Tại huyện Chương Mỹ, qua kiểm tra Công ty TNHH Sản xuất chế biến thực phẩm Alishan (thôn Phù Yên, xã Trường Yên), ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, cho biết: Quy trình sản xuất và vệ sinh nhà xưởng của cơ sở chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, tường nhà bị mốc, thiếu kho chứa thực phẩm và hồ sơ khám sức khỏe của 15 người chế biến chưa được xuất trình đầy đủ.
Ngoài ra, hồ sơ pháp lý của cơ sở còn thiếu dữ liệu, đặc biệt là thông tin nguồn gốc chân gà nhập từ một công ty ở Thái Bình.
"Chúng tôi sẽ phối hợp truy xuất nguồn gốc chân gà. Nếu không chứng minh được xuất xứ, sẽ xử lý nghiêm. Đồng thời, mẫu chân gà đã được lấy để kiểm định chất lượng", ông Phong cho hay.
Theo Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm huyện Chương Mỹ, địa phương có hơn 3.700 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong dịp Tết, huyện đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành, phụ trách 10-11 xã, thị trấn mỗi đoàn. Đến nay, các đoàn đã kiểm tra 160 cơ sở, phát hiện 10 cơ sở vi phạm và xử phạt gần 10 triệu đồng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đề nghị huyện Chương Mỹ tiếp tục tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là những mặt hàng phổ biến trong dịp Tết. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu và lấy mẫu xét nghiệm nhanh để kịp thời xử lý thực phẩm không an toàn.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trong dịp Tết Ất Tỵ 2025. Các đoàn do lãnh đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường thành phố dẫn đầu.
Nội dung kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như thịt, bia, rượu, bánh kẹo, rau củ quả, và phụ gia thực phẩm. Các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố cũng nằm trong diện kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ người dân trong dịp lễ hội.