| Hotline: 0983.970.780

Hà Giang có giống bò vàng [Bài 2]: Chuồng bò to hơn nhà ở

Thứ Sáu 18/08/2023 , 18:28 (GMT+7)

Giữa mênh mông đá xám, những chuồng bò hiện lên rõ nhất, tiếp đến là các ngôi nhà nhỏ bé của bản làng người Mông.

Con bò vàng là vật nuôi chủ lực của mỗi gia đình người Mông ở thôn Khai Hoang Một, xã Hữu Vinh. Ảnh: Đào Thanh.

Con bò vàng là vật nuôi chủ lực của mỗi gia đình người Mông ở thôn Khai Hoang Một, xã Hữu Vinh. Ảnh: Đào Thanh.

Làm chuồng bò kiên cố để chống trộm

Mua Dũng Phử là hộ nghèo ở thôn Khai Hoang Một, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh. Biết chúng tôi tới thăm, Phử đã chuẩn bị đầy những khuẩy tấu cỏ xanh non để trong chuồng bò.

Chuồng bò nhà Phử được xây cách đây hơn 10 năm. Khi ấy, đường vào Khai Hoang Một còn là đường đất nhỏ như sợi chỉ. Xe máy chở vật liệu chỉ đi được đến đầu làng, đoạn đường còn lại Phử nhờ người bản cõng trên lưng bằng khuẩy tấu. Mất khoảng 3 con bò mộng bán cho thương lái chuồng bò ấy mới được cứng cáp như bây giờ.

Từ ngày có chuồng bò kiên cố, Phử nuôi được nhiều lứa bò không bị dịch bệnh, lại không phải đêm tối thấp thỏm mất ngủ vì lo trộm đến dắt mất bò. Ngày trước, ở các vùng giáp biên giới, chuyện trộm bò khá phổ biến. Bọn trộm bò chỉ cần dắt qua phía bên kia biên giới là các hộ dân không thể tìm được. Cũng bởi thế, nhà nào cũng cố xây dựng chuồng bò thật kiên cố. Kiên cố hơn cả nhà ở, vì con bò là tài sản quý giá của mỗi gia đình.

Ở thôn Khai Hoang Một, nhiều hộ dân xây dựng chuồng bò kiên cố và mất nhiều tiền hơn làm nhà. Ảnh: Đào Thanh.

Ở thôn Khai Hoang Một, nhiều hộ dân xây dựng chuồng bò kiên cố và mất nhiều tiền hơn làm nhà. Ảnh: Đào Thanh.

Nhà Phử có 8 con bò, giá được khoảng hơn 100 triệu đồng. Từ ngày thị trường Trung Quốc thắt chặt, giá bò cũng giảm hơn. Bởi thế, Phử muốn nuôi thêm mấy tháng nữa, chờ thị trường tăng giá sẽ bán. Hơn nữa, dịp này nhà Phử cũng chưa cần đến khoản tiền nào lớn.

Phử bộc bạch, ngày trước chưa nuôi được nhiều bò, đàn con lúc nhúc đứa sau nối tiếp đứa trước lớn lên nồi mèn mén cũng phải to hơn. Nồi mèn mén to hơn chiếc váy, chiếc mũ nồi đội đầu của chúng cũng cũ đi mà không có tiền mua cái mới. Phử nuôi bò với ước mơ thoát nghèo.

Cạnh chuồng bò nhà Phử là chuồng bò của Lù Thị Chở đứa cháu dâu của Phử. Chở tập tễnh từng bước nặng nhọc chăm sóc đàn bò. Phử bảo: Nó là đứa thiệt thòi. Từ nhỏ bị bệnh không được bố mẹ đưa đi gặp thầy thuốc kịp thời nên cả tay và chân đều có khiếm khuyết. Nhưng sự chịu khó và đảm đang nó không thua một đứa con gái nào ở vùng này.

Khi Chở và Mua Mý Chá, đứa cháu con anh trai của Phử lấy nhau, thương hoàn cảnh nghèo khó của các cháu, Phử tặng cho chúng một con bò để lấy vốn làm ăn.  

