| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội : Người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm

Thứ Ba 10/11/2020 , 09:07 (GMT+7)

Việc trả tiền đó thông qua cơ chế thu phí vệ sinh, giá dịch vụ môi trường khiến cho người gây ô nhiễm phải điều chỉnh hành vi của họ theo hướng tích cực hơn…

Nhờ đó giảm thiểu được vấn đề ô nhiễm môi trường. Nguyên tắc này bắt đầu áp dụng trên thế giới từ những năm 70 của thế kỷ trước nhưng tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng việc áp dụng nó vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, chưa được triệt để. Chuyện cứ thỉnh thoảng người dân xung quanh bãi rác Nam Sơn huyện Sóc Sơn lại chặn đường vào khiến cả thành phố bị ùn ứ, ô nhiễm bởi rác là một ví dụ điển hình.

Hà Nội hiện tại có thường xuyên khoảng trên 10 triệu người sinh sống, kể cả dân gốc lẫn người lao động ngoại tỉnh và du khách. Đi kèm với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt là một khối lượng rác thải khổng lồ trong khi công nghệ xử lý lại khá thô sơ, mức phí thu để xử lý còn thấp.

Về chất thải rắn, thành phố hiện có 2 khu xử lý: Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn đặt tại huyện Sóc Sơn, bắt đầu vận hành từ năm 1999, theo thiết kế đảm bảo xử lý với công suất khoảng 1.000 tấn/ngày đêm nhưng hiện tại luôn bị quá tải với công suất khoảng 5.000 tấn/ngày đêm, chiếm 77 % lượng rác của toàn thành phố. Công nghệ ở đây chủ yếu là chôn lấp đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường trên diện rộng khiến cho mấy năm gần đây người dân trong khu vực ba xã thuộc vùng ảnh hưởng đã nhiều lần tập trung đông người ngăn cản xe chở rác vào. Họ kiến nghị chính sách hỗ trợ ảnh hưởng môi trường, giải phóng mặt bằng và di dân trong vùng ảnh hưởng bán kính 0-500m từ chân hàng rào bãi rác với hơn 2.000 hộ thuộc diện phải di dời, với tổng diện tích đất khoảng 396ha.

Để giải quyết vấn đề này một cách cơ bản, hiện thành phố đang triển khai xây dựng dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4.000 tấn/ngày đêm nhưng mốc đưa vào vận hành thử nghiệm vẫn chưa đạt sự kỳ vọng của người dân. Khu xử lý chất thải thứ hai đặt ở Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây theo quy hoạch diện tích đến năm 2020 là 26ha, năm 2030 là 57 ha, năm 2050 là 73,5 ha; Công suất xử lý đến năm 2020 khoảng 700 tấn/ngày đêm, đến năm 2030 khoảng 1.600 tấn/ngày; đến năm 2050 khoảng 2.500 tấn/ngày. Cũng tại đây, có nhà máy xử lý chất công suất 700 tấn/ngày bằng phương pháp đốt không phát điện, hiện đang thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo thành công nghệ đốt rác phát điện, nâng công suất lên 1.500 tấn/ngày đêm. Gần đó có nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây công suất tối đa 250 tấn/ngày đêm hiện đang vận hành công suất khoảng 160 tấn/ngày, xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện.

Phân loại phế liệu ở khu vực bãi rác Nam Sơn. Ảnh: NNVN.

Phân loại phế liệu ở khu vực bãi rác Nam Sơn. Ảnh: NNVN.

Thành phố cũng đang có 2 dự án nhà máy xử lý rác thải chuẩn bị đầu tư với tổng công suất 1.500 tấn/ngày đêm: Dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn công suất 1.000 tấn/ngày, phát điện 15,5 MW; Dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng công suất 500 tấn/ngày, phát điện 12 MW.

Về nước thải sinh hoạt, trên địa bàn Hà Nội có 6 trạm/ nhà máy xử lý nước thải trong đó 5 trạm/nhà máy xử lý nước thải nằm trong khu vực nội đô gồm: Kim Liên, Trúc Bạch, hồ Bảy Mẫu, Yên Sở, Hồ Tây; 1 nhà máy xử lý nước thải nằm ở khu vực ngoại thành: Bắc Thăng Long - Vân Trì. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy xử lý nước thải mới chỉ đạt 276.300 m3/ngày đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý ở khu vực nội đô, phần còn lại chưa được xử lý mà trực tiếp xả thải ra môi trường.

Ở nông thôn, theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 32-2006 đến năm 2020 tiêu chuẩn dùng nước cho một người/ngày đêm ở khu vực này khoảng 100 lít/người ngày thì lượng nước thải sinh hoạt ở ngoại thành Hà Nội với dân số khoảng 4,2 triệu người ước tính trên 420 nghìn m3/ngày đêm. Nếu tính sự thất thoát bay hơi, thẩm thấu xuống đất khoảng 15% thì lượng nước thải sinh hoạt còn lại thải ra môi trường ít nhất khoảng 357 nghìn m3/ngày đêm.

Nói tóm lại, cả chất thải rắn và nước thải ở khu đô thị và nông thôn Hà Nội phần lớn chưa được xử lý đúng cách, là nguyên nhân gây ô nhiễm, lây lan bệnh tật. Rất mong các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan có liên quan quan tâm, nghiên cứu, bám sát nguyên lý người gây ô nhiễm phải trả tiền để áp dụng tốt hơn trong thời gian tới.

Xem thêm
Đề nghị kỷ luật loạt cán bộ dính vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật các ông Mai Tiến Dũng, Dương Văn Thái, Phạm Thái Hà... do liên quan vụ Thuận An, Phúc Sơn, Đại Ninh...

Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.