| Hotline: 0983.970.780

Hà Lâu ngán sắn

Thứ Sáu 07/05/2010 , 14:15 (GMT+7)

Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn và nằm xã nhất trung tâm huyện Tiên Yên nên đói nghèo ở Hà Lâu xem ra đã quá bình thường. Ở Hà Lâu đói nghèo chẳng trừ ai. Ngay cả những gia đình vốn được xem là “đi đầu mọi hoạt động” trong bản là các trưởng thôn cũng không phải là ngoại lệ.

Nằm giáp ranh giữa Tiên Yên và huyện Đình Lập (Lạng Sơn), xã Hà Lâu còn rất nhiều thôn bản ăn sắn thay cơm.

>> Tiên Yên - Cơm độn, nhà phên

Trưởng thôn cũng đói

Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn và nằm xã nhất trung tâm huyện Tiên Yên nên đói nghèo ở Hà Lâu xem ra đã quá bình thường. Chủ tịch xã Hoàng Vĩnh Hải chua chát rằng Hà Lâu chắc chắn nằm trong diện ít nhà xây nhất cả nước bởi toàn xã có 410 hộ chủ yếu là người Dao và người Tày thì chỉ vỏn vẹn có chừng 80 ngôi nhà xây và 127 hộ có điện thắp sáng.

Trước khi vào Hà Lâu tôi nghe một điều lạ rằng dù nằm vào diện nghèo nhất Quảng Ninh nhưng số nhà được hỗ trợ theo Chương trình 167 ở Hà Lâu chỉ chừng vài chục, thấp hơn rất nhiều so với những xã khá khẩm. Chưa kịp thắc mắc ông Hải đã phàn nàn ngay: “Có hỗ trợ toàn bộ thì dân cũng chịu. Đa số các thôn bản ở Hà Lâu địa hình quá khó khăn, đi không vào đã rã hết cả người nên vật liệu không thể đưa vào được. Thôn này cách thôn kia có khi cả ngày trời đi bộ nên xã mới có “thành tích” như thế”.

Ở Hà Lâu đói nghèo chẳng trừ ai. Ngay cả những gia đình vốn được xem là “đi đầu mọi hoạt động” trong bản là các trưởng thôn cũng không phải là ngoại lệ. Các bản Khe Tao, Danh Nà Hác… dường như cái đói len lỏi vào nhà các trưởng thôn rồi mới lan toả ra các hộ dân. 

Dân bản Khe Tao mùa này khẩu phần ăn chủ yếu là sắn

Bản người Dao Khe Tao quây mấy ngôi nhà trình tường nhếch nhác nối dài ở lưng chừng đồi chỉ duy nhất một thứ trông hơi sáng là bóng điện đèn cù. Nhà trưởng bản Chìu A Thanh nằm ngay con dốc nhầy nhụa bùn bởi nước thải từ chuồng lợn trước cửa. Tôi vào, đám trẻ con trần truồng ngồi trước bậc thềm nhà nhai sắn nướng, thấy khách lạ lấm lét bỏ chạy ra hồi. Góc bếp, gầm giường… nơi nào cũng sắn, hỏi người nhà gạo ai nấy đều lắc đầu. Ông Thanh sau chút ngượng ngùng vì gia cảnh mở đầu câu chuyện bằng một câu mà chẳng biết vì quá buồn sự nghèo khổ hay tự an ủi mình: “Cả thôn có 39 hộ, 266 khẩu nhưng chỉ được 3,7 ha ruộng. Nhà nào cũng thế này cả”.

Cả gia đình ông Thanh có 7 khẩu ăn nhưng chỉ được đám ruộng cỏn con ở ven đồi mà ông ví rộng bằng mười cái chuồng lợn cộng lại. Thành thử lúa gạo góp vui trong những bữa cơm đa phần là khoai sắn. Từ mấy năm nay, rút được kinh nghiệm từ những lần phải ăn sắn chay ròng rã khi hết gạo, nhà ông mỗi bữa chỉ bỏ chừng một lon, còn lại độn sắn vào. Vậy mà cũng chỉ rút ngắn thời gian ăn sắn chứ không thể có gạo ăn quanh năm. Đói nghèo là thế nhưng dân bản Khe Tao vẫn cảm thấy còn may mắn vì dù sao cũng gần trung tâm xã. Còn những bản như bản Danh, Nà Hác… muốn vào phải theo lối mòn đi bộ và thời gian thường ít nhất cũng nửa ngày. Đời sống dân bản cũng vì thế nên có phần bi đát hơn.

Quên cả họ

Mon men lội bộ theo con đường mòn như một vết sẹo ngoằn ngoèo của núi đồi Hà Lâu, anh cán bộ tên Phong dại miệng bảo rằng, đi con đường này lỡ sẩy chân thì không biết khi nào mới rơi đến đáy.

Quá trưa mới vào được đến bản thì Phong chợt nhớ là vào giờ này dân bản hầu như vào rừng đào hương mài, hoặc hái bông chít đem bán vì đây đang là thời điểm thiếu gạo trầm trọng. Bản Danh và Nà Hác xưa tách biệt nhưng bây giờ gộp lại thành thôn Danh Nà Hác, là nơi sinh sống của 40 hộ đồng bào Dao Thanh Y và Thanh Phán. Phong bảo rằng họ chỉ khác nhau về trang phục và cái mũ đội đầu nhưng đói nghèo thì y hệt. Địa hình trong bản đi lại khó khăn đến mức ngoài trưởng thôn nhà ở bản Danh còn phải lập thêm một phó thôn tại Nà Hác để mỗi lần họp dân còn có người về phổ biến.

