| Hotline: 0983.970.780

Hà Giang có giống bò vàng [Bài 3]: Thịt bò vàng đắt ngang bò Mỹ

Thứ Hai 21/08/2023 , 06:00 (GMT+7)

Có những con bò vàng ở Hà Giang cho giá trị lên đến 1,1 triệu đồng/kg thịt thành phẩm, đắt ngang với thịt bò Úc, bò Mỹ.

Hiện HTX Cát Lý có 300 con bò liên kết với các hộ dân. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện HTX Cát Lý có 300 con bò liên kết với các hộ dân. Ảnh: Đào Thanh.

Lỗ 300 triệu từ đơn hàng lớn đầu tiên

Anh Thượng Thái Cát, Giám đốc HTX Cát Lý, thôn Mịch B, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang là người Tày. Ngày trước, nhà Cát nuôi nhiều bò nhất làng. Con bò giúp anh em Cát có tiền học hành đầy đủ, rồi tiền lấy vợ, làm nhà cũng từ con bò mà ra.

Gắn bó lâu năm với con bò, anh hiểu cách chăm sóc cũng như đặc tính sinh trưởng của con bò. Bởi vậy sau gần 10 năm vào miền Nam làm kinh tế, năm 2019, anh Cát quyết định về quê khởi nghiệp với con bò qua việc xây dựng chuỗi liên kết với bà con ở các thôn bản và doanh nghiệp ở thành phố lớn.

Những năm tháng sinh sống lập nghiệp ở miền Nam, Cát đã triển khai mô hình nuôi chim bồ câu, bán đồ uống khá thành công. Những kinh nghiệm ấy đã giúp Cát học được cách kinh doanh theo chuỗi giá trị để áp dụng vào việc nuôi và kết nối tiêu thụ sản phẩm bò. Thế nhưng, ngay từ những vụ buôn bò đầu tiên, Cát đã thua lỗ.

Bò vàng là giống vật nuôi bản địa quý hiếm của tỉnh Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Bò vàng là giống vật nuôi bản địa quý hiếm của tỉnh Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Đó là vào đầu năm 2022, anh được một thương lái ở TP.HCM đặt đơn hàng 3 tấn thịt bò/tuần để cung ứng cho các siêu thị lớn. Sau khi thịt một con bò gửi mẫu đã được họ đồng ý ngay bởi chất lượng thơm ngon. Cát liên hệ với các thương lái thu gom vội vàng bò từ các huyện ở vùng núi phía Tây sang các huyện vùng núi phía Đông. Thịt và phân loại thịt thăn, thịt đùi…, anh cho lên xe cấp đông vận chuyển vào miền Nam mang theo hi vọng giàu to từ con bò vàng của quê hương.

Mấy ngày sau, tiếng chuông điện thoại vang lên. Đó là cuộc điện thoại của đối tác đặt hàng trong miền Nam. Họ gọi điện để trả lại số thịt bò của anh. Bởi khi đưa vào chuỗi giá trị, siêu thị họ lấy cả trăm mẫu đi test chất lượng thịt bò anh cung cấp không đồng đều, miếng thâm, miếng nhạt màu, miếng dai, miếng mềm không thành hàng hóa được.

Ngẫm ra đúng là lỗi của anh. Do không kiểm soát được lứa tuổi của bò, đi chợ thấy bò là anh mang về thịt nên chất lượng không đồng đều. Chuyến thịt bò ấy anh phải mang ra thị trường chợ truyền thống bán và lỗ khoảng 300 triệu đồng.

