| Hotline: 0983.970.780

Gỡ khó cho nghề nuôi yến: [Bài 1] Vô tình làm khó người dân

Thứ Năm 11/07/2024 , 09:01 (GMT+7)

HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành Nghị quyết quy định về xây dựng, chăn nuôi yến vô tình làm khó người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước.

Quy định không rõ gây khó cho cả người dân và chính quyền

Đắk Lắk đang đứng đầu Tây Nguyên về số lượng nhà yến với khoảng hơn 1.300 nhà, chiếm 5,2% số lượng nhà yến cả nước, sản lượng tổ yến ước đạt 10 tấn/năm, chiếm khoảng 6,6% sản lượng tổ yến cả nước.

Chất lượng sản phẩm tổ yến của Đắk Lắk được đánh giá cao tương đương với yến đảo và yến miền Trung. Sản phẩm từ tổ yến của Đắk Lắk được ưa chuộng, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu cho các thị trường quốc tế. Nuôi chim yến đã và đang mang lại lợi nhuận cao, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều người dân.

Nghề nuôi yến đang phát triển mạnh tại Đắk Lắk và mang lại kinh tế lớn cho người dân. Ảnh: Quang Yên.

Nghề nuôi yến đang phát triển mạnh tại Đắk Lắk và mang lại kinh tế lớn cho người dân. Ảnh: Quang Yên.

Tuy nhiên, ngành nuôi yến tại Đắk Lắk đang gặp nhiều khó khăn từ khi Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến, chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được HĐND tỉnh này ban hành năm 2021.

Cụ thể, Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bao gồm: Khu vực thuộc Tổ dân phố thuộc phường của thành phố, thị xã, tổ dân phố thuộc thị trấn của các huyện và khu dân cư ở trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh.

Đối với các nhà yến đã hoạt động trước ngày Nghị quyết có hiệu lực nhưng không đáp ứng quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này phải giữ nguyên trạng, không được cơi nới, nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300m không được sử dụng loa phóng phát âm thanh.

Theo các địa phương, khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong Nghị quyết chưa có khái niệm rõ ràng. Cụ thể, các địa phương đang vướng mắc về khái niệm khu dân cư ở trung tâm các xã trên địa bàn tỉnh là khu vực nào để triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Người dân xây dựng nhà yến trên đất nông nghiệp tại Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên.

Người dân xây dựng nhà yến trên đất nông nghiệp tại Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên.

Chính vì vậy, khu dân cư ở trung tâm các xã còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Khu vực không được phép chăn nuôi tổ dân phố thuộc thị trấn của các huyện cần có đánh giá cụ thể lại nội dung này, hiện nay ở một số địa phương đang vướng mắc để xác định khoảng cách khu vực được nuôi chim yến.

Cụ thể, nhiều trung tâm các huyện vừa có tổ dân phố, vừa có thôn, buôn, trụ sở thị trấn đặt tại buôn, giữa buôn và tổ dân phố chỉ cách nhau một con đường. Vì lý do này mà hầu hết các nhà yến tại Đắk Lắk hiện nay đều có sai phạm. Một là nằm trong khu dân cư phải di dời, hai là xây dựng trên đất nông nghiệp.

Đặc biệt, tại một số địa phương có tình trạng người dân xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở, nhưng khi thi công lại xây những tầng trên để dẫn dụ chim yến không đúng với nội dung giấy phép xây dựng, sử dụng đất sai mục đích, có những trường hợp xây trên đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở nuôi yến trong khu dân cư gây ô nhiễm tiếng ồn, môi trường phải di dời nhưng gặp khó vì không thể xây dựng trên đất nông nghiệp.

Xây không được, di dời không xong

Theo người nuôi chiêm yến, quy định nhà yến không được xây dựng trong khu dân cư phải chuyển ra ngoài. Tuy nhiên, ngoài khu dân cư toàn đất nông nghiệp không thể chuyển đổi mục đích đất để xây dựng. Nhiều trường hợp khi xây dựng không đúng bị chính quyền địa phương xuống lập biên bản xử phạt.

