| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật và giống mới vào sản xuất

Thứ Ba 09/01/2024 , 17:33 (GMT+7)

Năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã bảo vệ tốt các vụ mùa cây trồng, phát huy vai trò của nông nghiệp Thủ đô.

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Hà Nội trao Bằng khen cho những cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: Phương Thảo.

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Hà Nội trao Bằng khen cho những cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: Phương Thảo.

Sáng 9/1, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024, nhằm nhìn lại các nhiệm vụ đã hoàn thành và đề ra giải pháp năm tới.

Báo cáo tổng kết năm 2023, Chi cục đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Cụ thể, Chi cục tích cực tham mưu Sở NN-PTNT thành phố về kế hoạch sản xuất các vụ trong năm đảm bảo diện tích, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của Thủ đô chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Trong năm 2023, Chi cục đã tham mưu UBND thành phố 1 văn bản về thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023 – 2030; 1 văn bản về ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023.

Nhờ vậy, diện tích sản xuất có xu thế giảm theo từng năm do quá trình đô thị hóa nhưng cơ cấu giống lúa tiếp tục chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao.

Nhóm giống lúa chất lượng (BT7, TBR225, HDT8, VRN 20.....), lúa nếp (Nếp 97, Nếp 87 nếp Cái Hoa Vàng...) chiếm 65,5% diện tích gieo cây tập trung ở các huyện Phúc Thọ, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai, Ba Vì, Đông Anh, Thường Tín. Diện tích sản xuất ứng dụng hệ thống thâm canh cải tiến (SRI) tăng lên so với các năm trước. Người sản xuất qua tập huấn đã nâng cao nhận thức và thay thói quen.

Cơ cấu giống trong sản xuất rau, màu và hoa liên tục được bổ sung các chủng loại giống mới, chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Hà Nội có 180ha rau được chứng nhận hữu cơ và đang xin chứng nhận trong năm 2023. Ảnh: Phương Thảo.

Hà Nội có 180ha rau được chứng nhận hữu cơ và đang xin chứng nhận trong năm 2023. Ảnh: Phương Thảo.

Diện tích rau đã được chứng nhận hữu cơ và đang xin chứng nhận đạt khoảng 180ha, năng suất dự kiến 50 tấn/ha/năm. Hiệu quả kinh tế sản xuất rau hữu cơ cao hơn so với sản xuất rau thông thường từ 20 - 30%. Giá sản phẩm rau năm 2023 giữ tương đối ổn định so với năm 2022.

Diện tích sản xuất hoa, cây cảnh tăng hơn so với năm 2022. Diện tích gieo trồng hoa chất lượng cao ước đạt trên 30% diện tích, gồm các chủng loại hoa hồng, lily, lan, cúc giống mới, đào, quất. Hiệu quả sản xuất tăng hơn so với sản xuất hoa thông thường khoảng 25 - 30%.

Diện tích trồng cây lâu năm tăng chủ yếu là diện tích trồng mới cây ăn quả, diện tích cây chè giữ ổn định khoảng 2.000 ha. Cơ cấu giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, cây đặc sản như bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng, ổi lê, cam... chiếm trên 50% diện tích cây ăn quả của thành phố.

Một số loại giống cây ăn quả mới đang được du nhập và phát triển trên địa bàn thành phố, như giống xoài chịu lạnh, thanh long ruột đỏ, giống táo, ổi không hạt, đu đủ ruột tím, nho hạ đen, nho mẫu đơn... bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao.

Bên cạnh đó, Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT ban hành 35 văn bản chỉ đạo về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và đảm bảo an toàn thực phẩm trên rau, quả, chè đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng nâng cao hiệu quả của công tác quản lý.

Trong năm qua, Chi cục phối hợp với báo Nông nghiệp Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam. Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, báo Hà Nội mới đưa tin về công tác sản xuất rau an toàn tại một số địa phương trên địa bàn thành phố.

Chi cục cũng tiến hành kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, góp phần lành mạnh hóa thị trường kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đánh giá cao các kết quả Chi cục đã đạt được. Ảnh: Phương Thảo.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đánh giá cao các kết quả Chi cục đã đạt được. Ảnh: Phương Thảo.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đánh giá, Thủ đô đã đóng góp lớn vào kết quả đạt được của ngành trồng trọt trên cả nước. Hà Nội bảo vệ thành công các vụ sản xuất trên mọi loại cây trồng, đặc biệt là mô hình canh tác giảm phát thải khí nhà kính được duy trì nhiều năm qua.

Đưa ra một số lưu ý định hướng cho đơn vị trong năm 2024, ông Nguyễn Quý Dương mong muốn Chi cục nỗ lực nhiều hơn nữa để kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cây trồng cho bà con.

“Hiện có 3 đề án trong ngành bảo vệ thực vật, gồm: Đề án IPHM, đề án phát triển sử dụng phân bón hữu cơ và đề án phát triển sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Hà Nội lồng ghép đưa các đề án này vào kế hoạch năm 2024 và những năm tới”, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật giao nhiệm vụ.

Định hướng phương hướng hoạt động cho Chi cục năm 2024, ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Hà Nội đề nghị, đơn vị tích cực tham mưu cho Sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thành lập những vùng canh tác tập trung, xanh hóa, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao nội lực nông sản Thủ đô và xây dựng các vùng nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Cũng tại Hội nghị tổng kết, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Hà Nội đã tổ chức lễ chia tay ông Lê Xuân Trường, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP. Hà Nội và 15 Trạm trưởng Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội chuyển về đơn vị công tác mới.

Năm 2023, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm tại Hà Nội ước đạt hơn 225.000 ha. Trong đó, diện tích lúa hơn 158.000 ha, cây rau gần 33.000 ha, cây đậu tương gần 1.500 ha, cây ngô hơn 13.000 ha, cây lạc hơn 2.000 ha, cây trồng khác gần 18.000 ha. Diện tích cây lâu năm ước đạt gần 24.000 ha.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.