Sau lần ấy, Cát quyết tâm thực hiện tốt hơn việc liên kết chăn nuôi với các hộ dân trong vùng để mở rộng tổng đàn và kiểm soát tuổi của các con bò. Đến nay, HTX của anh Cát đã có 300 con bò liên kết hơn 100 hộ dân, tập trung chủ yếu ở Bắc Mê và các vùng lân cận ở xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên. Cát bảo, liên kết với các hộ dân, bà con chủ động chăm sóc bò, còn HTX hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, bao tiêu đầu ra, chăm sóc thú y.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày HTX của anh Cát bán ra thị trường khoảng 10 con bò thịt cho thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Số bò vàng ấy, HTX vẫn phải phụ thuộc vào thị trường trong dân. Tuy nhiên tương lai, HTX sẽ hướng tới tự chủ đàn vật nuôi. Như thế mới đảm bảo chất lượng các con bò, vì HTX chủ động được quy trình nuôi, chăm sóc.

Có những con bò vàng được HTX Cát Lý bán với giá lên tới 1,1 triệu đồng/kg thịt thành phẩm. Ảnh: Đào Thanh.

Có những con bò vàng được HTX Cát Lý bán với giá lên tới 1,1 triệu đồng/kg thịt thành phẩm. Ảnh: Đào Thanh.

Thịt bò vàng đắt ngang bò Mỹ, bò Úc

Anh Thượng Thái Cát, Giám đốc HTX Cát Lý bảo với chúng tôi rằng, đã có con bò vàng Hà Giang thuần chủng được anh bán giá lên tới 1,1 triệu đồng/kg thịt thành phẩm, đắt ngang với giá của thịt bò Úc, thịt bò Mỹ.

Đó là loại thịt có những sợi mỡ rất nhỏ, ăn có vị ngây và rất mềm, mùi đặc trưng của thịt bò. Khi thịt ra gầu nhiều mỡ, nó không phải mỡ có thể lọc ra được mà là mỡ giắt trong thịt. Loại thịt ấy vào tay người nấu giỏi khi ăn cảm giác miếng thịt có thể tan ra trong miệng. Tuy nhiên, trong số 10 con bò vàng Cát thịt ra may mắn cũng chỉ có một con có loại thịt ấy.

Nếu nhân rộng được giống bò vàng đặc chủng ấy, chắc chắn đời sống của người nông dân sẽ khấm khá hơn. Hiện nay, HTX đang thực hiện bình tuyển và sàng lọc giống bò có mỡ giắt ấy tại trại chăn nuôi của mình, thực hiện nuôi thử nuôi theo chế độ ăn riêng. HTX cũng phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng, huyện Đồng Văn lựa chọn con bò giống bố mẹ để thực hiện các biện pháp nhân giống thụ tinh nhân tạo.

Tuy nhiên, việc triển khai này cũng sẽ khá khó khăn, bởi các con bò như thế phần lớn nhìn bằng mắt thường sẽ khó có thể phân biệt được. Vì phần lớn các con bò Mông đều có đặc điểm ngoại hình giống nhau. Chỉ đến khi mổ ra, xem thịt mới biết con nào cho thịt chất lượng.

Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang cho biết, những con bò cho thịt có giắt mỡ, chất lượng thơm ngon như anh Thượng Thái Cát chia sẻ thường là những con bò vàng thuần chủng đặc trưng của bò Mông Hà Giang.

Bên cạnh giống thuần chủng, chế độ chăm sóc cũng rất quan trọng. Khi chăn nuôi trong dân, các loại có tự nhiên ở vùng cao nguyên đá có một số loại là thảo dược, có chế độ dinh dưỡng đặc biệt cũng tạo nên chất lượng riêng biệt, hiếm có của thịt bò.

Hiện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Giang cũng đồng hành và hỗ trợ cùng HTX bình tuyển lựa chọn giống bò tốt nhất để nhân rộng tổng đàn và hi vọng giống bò này sẽ giúp các hộ dân giảm nghèo, làm giàu trên vùng cao nguyên đá.

Việc liên kết chăn nuôi bò vàng của HTX Cát Lý với các hộ dân vừa giúp các hộ dân thoát nghèo vừa nâng tầm thương hiệu bò vàng Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Việc liên kết chăn nuôi bò vàng của HTX Cát Lý với các hộ dân vừa giúp các hộ dân thoát nghèo vừa nâng tầm thương hiệu bò vàng Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Bắt tay cùng nông dân đưa bò vàng từ làng về phố

Với ước vọng làm giàu từ con bò và mở rộng liên kết, bắt tay cùng nông dân xóa nghèo, đến nay anh Thượng Thái Cát đã hợp tác liên kết chăn nuôi bò vàng Hà Giang với khoảng 100 hộ dân tại các thôn bản.

Anh Cát chia sẻ, tiềm năng mở rộng tổng đàn trong dân là rất lớn bởi các hộ dân ở Hà Giang có truyền thống nuôi bò từ lâu đời. Thế nhưng cũng có nhiều khó khăn, trở ngại. Bởi vì ở vùng cao, người dân nuôi bò, coi như một cách tiết kiệm tiền chứ chưa hẳn nuôi để thành sản phẩm hàng hóa và làm giàu.

Do đó, thường người dân chỉ bán con bò vàng khi nhà cần đến tiền hoặc con bò có vấn đề về sức khỏe. Như vậy sẽ có ba vấn đề lớn gặp phải. Thứ nhất là con bò giai đoạn ngon nhất, có chất lượng dinh dưỡng cao nhất là ở độ tuổi từ 3 đến 4 năm tuổi nếu quá sẽ già và thịt không đảm bảo chất lượng.

Thứ hai, nếu con bò bị bệnh dân mới bán chắc chắn sẽ không đảm bảo được chất lượng. Thứ ba là khi dân cần tiền mới bán sẽ bị thương lái ép giá, vì họ biết người dân đang cần tiền nên muốn bán, trong khi đó người dân ở các bản làng vùng cao phần lớn đều thật thà, chất phác.

Khu nhà hàng được anh Cát xây dựng vừa để bày bán các sản phẩm từ bò vàng, vừa là điểm dừng chân cho du khách khi đến tham quan du lịch. Ảnh: Đào Thanh.

Khu nhà hàng được anh Cát xây dựng vừa để bày bán các sản phẩm từ bò vàng, vừa là điểm dừng chân cho du khách khi đến tham quan du lịch. Ảnh: Đào Thanh.

Liên kết với dân, anh đã thành lập các tổ hợp tác. Mỗi tổ có từ 5 đến 10 hộ. HTX thực hiện cung ứng giống cho những hộ chưa có giống tốt, đảm bảo chất lượng thịt và giá trị của sản phẩm của con bò vàng. HTX cũng liên kết với cán bộ thú y xã tại địa phương để hướng dẫn chăm sóc đàn bò.

Gia đình chị Bố Thị Tuyến, thôn Mịch B, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên đang chăn nuôi 3 con bò theo hình thức liên kết với HTX Cát Lý. Chị Tuyến cho biết, gia đình chị là hộ nghèo. Liên kết với HTX Cát Lý, chị được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi đảm bảo con bò khỏe mạnh và lớn nhanh. Những con bò này là điểm tựa để gia đình chị vươn lên thoát nghèo.

HTX Cát Lý đang hướng tới mục tiêu khoảng 5 năm nữa, tổng đàn bò của HTX liên kết với các hộ dân là 10.000 con. Những con bò đều được bình tuyển và đảm bảo là bò vàng thuần chủng, có sổ ghi chép phân loại lứa tuổi. Anh Lý cũng đã xây dựng xưởng chế biến các sản phẩm từ thịt bò như giò bò, chả cốm bò, xúc xích bò, bò sốt vang… Anh xây dựng nhà hàng vừa để bày bán sản phẩm từ bò, vừa là điểm dừng chân cho du khách khi đến tham quan du lịch tại xã Thuận Hòa.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Tiêu thụ chè trong nước bằng 1/3 lượng xuất khẩu nhưng mang lại giá trị cao hơn

Thực trạng cho thấy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.