Chúng tôi vào nhà trưởng thôn Tằng Cống Vểnh nhưng ông còn bận lên rừng đào hương mài. Cũng giống như Chìu A Thanh ở bản Khe Tao, nhà Tằng Cống Vểnh cũng là hộ nghèo và đây đang là thời điểm khẩu phần ăn sắn nhiều hơn cơm, ruộng lại chưa cấy được nên chỉ còn cách vào rừng tìm hương mài, bông chít về bán được bữa nào hay bữa đấy. Không gặp được ông Vểnh, Phong dẫn sang ngôi nhà của đôi vợ chồng Chỏng A Si, Chìu Sám Múi để minh chứng cho đói nghèo ở nơi xa nhất Hà Lâu. Si cũng bận lên nương tìm bông chít đổi gạo còn Múi sáng nay đi bón phân ruộng nhưng gặp người quen ở bản dưới uống rượu say nên gửi quang gánh rồi về. Thấy khách đến nhà Múi mang rượu khoai ra mời. Loay hoay một lúc chị mang ra đĩa măng rừng muối rồi dè dặt: “Cán bộ thông cảm, nhà chỉ còn mỗi măng rừng và sắn”. 

Nhà Múi, Si ăn sắn thay cơm mỗi năm ít nhất bốn tháng

Nhà Múi có tới 13 khẩu. 9 gái, 1 trai, 2 vợ chồng và mẹ già. Ruộng nương ở Danh Nà Hác ít quá nên chỉ chia theo hộ. Chừng đấy con người, chỉ vỏn vẹn vài sào ruộng, được mùa thì 10 gùi, mất mùa chỉ 5-6 gùi nên dù huy động cả bọn trẻ tích cực lên rừng kiếm nghề phụ thì mỗi năm nhà Múi cũng thiếu ăn ít nhất 4 tháng.

Ở Hà Lâu có những đặc sản nhờ vào thành quả của đói nghèo là rượu khoai và bánh sắn. Ông Hải bảo, đồng bào thích uống rượu nhưng vì không có gạo nên đành phải lấy khoai ủ men đem nấu. Dân bản uống nhiều thành quen nhưng người lạ đến thấy hay hay nên gọi là đặc sản. Ăn sắn độn cơm, sắn luộc, sắn nướng mãi ngán quá nên bà con mới nghĩ ra cách trộn bột sắn với lá mơ rừng làm bánh. Thứ mà ai cũng bảo chỉ có ở Hà Lâu.

Tưởng rằng đói nghèo như nhà Múi, Si đã là bi đát lắm, nhưng mấy giáo viên cắm bản ở Nà Hác chắc nịch rằng đói nghèo phải kể đến nhà đôi vợ chồng trẻ Chìu Vằn Hênh. Thầy Tài, một giáo viên cắm bản lâu năm ngoa ngoắt rằng đã đi hàng chục bản làng vùng cao dạy học nhưng chưa thấy nhà ai nghèo đói giống Hênh.

Chi tiết đầu tiên minh chứng lời thầy Tài không quá là việc cô vợ cứ ấp a ấp úng khi chúng tôi hỏi tên rồi thành thật: “Chỉ nhớ tên là Thị Múi thôi. Còn họ chẳng nhớ là họ gì cả”. Nhà Múi, Hênh nằm ngay chân đồi. Trước mặt là đám ruộng của cả bản nhưng cỏ dại mọc um tùm. Cứ tưởng dân không chịu khó nhưng hỏi ra mới biết mùa này có cấy cũng không lấy đâu ra nước. Toàn bộ gia sản trong nhà Hênh, Múi cán bộ Phong định giá không thể đến 100 ngàn đồng. Đói đến mức vợ chồng sinh được hai đứa con thì phải mang một đứa đi cho người khác nuôi vì không đủ cho nó ăn. Đứa còn lại cũng còi cọc, da xanh mét vì Múi suốt ngày ăn sắn, không có sữa cho con bú.

Giáo viên cắm bản ở Danh Nà Hác hay chua chát rằng có lẽ vì quá đói nghèo nên dân bản lấy đẻ làm niềm vui. Chỉ 40 hộ nhưng có tới gần 300 khẩu. Học sinh ở đây vừa đi học vừa trông em. Chỉ riêng con đường vào thôn cũng đủ biết dân ở thung lũng này nghèo hết. Nhưng mấy năm nay đã có chỉ thị giảm nghèo nên nhiều gia đình dù gia cảnh còn “nghèo hơn cả hộ nghèo” vẫn không có được cái sổ để giảm ít tiền cho bọn trẻ đến trường và nhận ít tiền hỗ trợ mỗi khi tết đến. Anh Phong còn phàn nàn rằng dân Danh Nà Hác bầu hộ nghèo theo kiểu thích ai bầu nấy mà không cần biết căn cứ vào đâu vì nhà nào cũng nghèo đói cả. Lạ nhất là việc nhà Múi, Si năm nay bỗng nhiên được thoát nghèo dù gia cảnh còn khó hơn năm trước. “Cũng mấy lần đi hỏi, nhưng ai cũng bảo nhà mày năm ngoái nghèo rồi năm nay phải để cho người khác”, Múi ngô nghê.

Đói triền miên, rất nhiều hộ dân ở Hà Lâu đang ngán sắn hơn bao giờ hết. (Hết)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm