| Hotline: 0983.970.780

Cả nước đã đào tạo được 340 giảng viên TOT-IPHM

Thứ Sáu 12/05/2023 , 14:22 (GMT+7)

Dự án 'Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động IPHM' đã đào tạo được 39 giảng viên IPHM nguồn, 60 giảng viên quốc gia, 241 giảng viên chuyển đổi.

Sáng 12/5, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp”.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) khái quát những kết quả nổi bật của Dự án 'Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp'. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) khái quát những kết quả nổi bật của Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp”. Ảnh: Trung Quân.

Dự án được tài trợ bởi Tổ chức FAO tại Việt Nam, thời gian thực hiện trong 2 năm (từ 29/4/2021 - 29/4/2023). Mục tiêu của dự án là đào tạo giảng viên TOT-IPHM cấp quốc gia và tập huấn cho cán bộ giảng viên quốc gia về IPHM. Thông qua việc xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động IPHM, dự án hướng tới nâng cao năng lực quản lý sức khỏe cây trồng, giảm thiểu tổn thất do bệnh hại, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam.

Theo Cục BVTV, sau 2 năm thực hiện, đến thời điểm hiện tại, thành công lớn nhất của dự án là đã lồng ghép được chương trình IPHM vào “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050” theo Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ”. Cụ thể, ngày 27/5/2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ký Quyết định số 1909/QĐ-BNN-KH ban hành “Chương trình hành động triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó, thúc đẩy ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam được xác định là một trong những nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2030.

Bên cạnh đó, dự án cũng đã xây dựng được chương trình khung, bộ tài liệu về IPHM. Đặc biệt, dự án đã đào tạo được hệ thống giảng viên IPHM chất lượng từ trung ương tới các địa phương, gồm: 39 giảng viên TOT-IPHM lớp giảng viên nguồn; 60 giảng viên TOT-IPHM quốc gia (lớp đào tạo 105 ngày); 241 giảng viên chuyển đổi từ giảng viên TOT-IPM sang TOT-IPHM (lớp đào tạo bằng nguồn kinh phí của Bộ NN-PTNT) và 300 nông dân nòng cốt qua các lớp tập huấn đầu bờ cho nông dân (FFS). Ngoài ra, tất cả các nội dung khác của dự án đều được hoàn thành đúng theo những yêu cầu đã đề ra từ ban đầu.

Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả mà dự án đã đạt được trong vòng 2 năm thực hiện. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam đánh giá cao những kết quả mà dự án đã đạt được trong vòng 2 năm thực hiện. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam chia sẻ, hiện nay, rất nhiều quốc gia đang đẩy mạnh việc phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có những cam kết và hành động mạnh mẽ để hiện thực hóa nội dung này. Minh chứng là Chính phủ, Bộ NN-PTNT Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng, chính sách nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, giảm phát thải, tích hợp đa giá trị, bền vững.

Cũng theo ông Hà, sự phát triển vượt bậc của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, hoạt động sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực nói riêng có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống BVTV. Đặc biệt, các chương trình IPM, IPHM được triển khai thành công, có sức lan tỏa mạnh mẽ là nhờ sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của Bộ NN-PTNT, Cục BVTV và các đơn vị liên quan.  

Thời gian tới là quãng thời gian ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đương đầu với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, biến động thị trường... Do đó, việc đẩy mạnh, hiện thực hóa những nội dung của dự án “Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động IPHM” là cấp thiết hơn bao giờ hết.

Trên cơ sở đó, ông Hà bày tỏ mong muốn Cục BVTV sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục hỗ trợ các địa phương lan tỏa, triển khai hiệu quả chương trình IPHM như các chương trình khác trước đây đã từng thực hiện.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai, dự án vẫn gặp một số khó khăn như: Hiện tại, đã có 340 giảng viên TOT-IPHM ở cả trung ương và địa phương, tuy nhiên theo mục tiêu của Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV mỗi tỉnh có ít nhất 5 giảng viên IPHM quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh. Trong khi đó, mới chỉ có 30 tỉnh có từ 1 - 3 giảng viên TOT-IPHM quốc gia, 42 tỉnh có giảng viên TOT-IPHM cấp tỉnh (chỉ có Quảng Ninh và Hưng Yên đạt 20 giảng viên/tỉnh). Như vậy, so với nhu cầu mục tiêu của Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV cần 315 giảng viên quốc gia và 1.260 giảng viên cấp tỉnh thì còn thiếu 255 giảng viên quốc gia (9 lớp, mỗi lớp 30 người) và 1.019 giảng viên cấp tỉnh (34 lớp, mỗi lớp 30 người). Bên cạnh đó, còn 57 tỉnh chưa ban hành kế hoạch thúc đẩy ứng dụng IPHM ở địa phương...

Ông Dương cũng cho rằng, dự án đã giúp chúng ta xây dựng được nền móng cho “ngôi nhà IPHM”. Trong thời gian tới, việc có xây cao được ngôi nhà đó hay không phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực và quyết tâm hành động của tất cả các đơn vị liên quan, nhất là các địa phương.

Ông Dương kiến nghị: Bộ NN-PTNT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ chương trình IPHM trên cả nước. Bên cạnh đó, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, chuyển giao, đào tạo, tập huấn về IPHM cho cán bộ, doanh nghiệp và nông dân trên cả nước.

Trong khuôn khổ dự án, Cục BVTV đã tổ chức các lớp đào tạo giảng viên TOT-IPHM tại 4 Trung tâm Bảo vệ thực vật trên cả nước. Ảnh: Trung Quân.

Trong khuôn khổ dự án, Cục BVTV đã tổ chức các lớp đào tạo giảng viên TOT-IPHM tại 4 Trung tâm Bảo vệ thực vật trên cả nước. Ảnh: Trung Quân.

Tổ chức FAO tiếp tục hỗ trợ đào tạo giảng viên TOT-IPHM quốc gia (9 lớp); hỗ trợ phát triển cơ sở nhân nuôi tác nhân sinh học phòng chống sinh vật gây hại; hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dự án độc lập và tham gia các dự án toàn cầu, dự án khu vực có liên quan tới BVTV.

Trung tâm Khuyến nông quốc gia bổ sung nội dung IPHM vào chương trình, tài liệu khuyến nông để hệ thống khuyến nông từ trung ương đến địa phương nhanh chóng nắm bắt nội dung chương trình và hướng dẫn nông dân thực hiện.

Khối các trường đào tạo, bổ sung nội dung chương trình IPHM vào giáo trình, chương trình giảng dạy để sinh viên, học viên được tiếp cận sớm, chủ động thực hiện IPHM ngay khi mới ra trường...

Ông Nguyễn Quý Dương đề nghị các địa phương trên cơ sở Quyết định số 150/QĐ-TTg, Quyết định số 1909/QĐ-BNN-KH và Quyết định số 3592/QĐ-BNN-BVTV sớm xây dựng, ban hành kế hoạch hành động triển khai chương trình IPHM. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình tại địa phương để người dân có điều kiện tiếp cận, học tập thuận lợi. Ngoài ra, phối hợp với Cục BVTV tổ chức các lớp đào tạo giảng viên IPHM, nhất là các tỉnh chưa có giảng viên IPHM quốc gia.

Xem thêm
Ứng dụng ruồi lính đen trong chăn nuôi: [Bài 1] Tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn bền vững

Ruồi lính đen không chỉ mở ra cho ngành chăn nuôi nhiều cơ hội về nguồn thức ăn ổn định, mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn phế phụ phẩm.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Vụ đông gánh vụ mùa

Hải Dương Sau bão số 3, những tưởng sản xuất vụ đông sẽ gặp nhiều chật vật, song thực tế lại rất thuận lợi. Nông dân Hải Dương đang có một vụ đông được mùa, trúng giá.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.