Phát động ‘Tuyến phố không dùng tiền mặt’
Mới đây, UBND quận Nam Từ Liêm đã tổ chức lễ phát động 'Tuyến phố không dùng tiền mặt' tại phố Trần Văn Lai, phường Mỹ Đình 1.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long, thanh toán không dùng tiền mặt giúp người dân dần tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số, góp phần xây dựng các công dân số, xã hội số. Trên cơ sở triển khai thí điểm tại tuyến phố Trần Văn Lai, UBND quận sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai diện rộng tuyến phố không dùng tiền mặt trên toàn địa bàn.
Để mở rộng việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn toàn quận, trong thời gian tới, UBND quận sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan, tổ chức tập huấn các nội dung thanh toán không dùng tiền mặt; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, cách thức thanh toán không dùng tiền mặt trong phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo bước đệm thuận lợi cho người dân trong quận được trải nghiệm những hình thức thanh toán với công nghệ mới, hiện đại, giúp tiếp cận nhanh với các ứng dụng, tiện ích trong thời đại chuyển đổi số, góp phần đưa quận Nam Từ Liêm trở thành đô thị thân thiện, văn minh, hiện đại.
Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long đề nghị các phòng, ban, ngành, đoàn thể của quận, UBND các phường, các trường học trên địa bàn quận tiếp tục tăng cường tuyên truyền vận động, cán bộ công chức, viên chức người lao động và nhân dân trên địa bàn về những tiện ích mà việc thanh toán không dùng tiền mặt mang lại, trên cơ sở đó tích cực hưởng ứng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, để tiến tới mỗi phường đều có tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt và số lượng các tuyến phố này tăng dần hằng năm, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của quận và Thủ đô.
Tuyến phố Trần Văn Lai có độ dài khoảng gần 1km với hơn 300 hộ kinh doanh các mặt hàng. Đặc biệt, đây còn là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, kinh tế giữa người Việt Nam với người Hàn Quốc. Bởi vậy, việc phát động “Tuyến phố không dùng tiền mặt” tại tuyến phố Trần Văn Lai là điều kiện thuận lợi cho phường Mỹ Đình 1 phát triển kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt.
Phấn đấu mỗi quận, huyện có 1 tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt
Trước đó, sáng 7/10, tại tuyến phố đi bộ phố Hàng Bài (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, Ngân hàng nhà nước chi nhánh TP. Hà Nội và Sở Công Thương Hà Nội tổ chức phát động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Phát động thanh toán không dùng tiền mặt tại quận Hoàn Kiếm là sự kiện mở đầu cho việc triển khai diện rộng thanh toán không dùng tiền mặt tại tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải nêu rõ, việc thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu trong thời đại mới. Việc triển khai tuyến phố không dùng tiền mặt có ý nghĩa quan trọng, là điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn thành phố được trải nghiệm những hình thức thanh toán mới, hiện đại, giúp người dân dần tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số, góp phần xây dựng các công dân số, xây dựng xã hội số.
"Tuyến phố không dùng tiền mặt cũng sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch trong thanh toán, đa dạng mạng lưới bán hàng, dần hoàn thiện cơ sở dữ liệu người tiêu dùng, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân", ông Hà Minh Hải cho biết. Đồng thời khẳng định việc tận dụng các ưu điểm, lợi thế, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số sẽ hình thành, tạo nên không gian phát triển mới – không gian số, góp phần hình thành 3 trụ cột trong quá trình phát triển: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
UBND TP. Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển kinh tế số nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng, nghiên cứu, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, tiếp tục nhân rộng mô hình này, hướng tới mỗi quận, huyện, thị xã đều có tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt và số lượng tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt tăng dần hàng năm.