Theo đó, Hà Nội sẽ tiến hành thu thập thông tin cơ bản, chính xác về nhân khẩu học, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục đào tạo, tình trạng việc làm, thất nghiệp, không tham gia hoạt động kinh tế của người từ đủ 15 tuổi trở lên trong các hộ gia đình làm cơ sở quản lý nguồn nhân lực, đề xuất các chính sách về lao động, việc làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động (thông tin Cung lao động).
Cùng với đó, Hà Nội cũng sẽ thu thập thông tin cơ bản về loại hình, ngành kinh tế, việc sử dụng và nhu cầu tuyển dụng lao động của người sử dụng lao động, làm cơ sở để xác định hướng đào tạo, dạy nghề phát triển nguồn nhân lực và kết nối, cung ứng hiệu quả nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động (thông tin Cầu lao động). Ngoài ra, thành phố cũng sẽ tiến hành thu thập thông tin về người lao động nước ngoài làm việc tại thành phố Hà Nội theo quy định tại Bộ luật Lao động.
UBND TP. Hà Nội giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn nghiệp vụ ghi chép thông tin thị trường lao động cho đội ngũ cán bộ của Ban Quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội; phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan.
Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội hướng dẫn, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan về nghiệp vụ ghi chép và tổng hợp báo cáo cung, cầu lao động năm 2023 trên địa bàn thành phố đảm bảo đúng tiến độ quy định; theo dõi tiến độ, tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn các đơn vị trong quá trình ghi chép; tiếp nhận, kiểm tra rà soát Phiếu cập nhật thông tin thị trường lao động; nhập tin vào phần mềm, tổng hợp, phân tích và chuyển tải dữ liệu thị trường lao động của Hà Nội vào hệ thống cơ sở dữ liệu thị trường lao động Quốc gia theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH.
Được biết, Dự án Hệ sinh thái năng suất lao động (PE4DW) do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hỗ trợ đang được Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) nghiên cứu, xây dựng một mô hình dự báo cung - cầu lao động phù hợp cho Việt Nam. Hướng tiếp cận của mô hình này là cung cấp thông tin thị trường lao động một cách kịp thời, chi tiết đến từng địa phương.
Mô hình dự báo cung - cầu lao động nếu thực hiện thành công sẽ cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động kịp thời. Nhờ đó, người lao động biết được diễn biến thị trường đang ra sao để có sự chuẩn bị, tham gia đào tạo phù hợp. Doanh nghiệp xác định chi phí lao động từng vùng, khu vực để đánh giá nguồn nhân lực có sẵn sàng cho họ mở rộng đầu tư hay chưa. Các địa phương cũng có thể chủ động hơn trong việc điều tiết lao động, thay vì phụ thuộc vào Trung ương như hiện nay.
Mô hình này cũng giúp giải quyết được vấn đề xã hội, bởi kết nối trên thị trường lao động hiệu quả. Các địa phương có thông tin rõ ràng, giảm chi phí cho xã hội. Người lao động dễ tìm việc. Doanh nghiệp không mất thời gian, chi phí tuyển dụng, có lao động đảm bảo cho sản xuất kinh doanh.
Dự kiến, mô hình dự báo này và nền tảng cơ sở dữ liệu (bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin, cấu trúc cơ sở dữ liệu) sẽ được hoàn thiện vào năm 2024. Đến năm 2025 sẽ có nguồn thông tin đầu vào cho cơ sở dữ liệu và ra mắt mô hình ban đầu.
Đây là một phần trong nỗ lực nhằm phát triển một mô hình phân tích và dự báo cung - cầu lao động sẽ được sử dụng cho Bộ LĐ-TB&XH. Từ đó, tạo cơ hội thu thập kiến thức và kinh nghiệm từ các chuyên gia trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu, tổ chức khác về nghiệp vụ phân tích và dự báo. Qua đó, đề xuất, xây dựng mô hình dự báo cung-cầu lao động phù hợp cho Việt Nam.