Con bò vàng của gia đình Lù Thị Chở. Ảnh: Đào Thanh.

Con bò vàng của gia đình Lù Thị Chở. Ảnh: Đào Thanh.

Để có đủ cỏ cho bò ăn, khi trời còn chưa kịp sáng Chở đã có mặt trên nương để làm cỏ ngô, thu hoạch bí rồi chất đầy khuẩy tấu cỏ mang về cho bò. Chở chịu khó như thế nên trong nhà lúc nào cũng sẵn cỏ tươi để đàn gia súc ăn cả tuần không hết. Hôm nào Chở cũng cho con bò ăn no mới dám nghĩ đến việc ăn cơm. Đã 2 năm nay, con bò của Chở lớn gấp đôi so với lúc mới bắt về.  

Đợt vừa rồi, do khu chuồng nhiều muỗi quá, con bò bị đốt sưng lên thành từng cục ở phần lưng, phần bụng. Nhiều người làng bảo con bò của Chở bị viêm da nổi cục. Nhưng cán bộ thú y bảo không phải, thế là con bò không bị bệnh đáng sợ như lời trưởng thôn tuyên truyền cho bà con biết hôm họp thôn.

Từ sau hôm ấy, Chở chăm chỉ vệ sinh chuồng bò, làm rãnh thoát nước theo lời hướng dẫn của cán bộ thú y để chuồng không bị đọng nước xung quanh dễ sinh ra mầm bệnh, Chở cũng mua thêm tấm lợp để gia cố lại mái chuồng bò.

Ở cái xóm nhỏ của Phử, nhà nào cũng nuôi bò. Nhà Phử, nhà anh em họ hàng của Phử và nhà đứa cháu Phử… đều nuôi bò vàng. Không chỉ riêng bản của Phử mà từ các xã Du Già, Du Tiến, Đường Thượng, Hữu Vinh đến xã Lao Và Chải, Lũng Hồ, Mậu Duệ… hầu như nhà nào cũng có con bò vàng trong chuồng.

Cái nghèo vẫn hiện hữu với những nếp nhà liêu xiêu, nhưng ngoài chuồng bò nhiều nhà đã xây dựng kiên cố. Bởi con bò mang theo hi vọng ấm no cho người dân, là tài sản có giá trị lớn nhất của mỗi hộ gia đình nơi cao nguyên đá này.

Thôn Khai Hoang Một có khoảng 200ha cỏ các loại, ngoài phục vụ chăn nuôi bò, người dân trồng cỏ để bán cho các vùng lân cận. Ảnh: Đào Thanh.

Thôn Khai Hoang Một có khoảng 200ha cỏ các loại, ngoài phục vụ chăn nuôi bò, người dân trồng cỏ để bán cho các vùng lân cận. Ảnh: Đào Thanh.

Thôn Khai Hoang Một, xã Hữu Vinh có 78 hộ dân với 122 con bò. Nhà nào cũng làm chuồng bò kiên cố. Để có đủ số thức ăn cho bò, bà con trồng tới 200ha cỏ voi, cỏ VA06… Vào mùa xuân, mùa mưa, cỏ mọc nhanh và rất tốt, các nhà cho bò ăn không hết mang bán cho các xã ở vùng lân cận và cả các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc.

Vừa làm trưởng thôn kiêm cả thú y viên

12 tuổi Mua Mí Pó mồi côi bố. Bà mẹ của Pó đã bán một con bò để mời thầy cúng và thầy lang về mà bệnh của bố Pó không khỏi. 12 tuổi, Pó học cách làm trụ cột của gia đình. 12 tuổi Pó cũng bắt tay vào làm cái cày để cho con bò mang lên nương cày đất trồng ngô, trồng cỏ voi.

Làm anh cả, lại là đàn ông trong gia đình, mọi việc nặng nhọc Pó đều tập làm hết. Cũng bởi thế khi nhiều đứa trai bằng tuổi Pó còn mải học, mải chơi, Pó chỉ biết mải giúp mẹ chăm em, giúp mẹ làm việc nương, chăm bò.