Số lượng nhà nuôi chim yến đang ngày càng tăng nhanh trên địa bàn huyện Ea Súp, gây không ít khó khăn trong công tác quản lý. Ảnh: Quang Yên.

Số lượng nhà nuôi chim yến đang ngày càng tăng nhanh trên địa bàn huyện Ea Súp, gây không ít khó khăn trong công tác quản lý. Ảnh: Quang Yên.

Huyện Ea Súp là huyện nghèo và rất ít loại cây trồng, vật nuôi nào phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu để mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, một số hộ nuôi yến lấy tổ mang hiệu quả kinh tế cao nên ngày càng có nhiều người bỏ tiền đầu tư xây dựng nhà dẫn dụ yến. Số lượng nhà nuôi chim yến đang ngày càng tăng nhanh trên địa bàn huyện Ea Súp, gây không ít khó khăn trong công tác quản lý.

Ông Lê Văn Thanh (ngụ thị trấn Ea Súp) cho biết, năm 2023 gia đình thấy một số hộ nuôi yến mang lại hiệu quả kinh tế cao nên cũng gom góp vốn liếng và vay mượn thêm để đầu tư xây dựng nhà yến.

Theo ông Thanh, mặc dù nghề nuôi yến mang lại lợi ích về kinh tế cho người dân, nhưng cũng gây không ít bất cập trong công tác quản lý. Điển hình như tại thị trấn Ea Súp người dân xin giấy phép làm nhà ở, rồi tự cải tạo, cơi nới kết hợp dẫn dụ chim yến trái phép, không đúng với nội dung cấp giấy phép xây dựng, sử dụng đất sai mục đích.

“Khi xây dựng gia đình cũng lên chính quyền địa phương xin phép nhưng không được do đất nông nghiệp không thể xây dựng. Quy định hiện nay đang làm khó cho người dân trong việc xây dựng, phát triển nhà nuôi yến. Cơ quan chức năng cần thay đổi, tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề nuôi yến, cải thiện cuộc sống”, ông Thanh chia sẻ.

Tương tự, một hộ dân có nhà yến tại thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) cho biết, gia đình xây dựng nhà yến từ năm 2020, thời điểm đó chưa có quy định khu vực xây dựng nhà yến.

Người dân xây nhà ở kết hợp nuôi chim yên. Ảnh: Quang Yên.

Người dân xây nhà ở kết hợp nuôi chim yên. Ảnh: Quang Yên.

Năm 2021, HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành Nghị quyết quy định về khu vực được nuôi yến như thế nhà yến của gia đình nằm trong khu dân cư phải di dời.

“Giờ di dời ra khỏi khu dân cư lại vướng đất nông nghiệp không thể xin phép xây dựng. Còn để như hiện tại thì ảnh hưởng đến người dân xung quanh, không được phép. Hiện nay nghề nuôi yến mang lại thu nhập lớn cho người dân do đó các ngành cần có cơ chế mở để giúp người dân tiếp cận, tạo ra thu nhập”, người dân này thông tin.

Theo lãnh đạo UBND huyện Ea Súp, đối với các trường hợp xây dựng sai nội dung cấp phép, xây dựng trên đất không đúng mục đích, địa phương đang tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng, UBND các xã, thị trấn thực hiện những biện pháp ngăn chặn; đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, theo dõi hoạt động xây dựng nhà dẫn dụ chim yến.

Huyện Ea Súp cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy để thực hiện kiểm tra, xử lý theo quy định. Đến nay, cơ quan chức năng đã lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với 20 trường hợp, những trường hợp khác các địa phương đang tiếp tục rà soát lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Tại Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Yến sào Thành Dung tháng 11/2023 đã được phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận xuất khẩu chính ngạch. Đến đầu năm nay, doanh nghiệp này xuất bán lô hàng 300kg tổ yến giá trị 12 tỷ đồng sang thị trường Trung Quốc.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.