận chuỗi ngày tăng “bất tận”. Thời điểm đó, với khối tài sản đạt khoảng gần 33.000 tỷ đồng (chủ yếu nhờ vào gần 290 triệu cổ phiếu ROS), Trịnh Văn Quyết đã có lúc trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán, vượt cả tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ ông Quyết cũng lọt top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Mặc dù cổ phiếu ROS liên tục tăng giá, lập "đỉnh" mới vào cuối năm 2017, giúp tài sản của Quyết có lúc lên hơn 50.000 tỷ đồng, nhưng không lâu sau đó, ngôi vị "số 1" về người giàu nhất Việt Nam của Trịnh Văn Quyết đã bị tỷ phú Phạm Nhật Vượng lấy lại do ông Vượng tăng số lượng cổ phiếu Vingroup (VIC) nắm giữ. Tuy nhiên, trong suốt quá trình tăng tài sản, Trịnh Văn Quyết không được Tạp chí danh tiếng Forbes công nhận là tỷ phú USD của Việt Nam.

Theo kết quả điều tra, trong giai đoạn từ tháng 4/2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của CTCP Xây dựng Faros (ROS), sau đó chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Từ đầu năm 2018, cổ phiếu FLC Faros bắt đầu giảm giá mạnh sau khi doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu tăng nhẹ nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với kết quả năm 2017.

Ông Lê Hải Trà, cựu Tổng giám đốc HoSE. Ảnh: TL.

Ông Lê Hải Trà, cựu Tổng giám đốc HoSE. Ảnh: TL.

Chỉ trong vòng 1 năm kể từ đỉnh cao hồi tháng 11/2017, cổ phiếu này giảm khoảng 5 lần. Tới cuối năm 2020, ROS về gần ngưỡng 2.000 đồng/cp (giá điều chỉnh). Tuy nhiên, ROS vẫn được xem là một cổ phiếu “có lãi”, biến động rất mạnh, không theo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và khiến nhiều người thắng hoặc thua lỗ nặng.

Đến đầu năm 2022, cổ phiếu ROS lại leo lên trên ngưỡng 15.000 đồng/cp, trước khi về mức 2.500 đồng/cp ở thời điểm trước khi bị hủy niêm yết vào ngày 5/9/2022.

Về tính thanh khoản, cổ phiếu này cũng ghi nhận những diễn biến lạ thường. Có những khoảng thời gian như gần cuối 2019, giao dịch ROS lên tới cả nghìn tỷ đồng nhưng có lúc, dòng tiền bỗng mất hút, thanh khoản nhỏ giọt.

Công ty CP Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết được thành lập từ năm 2008 với ngành nghề kinh doanh là bất động sản, chứng khoán, du lịch, giáo dục, công nghệ pháp lý, hàng không…Tập đoàn FLC có 15 công ty con, 2 công ty liên kết do Trịnh Văn Quyết làm chủ tịch HĐQT nắm giữ hơn 215 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 30% cổ phần. Bà Bùi Hải Huyền làm tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của tập đoàn.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Dự án Đại Ninh: Quyền lực, hối lộ và sai phạm trong quản lý đất đai

Phiên tòa vụ án Đại Ninh tập trung làm rõ trách nhiệm 10 bị cáo, từ những sai phạm trong xử lý dự án đến lời thú nhận đau đớn của các cựu quan chức.