Pó biết nhớ ngày họp của chợ gia súc tại huyện Yên Minh như chợ Mậu Duệ họp thứ 4, thứ 7 là chợ Sủng Thài, Du Già, thứ 6 họp chợ ở Đường Thượng, Chủ nhật ở Lũng Hồ. Nhớ để biết cách dắt bò đến các chợ ấy bán được giá.

Khu chuồng bò xây kiên cố của gia đình Trưởng thôn Mua Mí Pó. Ảnh: Đào Thanh.

Khu chuồng bò xây kiên cố của gia đình Trưởng thôn Mua Mí Pó. Ảnh: Đào Thanh.

Lam lũ với mảnh nương, vạt đồi nên mùa nào nhà Pó cũng không phải lo nghĩ đến nồi mèn mén thiếu ngô. Ăn không hết ngô, Pó bán để lấy tiền mua con bò về thả đầy chuồng. Cứ thế Pó trở thành người nuôi nhiều bò nhất bản Khai Hoang Một. Trong chuồng nhà Pó lúc nào cũng có 6 đến 10 con bò to lớn, khỏe mạnh.

Có tiền từ bán bò, năm 2015, Pó nghĩ đến chuyện xây chuồng bò kiên cố, to nhất nhì bản. Để làm được cái chuồng bò ấy, mỗi ngày Pó bỏ ra 20 lít rượu, 20 lít xăng, 20 cân thịt và nồi mèn mén thật to nhờ người làng đến giúp chở vật liệu từ trên phố về làng.

Mua Mí Pó được bầu làm Trưởng thôn Khai Hoang Một, xã Hữu Vinh từ 16 năm trước khi mới ngoài 20 tuổi. Làm Trưởng thôn, Pó phải đi họp nhiều, có lần vợ Pó dọa sẽ bỏ về nhà bố mẹ đẻ. Vợ Pó dọa thế nhưng chưa lần nào bỏ đi vì lý do ấy.

Năm 2008, khi mới nhận chức Trưởng thôn, Pó được cử đi học các lớp sơ cấp thú y, rồi sơ cấp khuyến nông. Khi ấy phụ cấp trưởng thôn được 220.000 đồng/tháng, nhưng đi học mất tận mấy triệu, lại phải xa nhà. Những đứa con còn nhỏ và mẹ già Pó nhờ cậy cả vào người vợ và hai đứa em gái.

Ở thôn Khai Hoang Một, số hộ nghèo còn khá cao, do đó người dân muốn nuôi bò để thoát nghèo. Ảnh: Đào Thanh.

Ở thôn Khai Hoang Một, số hộ nghèo còn khá cao, do đó người dân muốn nuôi bò để thoát nghèo. Ảnh: Đào Thanh.

Được tham gia các lớp tập huấn, Pó hiểu nhiều hơn về kiến thức chăn nuôi và thú y. Vừa làm Trưởng thôn, lại kiêm thú y và khuyến nông thôn khiến Pó luôn bận rộn. Những ngày không đi họp ở xã, Pó lại đến các nhà vận động làm chuồng bò, chuồng lợn hợp vệ sinh, vận động tiêm phòng cho đàn gia súc để chúng không có bệnh, vận động trồng cây ngô đúng vụ, trồng thêm các vạt cỏ ở góc vườn hay bờ rào…

Có những hôm, đã gần 9 giờ tối người làng vẫn gọi Pó đến xem hộ con bò có phải bị bệnh viêm da nổi cục không? Xem xong một nhà thì hai, ba nhà nữa nhờ đến tiêm phòng vacxin… Pó cứ quấn theo việc của xóm làng đi bộ hết từ vùng đồi này đến ngọn núi khác.

Đến lúc Pó về được cửa nhà trời cũng vừa sáng. Pó lăn ra ngủ, đến khi giật mình tỉnh dậy không nhìn thấy bóng dáng người vợ. Cái quốc và khuẩy tấu cũng không ở trong nhà. Chỉ thấy cạnh bếp than hồng còn rực lửa là nồi mèn mén nóng hổi. Ngoài chuồng đàn bò con nào bụng cũng căng tròn thức ăn.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.